Một số đặc trưng văn hóa tộc người ở Hà Giang
BHG - Từ xưa đến nay, tỉnh Hà Giang được biết đến như một địa bàn cộng cư của nhiều tộc người có nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Trải qua những thăng trầm và biến thiên của lịch sử, trong điều kiện tự nhiên khá đặc thù, một mặt các tộc người vẫn duy trì và bảo lưu được về cơ bản những giá trị văn hóa truyền thống vốn có, mặt khác từ vốn văn hóa ấy họ cũng sáng tạo thêm nhiều giá trị mới phù hợp với hoàn cảnh sống. Những giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người ở Hà Giang được thể hiện trên các mặt văn hóa vật chất, các quan hệ ứng xử xã hội và đời sống tinh thần.
Có thể thấy rằng, các tộc người ở Hà Giang dù có lịch sử cư trú từ lâu đời hay những cộng đồng di cư đến sau đều coi kinh tế nông nghiệp, trồng trọt là nguồn sống chính. Để thích nghi với địa hình cư trú đồi núi ở phía Bắc với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe sâu và hẹp, nhiều vách dựng đứng; phía Tây là những dãy núi xen kẽ các dạng địa hình dốc, đôi khi sắc nhọn hoặc lởm chởm dốc đứng, bị phân cách mạnh, nhiều nếp gấp; vùng núi thấp với những cánh rừng già xen kẽ thung lũng tương đối bằng phẳng dọc theo sông, suối. Hà Giang có mật độ sông suối tương đối dày, tuy nhiên độ dốc lớn, nhiều ghềnh thác, ít thuận lợi cho giao thủy... Trong những điều kiện tự nhiên như vậy, để sinh tồn, các tộc người ở Hà Giang đã sớm hình thành đức tính cần cù, nhẫn nại vượt qua khó khăn trở ngại phát nương làm rẫy trồng các loại cây lương thực phục vụ tự cung, tự cấp cho cuộc sống. Trong lao động cộng đồng, các tộc người ở Hà Giang đã sáng tạo tạo nên những thửa ruộng bậc thang, dẫn nước nguồn để phát triển cây lúa nước ở phía Tây, tạo nên những miệt vườn cây ăn trái ở vùng núi thấp và sáng tạo ra phương thức canh tác thổ canh hốc đá trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Các nhà nghiên cứu gọi nền kinh tế của các cộng đồng vùng cao phía Bắc là “nền nông nghiệp chống chịu” với tính đa dạng sinh học của những tập đoàn giống cây trồng đã được tuyển chọn, sàng lọc qua nhiều thế hệ. Trong lao động sản xuất, các tộc người còn biết sử dụng các loại thảo dược trong thiên nhiên để chế ra các phương thuốc gia truyền phục vụ cho cuộc sống. Để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của cuộc sống các ngành thủ công truyền thống ra đời như nghề rèn, nghề dệt, chế tác trang sức, đan lát, chế biến dược liệu…
Về đặc điểm tâm lý và quan niệm sống của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang cũng rất độc đáo và hấp dẫn. Những biểu hiện đầu tiên để nhận diện một cộng đồng thường là hệ thống các sản phẩm vật chất kết tinh từ văn hóa truyền thống, là hệ quả của điều kiện và phương thức sản xuất, đồng thời phán ánh những đặc điểm tâm lý và quan niệm của cả cộng đồng trong những thời điểm lịch sử cụ thể nhất định về cách sinh hoạt ăn uống, trang phục, nhà ở. Đối với các tộc người ở Hà Giang sinh hoạt ăn, mặc, ở của mỗi gia đình, tộc người vừa mang tính thống nhất vừa mang tính đa dạng. Trước hết trong sinh hoạt ẩm thực chủ yếu sử dụng ngô, gạo, các loại rau, thịt, cá… do sản xuất tự cung tự cấp của các tộc người. Để chống chọi với thú rừng, các tộc người ở Hà Giang đã sáng tạo ra các kiểu kiến trúc nhà ở truyền thống phù hợp với đặc điểm địa hình từng vùng và trở thành bản sắc dân tộc như: Kiểu nhà sàn của dân tộc Tày, Nùng, Giấy, Dao áo dài, Cờ Lao, La Chí; kiểu nhà đất như người Mông, Lô Lô, Pu Péo, Pố Y, Phù Lá, Dao dỏ, Pà Thẻn...
Mỗi cộng đồng đều có những quan niệm riêng về sự sống và cái chết, những quan niệm này chi phối thái độ cũng như cách xử lý của tộc người trong từng việc liên quan. Dường như mỗi tộc người đều có những quan niệm và hành xử riêng tạo nên các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán vừa mang những đặc điểm riêng của tộc người vừa phản ánh sắc thái văn hóa của nhiều cộng đồng cùng tồn tại xen kẽ. Đa số các tộc người đều quan niệm vạn vật hữu linh, sinh ra nhiều nghi lễ cúng thần rừng, thần núi, thần sông… Các nghi lễ trong cưới hỏi, tang ma được các tộc người coi trọng, cho đó là việc hệ trọng của đời người, là chuyện vui của gia đình, dòng họ, thông qua các nghi lễ nhiều giá trị văn hóa truyền thống được hình thành như quan niệm về báo ơn đấng sinh thành, các đấng siêu nhiên đã sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn, dạy cho ta những điều hay lẽ phải; những bài hát giao duyên ca ngợi tình yêu đôi lứa, những tiếng khèn vọng núi rừng của người con hiếu thảo tiễn biệt người quá cố về với đất mẹ.
... Từ những đặc điểm nêu trên đã sớm hình thành giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Hà Giang đó là ý thức cộng đồng dân tộc sâu sắc, tinh thần đoàn kết, gắn bó yêu thương đùm bọc lẫn nhau; đức tính thật thà, bao dung, tự trọng và biết ơn; cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo trong lao động; yêu tự do, lãng mạn, yêu đời; có vốn tri thức dân gian phong phú. Trong các cuộc chiến tranh xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ biên cương Tổ quốc, các giá trị văn hóa truyền thống ấy được tỏa sáng và bồi đắp thêm lòng yêu nước nồng nàn, dũng cảm kiên trung trong chiến đấu, thích ứng và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Những đức tính đó đã tạo nên sức sống mạnh liệt để tồn tại trước mọi kẻ thù nghiệt ngã của thiên nhiên, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và là nền tảng để góp phần xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước…