Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/7

Công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 23/7.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu VHC

Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), trong 6 tháng đầu năm 2025, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận doanh thu đạt 5.841 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với mảng cá tra phi lê (chiếm 54%) đạt 3.139 tỷ đồng, giảm 1,5%, nhưng phục hồi mạnh ở tháng 5 (tăng 15%) và tháng 6 (tăng 5%) nhờ đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và EU.

Tình hình thuế quan và cạnh tranh tại Mỹ và EU đang có nhiều thay đổi. Tại Mỹ, 8 doanh nghiệp cá tra Việt Nam, bao gồm cả VHC, được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%, giúp giảm chi phí nhưng đồng thời làm gia tăng cạnh tranh về giá. Trong khi đó, EU vừa ban hành lệnh cấm vận thủy sản Nga, mở ra cơ hội cho cá tra Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, đặc biệt với các doanh nghiệp có vị thế dẫn đầu như VHC.

PHS duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2025, do ba yếu tố chính: giá bán khó cải thiện khi doanh nghiệp sẽ cần đẩy hàng nhanh trước những bất định về thuế quan, nguồn cung cá tra nguyên liệu tiếp tục thiếu hụt, gây áp lực lên chi phí đầu vào và các doanh nghiệp có xu hướng quản lý hàng tồn kho thận trọng hơn cho đến khi có thông tin rõ ràng về mức thuế đối ứng.

Cổ tức 2025 là 2.000 đồng/cổ phiếu (tỷ suất 3,5%), P/E 10.3x (thấp hơn trung bình 5 năm: 12.0x). Với quan điểm thận trọng, PHS khuyến nghị nắm giữ với giá hợp lý 62.000 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá 9%.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DCM

Công ty Chứng khoán Vietcap (VCSC) cũng nâng giá mục tiêu đối với cổ phiếu của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) lên 40.700 đồng/cổ phiếu, đồng thời giữ nguyên khuyến nghị mua. Giá bán urê tăng 6,1% giúp dự báo tổng lợi nhuận mảng urê của Đạm Cà Mau giai đoạn 2025–2029 tăng thêm 15%. Lãi ròng năm 2025 dự kiến tăng 21%, trong đó lợi nhuận từ mảng urê tăng 15% và mảng NPK tăng gấp 2,4 lần, nhờ sản lượng bán tăng và chi phí khí giảm.

Tính riêng trong nửa đầu năm 2025, sản lượng bán NPK đạt 116.000 tấn, tăng 51% so với cùng kỳ và hoàn thành 53% kế hoạch năm cho thấy tiềm năng quay lại giành thị phần từ các sản phẩm NPK giả, vốn là vấn đề lớn của ngành trong các năm trước.

DCM cũng đang đẩy mạnh đầu tư dài hạn với 3 dự án lớn: Mảng khí và hóa chất công nghiệp với vốn đầu tư 200 triệu USD, cảng và nhà máy tại Nhơn Trạch trị giá 3.400 tỷ đồng nhằm tối ưu logistics và cơ sở sản xuất CO2 cấp thực phẩm. Tuy chưa được đưa vào mô hình định giá, nhưng các dự án này sẽ tạo động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Với P/E dự phóng năm 2025 là 11,3 lần và EV/EBITDA 5,0 lần (thấp hơn 13% so với trung bình ngành), cổ phiếu DCM được đánh giá là hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh mảng NPK kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận với CAGR lên tới 58%, đạt 770 tỷ đồng vào năm 2029, chiếm 33% tổng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nhận định chứng khoán 23/7: Áp lực điều chỉnh có thể gia tăng

CTV Kim Oanh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/mot-so-co-phieu-can-quan-tam-ngay-237-post1216835.vov