Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/7

Công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 29/7.

Nhận định chứng khoán 29/7-2/8: VN-Index có thể tích lũy trở lại trong vùng 1.230-1.260

Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu NT2

Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), sau quý I/2024 ghi nhận kết quả kém khả quan do quy mô sản lượng được huy động thấp, trong quý II/2024, CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (mã chứng khoán NT2) ghi nhận doanh thu đạt 2.186 tỷ đồng, tăng gấp 8,3 lần so với quý trước. Trong đó, sản lượng điện đạt 1.026 tỷ Kwh và giá bán trung bình đạt 2.152 đồng/kwh. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 122,18 tỷ đồng tăng mạnh so với mức lỗ 158 tỷ trong quý I/2024. So với cùng kỳ quý II/2023, doanh thu của NT2 đi ngang và lợi nhuận sau thuế giảm 15%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu đạt gần 2.448 tỷ đồng, giảm 44% và lợi nhuận sau thuế lỗ 35,9 tỷ đồng so với mức lãi 403,4 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2023. Kết quả kinh doanh quý II hồi phục đã giúp thu hẹp đáng kể mức lỗ trong quý I tuy nhiên vẫn còn cách xa so với kết quả đạt được các năm trước.

Về tình hình tài chính: Nợ vay của NT2 thời điểm 30/06/2024 đạt hơn 1.307 tỷ đồng, tăng 90,6%. Hệ số Nợ vay/ Vốn chủ sở hữu vẫn duy trì ở mức thấp, đạt 0,32 lần. Ngoài ra, NT2 có hơn 2.017 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng chiếm gần 36% tài sản ngắn hạn, giúp doanh thu từ hoạt động tài chính đạt gần 19,2 tỷ đồng, tăng 10,3%. Do đó, mặc dù nợ vay tăng mạnh nhưng tình hình tài chính của NT2 vẫn được đánh giá là ổn định.

Tuy nhiên, cần lưu ý, khoản mục phải thu khách hàng ngắn hạn tăng 30% so với đầu năm, đạt 2.938 tỷ đồng và chiếm 52,5% tài sản ngắn hạn. Khoản này chủ yếu là khoản tiền điện phải thu của Công ty mua bán điện (EPTC) thuộc EVN. Kỳ vọng với việc giảm thời gian điều chỉnh mức giá điện bình quân từ 6 tháng xuống còn 3 tháng sẽ giúp EVN linh hoạt điều chỉnh chi phí và tài chính bớt khó khăn trong thời gian tới, từ đó cải thiện dòng tiền cho các doanh nghiệp bán điện nói chung.

Triển vọng ngắn hạn kém tích cực do nguồn khí cấp cho phát điện giảm: Sản lượng khí cấp cho sản xuất điện năm 2024 là 4,19 – 4,47 tỷ m3, giảm 25%, trong đó, khu vực Đông Nam Bộ là 2,9 – 3,06 tỷ m3, giảm khoảng 30%. Do đó, NT2 có thể tiếp tục đối mặt với rủi ro thiếu khí trong thời gian tới.

Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm thua lỗ và triển vọng kinh doanh chưa thực sự khả quan, giá cổ phiếu NT2 đã giảm khoảng 16% từ đầu năm và phản ánh tình hình kết quả kinh doanh. Agriseco kỳ vọng kết quả kinh doanh của NT2 sẽ cải thiện từ năm 2025 nhờ nguồn cung nguyên liệu đầu vào ổn định giúp gia tăng sản lượng huy động và chi phí khấu hao máy móc thiết bị sẽ hết từ năm 2025 giúp cải thiện lợi nhuận của doanh nghiệp.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VLC

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) khuyến nghị mua cổ phiếu VLC của Tổng Công ty Chăn Nuôi Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện đang điều hành Công ty cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu (mã chứng khoán: MCM), với quy mô sản xuất chăn nuôi lớn tại tỉnh Sơn La, góp phần chủ lực cho doanh thu hiện có của công ty. VLC là đơn vị thành viên của Vinamilk (mã chứng khoán: VNM), do đó VLC luôn nhận được sự giúp đỡ kịp thời về vốn, chiến lược kinh doanh từ VNM.

YSVN khuyến nghị mua cổ phiếu VLC, giá mục tiêu 21.898 đồng/cổ phiếu theo luận điểm đầu tư: Công ty cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu duy trì kinh doanh ổn định, kết quả kinh doanh được cải thiện dần đều từ năm 2020 sau khi doanh nghiệp được Vinamilk hỗ trợ từ năm 2019. Mặc dù quý I chứng kiến sụt giảm doanh thu trong bối cảnh sức mua yếu của mảng sữa nước, nhưng nhóm phân tích kỳ vọng sản phẩm sữa chua sẽ bù đắp vào khoản giảm này.

Tổng Công ty Chăn Nuôi Việt Nam đang tích cực tận dụng nguồn lực đất đai, trong đó có dự án nhà máy sữa Hưng Yên. Hiện tại, nhà máy sữa Hưng Yên đang chậm tiến độ do thủ tục hành chính nên khả năng dự án sẽ hoàn thành chậm hơn kế hoạch ban đầu là quý II/2025.

YSVN đánh giá, đây sẽ là nguồn thu ổn định trong dài hạn khi dự án đi vào hoạt động. Tùy thuộc vào thị trường mà sẽ điều chỉnh công suất phù hợp, nhưng doanh thu dự án đem lại sẽ không thấp hơn 2.000 tỷ đồng/năm.

Thịt bò mát đem lại luồng gió mới cho Tổng Công ty Chăn Nuôi Việt Nam, doanh nghiệp và tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) hợp tác xây dựng tổ hợp chăn nuôi và sản xuất thịt bò mát Vinabeef tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) với công suất chế biến 10.000 tấn thịt bò mát/năm, ước tính doanh thu đạt 2.550 tỷ đồng/năm, dự kiến sẽ đi vào sản xuất từ quý IV/2024.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/mot-so-co-phieu-can-quan-tam-ngay-297-post1110579.vov