Một số điểm mới được đưa vào Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

Sáng 27/6, Quốc hội đã lấy ý kiến biểu quyết thông qua Luật Trật tự ATGT đường bộ. Luật gồm 9 chương, 89 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Đáng chú ý, có nhiều điểm mới lần đầu tiên được luật hóa.

Trừ điểm Giấy phép lái xe

Một trong những quy định hoàn toàn mới của Luật Trật tự ATGT đường bộ đó là các điều khoản về điểm trừ giấy phép lái xe (GPLX). Đây là lần đầu tiên nước ta luật hóa điểm của GPLX.

Điều 58 của Luật quy định: điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ của người lái xe, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực. GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.

Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì người đó không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép đã bị trừ hết điểm.

Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự ATGT theo quy định.

Việc kiểm tra kiến thức do lực lượng CSGT tổ chức, người có GPLX có kết quả đạt yêu cầu mới được phục hồi đủ 12 điểm.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc trừ điểm không có tính chế tài nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung. Thẩm quyền kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về ATGT sẽ giao cho CSGT.

Quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô

Tai nạn giao thông đường bộ luôn được coi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với nhóm trẻ từ 5-18 tuổi. Trước đây, Luật pháp chưa có quy định về thiết bị, vị trí an toàn của trẻ em trên ô tô; tỷ lệ người sử dụng ô tô có thiết bị an toàn cho trẻ em còn rất thấp.

Phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao 1,35m khi ngồi xe ô tô.

Phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao 1,35m khi ngồi xe ô tô.

Vì vậy, Luật Trật tự ATGT đường bộ vừa thông qua đã tiếp thu ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội, bổ sung mới quy định về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao 1,35m khi ngồi xe ô tô. Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Trong xu hướng chuyển sang sử dụng ô tô tăng nhanh tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các gia đình trẻ, quy định về thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em tại Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông bằng ô tô.

Sử dụng một phần tiền xử phạt để đảm bảo ATGT

Theo Điều 4 của Luật Trật tự ATGT đường bộ mới thông qua, Nhà nước bố trí tương ứng từ khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, bảo đảm an ninh, trật tự ATGT.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những năm gần đây, Quốc hội đã phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách 100% nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.

Tỷ lệ phân bổ cho Bộ Công an và địa phương tùy thuộc vào nhu cầu từng năm, tuy nhiên quá trình thực hiện có khó khăn do chưa được quy định trong luật. Đến nay, nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 được Quốc hội quyết định bố trí, nhưng vẫn chưa được cấp do chưa rõ văn bản hướng dẫn cụ thể.

Sau khi Luật được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành văn bản để quy định cụ thể đối tượng áp dụng, đối tượng được bố trí, các khoản được bố trí, sử dụng kinh phí, lập dự toán, giao dự toán và quyết toán kinh phí trên cơ sở tuân thủ pháp luật về ngân sách nhà nước để tạo thuận lợi, thống nhất trong quá trình thực hiện.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mot-so-diem-moi-duoc-dua-vao-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo.html