Thuế 20% trên lãi bán chứng khoán: Thị trường có suy giảm?
Bộ Tài chính đề xuất mức thuế 20% trên lãi bán chứng khoán hàng năm khiến nhà đầu tư lo ngại thu nhập giảm có thể khiến thị trường ảm đạm.
Nhà đầu tư lo lắng
Trong Dự thảo Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính dự kiến sửa quy định về cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với hoạt động chuyển nhượng vốn, chứng khoán.
Theo đó, thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân cư trú được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20% theo từng lần chuyển nhượng.
Với chuyển nhượng chứng khoán, Bộ Tài chính cũng đề xuất thuế TNCN được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20%.
Thông tin này khiến giới đầu tư chứng khoán xôn xao vào lo lắng. Nhiều người cho rằng khi giao dịch, người mua bán đã phải nộp rất nhiều phí bất kể lỗ hay lãi. Vì thế, nếu bị đánh thuế 20%, thu nhập còn lại là rất ít.
Anh Nguyễn Dũng, nhà đầu tư chứng khoán với 16 năm kinh nghiệm cho biết hiện tại, mỗi công ty chứng khoán có mức thu phí riêng nhưng mặt bằng chung, cứ mỗi lần mua hoặc bán, không cần biết lỗ hay lãi, người giao dịch đã bị thu 0,1% giá trị giao dịch. Như vậy, sau mỗi đợt chuyển nhượng thành công, họ đã bị trừ 0,2%.
Anh Dũng đưa ra ví dụ, sau khi mua bán lô cổ phiếu trị giá 500 triệu đồng, phí cho 2 chiều giao dịch lên đến khoảng 20 triệu đồng (tùy thuộc vào giá bán ra). Nếu áp thêm thuế TNCN 20% thì thu nhập còn lại là không đáng kể. “Chưa kể, trong vài tháng gần đây, công ty chứng khoán nơi tôi giao dịch đã tăng phí. Rồi phải tính đến nhiều chi phí khác. Giả sử khi tôi đăng ký có môi giới hỗ trợ, tôi phải trả thêm phí cho môi giới”, anh Dũng chia sẻ đủ loại phí khi tham gia thị trường.
Tuy nhiên, anh Dũng cũng hài hước cho rằng tính đi tính lại có khi chính sách này lại không tác động lớn vì trên thực tế, thống kê cho thấy tỷ lệ người “thắng” trên thị trường chứng khoán là rất ít. Theo thống kê anh đọc được do các chuyên gia công bố, có tới 90 - 95% nhà đầu tư thua lỗ. Nghĩa là 5% đến 10% người có lãi. Và chỉ số ít này phải nộp 20% thuế TNCN kể trên.

Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có khoảng 9,25 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Ảnh minh họa
Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có khoảng 9,25 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Tỷ lệ tài khoản active (có hoạt động giao dịch) cũng chỉ ở mức 20 - 30%. Như vậy, có khoảng 280.000 nhà đầu tư có lãi. “Tỷ lệ người có lãi thấp nhưng tính con số tuyệt đối cũng vài trăm ngàn người rồi. Tôi may mắn là một trong số vài trăm ngàn người đó nên khá lo lắng. Nếu Dự thảo được thông qua, cứ lãi 10 triệu đồng là tôi phải đóng thuế 2 triệu đồng”, anh Dũng bày tỏ quan điểm.
Trong nhiều group về chứng khoán, tâm trạng chung của giới đầu tư là lo lắng. Có người thậm chí còn “dọa” thoát hàng, rời bỏ thị trường và mua vàng thay thế. Một vài ý kiến cho rằng cần đánh thuế 20% cho phần lãi chuyển nhượng bất động sản trước rồi mới tới chứng khoán.
Không ảnh hưởng nhiều
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, Giám đốc Tư vấn Đầu tư tại một công ty chứng khoán có tổng tài sản khoảng 5.500 tỷ đồng cho biết, đề xuất này không ảnh hưởng nhiều vì thực chất thông tin này cũ rồi, không có gì mới. Từ trước đến giờ, mức thuế đã là 0,1% hoặc 20% nên cái này chỉ là lặp lại thôi.
Cụ thể, Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 (hiệu lực từ ngày 01/01/2009) quy định hai phương pháp thu thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán. Theo đó, tính theo thuế suất 20% trên thu nhập năm (giá bán trừ đi giá mua và các chi phí liên quan), nếu không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan và có chứng từ chứng minh thì nộp thuế 0,1% trên giá bán từng lần và không phải quyết toán thuế khi kết thúc năm tính thuế.
Và cũng như với bất động sản, mức thuế suất 20% đã xuất hiện nhưng nhà đầu tư thường lựa chọn mức thuế 0,1% trên giá trị giao dịch thay vì chênh lệch giữa giá mua và bán (kèm theo các chi phí hợp lý). Vì vậy, con số 20% có vẻ “xa lạ”.
Có thể thấy đây không phải là đề xuất mới nên khi thông tin được công bố, trong phiên giao dịch 22/7, sau một khoảng thời gian lo lắng ngắn hạn ban đầu của nhà đầu tư, chỉ số VN-Index nhanh chóng bứt tốc.

Bộ Tài chính đề xuất thuế TNCN được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20%. Ảnh minh họa
Đóng cửa phiên 22/7, VN-Index tăng 24,49 điểm, tương đương 1,65% lên 1.509,54 điểm. Như vậy, VN-Index đã chinh phục thành công ngưỡng 1.500 điểm ngay trong phiên giao dịch được cho là có khả năng chao đảo vì đề xuất thuế của Bộ Tài chính.
Chưa dừng lại ở đó, bước sang phiên 23/7, sắc xanh tiếp tục lan rộng bảng giao dịch điện tử. Trong đó, đáng chú ý nhất là cổ phiếu VJC của Vietjet Air tiếp tục tăng trần.
Giám đốc Tư vấn Đầu tư của công ty chứng khoán kể trên khẳng định đây chỉ là điều “rất nhỏ”, thị trường đang quan tâm những vấn đề khác.
Những vấn đề khác mà vị chuyên gia này nhắc tới là: “Kỷ nguyên vươn mình, phát triển công nghệ, chính sách thúc đẩy phát triển như Nghị quyết 68 phát triển kinh tế tư nhân, dòng tiền thị trường, các vấn đề quốc tế, trung tâm tài chính TPHCM-Đà Nẵng...”.