Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/6

Công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 28/6.

Nhận định chứng khoán 28/6: Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DBC

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), Quý I/2024, CTCP Tập đoàn Dabaco (HOSE: DBC) ghi nhận tổng doanh thu đạt 3,253 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu đến từ sự tăng trưởng của lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi động vật.

Quý I đánh dấu thời điểm phục hồi đầu tiên của giá lợn hơi trên thị trường trong bối cảnh nguồn cung nội địa thiếu hụt, giá thịt lợn hơi vẫn đang tiếp tục trên đà tăng. Nhờ vào tình hình kinh doanh khả quan của mảng chăn nuôi heo, biên lợi nhuận gộp đạt 11% (quý I/2023 đạt âm 4%). Tỷ trọng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên tổng doanh thu được tối ưu hiệu quả. Tổng kết, lợi nhuận ròng đạt 73 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 320 tỷ đồng trong quý I/2023.

Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/6 (Ảnh minh họa: KT)

Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/6 (Ảnh minh họa: KT)

MBS nhận thấy, giá heo bắt đầu bước vào chu kỳ tăng giá sẽ là động lực tăng trưởng cho DBC trong năm 2024-2025. Giá heo dự báo duy trì ở mức 65.000 đồng/kg và có khả năng đạt mức 75.000 đồng/kg do nguồn cung nội địa thiếu hụt. Bên cạnh đấy, giá heo tăng cao sẽ kích thích tỷ lệ tái đàn từ các hộ chăn nuôi từ đó mảng kinh doanh heo giống cũng sẽ có sự cải thiện.

Mảng thức ăn chăn nuôi duy trì sự ổn định nhờ vào giá nguyên liệu đầu vào ổn định ở mức thấp cùng tỷ lệ tái đàn của hộ chăn nuôi gia tăng, giúp cho sản lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ tăng khoảng 5% so với năm 2023.

MBS kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2024 DBC đạt 518 tỷ đồng, tăng gấp 21 lần so với năm ngoái. Lợi nhuận ròng năm 2025 có thể tiếp tục tăng 20,6% khi giá lợn hơi cùng giá đầu vào của mảng thức ăn chăn nuôi duy trì ổn định.

MBS sử dụng kết hợp 2 phương pháp DCF (WACC: 10.5%) và EV/EBITDA (7x) để đưa ra mức giá trị hợp lý cho cổ phiếu DBC. Rủi ro giảm giá bao gồm: nguồn cung heo lậu lớn trên thị trường ảnh hưởng đến chu kỳ tăng giá heo thông thường, dự án nhà máy vaccine không được thương mại hóa trong năm 2024.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu POW

Cũng theo MBS, trong quý I/2024, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HSX: POW) ghi nhận tổng sản lượng giảm 10%, chủ yếu do sản lượng Nhơn Trạch 1&2 giảm do thiếu khí, một phần được bù đắp bởi huy động tích cực từ Vũng Áng 1 và Cà Mau 1&2.

Giá bán điện giảm 11%, chủ yếu do giá bán điện than giảm theo đà giảm giá than, dẫn đến doanh thu giảm 16%. Lợi nhuận gộp giảm mạnh 45% do NT2 lỗ gộp 225 tỷ đồng trong quý I/2024. Doanh thu tài chính giảm 19% do lãi tiền gửi giảm, trong khi chi phí tài chính tăng 10% do lỗ tỷ giá hối đoái tăng mạnh. Theo đó, lợi nhuận ròng quý I/2024 giảm 48%, tương đương 23% dự báo của BSC.

Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/6 (Ảnh minh họa: KT)

Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/6 (Ảnh minh họa: KT)

Trong 2024, MBS kỳ vọng Cà Mau 1&2 và Vũng Áng 1 sẽ là động lực chính cho mức tăng trưởng sản lượng 3,5% svck của POW, bù đắp cho sự sụt giảm của Nhơn Trạch 1&2, nhờ nguồn cung khí ổn định hơn cùng với Vũng Áng 1 hoạt động hết công suất sau khi hoàn thành sửa chữa. Sản lượng thủy điện sẽ phục hồi từ quý II/2024 sau giai đoạn tích nước quý I/2024, hỗ trợ tổng sản lượng của POW tăng 13% từ nền thấp 2023. Theo đó, dự kiến doanh thu sẽ tăng 12% và lợi nhuận sau thuế tăng 10% từ mức nền thấp năm 2023.

Sang năm 2025, Nhơn Trạch 3&4 – nhà máy điện LNG mới của POW sẽ đóng góp cho tăng trưởng sản lượng 63% svck, trong khi Nhơn Trạch 1&2 dự kiến phục hồi từ mức nền thấp do nhu cầu điện phục hồi. Tuy nhiên, dự kiến hai nhà máy mới sẽ ghi nhận lỗ ròng trong hai năm đầu hoạt động, và chúng tôi kỳ vọng các khoản lãi bất thường, bao gồm việc thoái vốn của EVN Việt Lào và khoản bồi thường tại Vũng Áng 1 sẽ là động lực tăng trưởng, hỗ trợ lợi nhuận ròng đạt 1.690 tỷ đồng (tăng 42,6% so với năm trước).

MBS khuyến nghị, khả quan POW với giá mục tiêu 16.800 đồng/cổ phiếu (tăng 13% so với báo cáo trước) do điều chỉnh dự báo tăng trưởng EPS 2024-2025 thêm 3%/16,3%. MBS đánh giá POW sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi lớn trong xu hướng phát điện LNG nhờ danh mục dự án gối đầu giai đoạn 2025-3035, do đó, MBS cho rằng, POW là cơ hội đầu tư tiềm năng cho quan điểm đầu tư dài hạn.

Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu MCM

BSC duy trì khuyến nghị theo dõi cổ phiếu MCM của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu với giá mục tiêu 2025 là 48.100 đồng/cổ phiếu (Upside +9% so với giá đóng cửa ngày 25/6) dựa trên phương pháp DCF với WACC 8%. Cơ sở tăng định giá: MCM cần chứng minh chiến lược tăng trưởng về lợi nhuận và thị phần, gồm: mở rộng ngành hàng và khai phá thị trường tiêu thụ mới nhằm đảm bảo đầu ra và gia tăng hiệu suất hoạt động của tổ hợp sữa thiên đường Mộc Châu giai đoạn 2025-2030.

Năm 2024, BSC dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của MCM lần lượt đạt 3.147 tỷ đồng (tăng 0,4% so với năm ngoái) và 275 tỷ đồng (giảm 26%), EPS FW là 2.252 lần và PE FW là 20 lần. Mức suy giảm đến từ nhu cầu tiêu dùng của tại khu vực miền núi phía bắc yếu và duy trì chi phí SG&A/ doanh thu nhằm duy trì hoạt động tiếp cận thị trường mới.

Năm 2025, BSC dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3.392 tỷ đồng (tăng 7,8%) và 306 tỷ đồng (tăng 11%), EPS FW là 2.506 và PE FW là 18 lần. Kỳ vọng mức phục hồi kết quả kinh doanh từ nền thấp nhờ chiến lược mở rộng danh mục sản phẩm, nỗ lực tiếp cận kênh bán hàng mới và tập khách hàng mới.

Công ty đặt kế hoạch năm 2024 doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3,367 tỷ đồng (tăng 7,4% so với năm ngoái) và 331,7 tỷ đồng (tăng 11,7%). Hình thức phân phối lợi nhuận thông qua trả cổ tức bằng tiền tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế và trích 10% lợi nhuận sau thuế cho quỹ khen thưởng phúc lợi. Năm 2024, công ty dự kiến mở rộng danh mục sản phẩm và mở rộng kênh phân phối ở miền Nam nhằm tiếp cận thị trường mới.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/mot-so-co-phieu-can-quan-tam-ngay-286-post1104282.vov