Một số doanh nghiệp áp dụng ESG một cách bị động và đối phó
Ông Lê Trung Hải, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá, việc thực hành ESG tại Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai với sự tham gia chủ yếu từ các doanh nghiệp lớn.
Ngày 26/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy thực hành ESG trên thị trường chứng khoán Việt Nam - Thực tiễn và giải pháp”.
Trình bày về định hướng và hành động của UBCK đối với việc thực hành ESG trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Lê Trung Hải đánh giá, việc thực hành ESG tại Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai với sự tham gia chủ yếu từ các doanh nghiệp lớn. Một số doanh nghiệp áp dụng ESG một cách bị động và đối phó, phần lớn làm vì phải tuân thủ luật pháp và yêu cầu từ phía đối tác kinh doanh.
Những tồn tại đối với thực hành ESG bao gồm: Chưa nhiều doanh nghiệp công bố tác động môi trường - xã hội thông qua chính sách và thực hành với các bên hữu quan, công bố và thực hành các Bộ quy tắc đạo đức. Cơ cấu, thành phần lãnh đạo các doanh nghiệp chưa có sự cân bằng giới, số doanh nghiệp có chủ tịch HĐQT là thành viên độc lập rất khiêm tốn. Một số doanh nghiệp vẫn chưa bảo đảm cơ cấu, số lượng thành viên HĐQT độc lập theo quy định.
“Chất lượng quản trị công ty còn chưa đồng đều giữa các doanh nghiệp. Ví dụ với vấn đề về thành viên HĐQT độc lập, vai trò của thành viên độc lập chưa cao, các nội dung liên quan đến vai trò của thành viên HĐQT độc lập chưa được đảm bảo… Các doanh nghiệp niêm yết cần cải thiện nhiều yếu tố, trong đó có công bố thông tin bằng tiếng Anh, hiện nay chỉ có 80 trong khoảng gần 800 doanh nghiệp niêm yết thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Như vậy, con số 10% công bố thông tin bằng tiếng Anh này là quá nhỏ tại thị trường Việt Nam, chưa tính tới số lượng công ty trên UPCoM. Đây cũng là lý do Việt Nam thường ở mức thấp nhất trong các quốc gia thực hiện chấm điểm quản trị công ty Đông Nam Á. Thực tế, do nội dung công bố thông tin chưa nhiều, chủ yếu công bố bằng tiếng Việt, nên khi mang ra chấm tại thị trường nước ngoài thì gần như không có sản phẩm để chấm”, ông Lê Trung Hải chia sẻ.
Các năm vừa qua, UBCK đã có nhiều hành động nhằm đưa ESG vào doanh nghiệp niêm yết. Mới đây, tháng 10/2024, UBCK phối hợp với Chương trình Hợp tác thúc đẩy chuyển dịch vì khí hậu của Chính phủ Anh (UK PACT) giới thiệu Sổ tay về triển khai và công bố thông tin ESG nhằm triển khai và nâng cao chất lượng công tác công bố thông tin ESG cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, cũng trong tháng 10/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 2/11/2024 quy định về lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh của công ty đại chúng. Theo đó, kể từ 1/1/2025, các công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh.
Chia sẻ về các quy định pháp luật đối với thực hành ESG, ông Lê Trung Hải cho biết, Quy định về công bố thông tin ESG theo Thông tư 96/2020/TT-BTC tại chương 7, phụ lục II, IV.
“Tuy chưa có quy định chi tiết trong từng nhóm ngành, nhưng để doanh nghiệp có cơ sở để thực hiện công bố thông tin thì đã có các chỉ dẫn về thông tin cần công bố, bao gồm: Tác động môi trường, quản lý nguồn nguyên vật liệu, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước (nguồn cung và lượng nước sử dụng), tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, chính sách liên quan đến người lao động, Báo cáo liên quan đến trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương, Báo cáo liên quan đến hoạt động thị trường vốn xanh theo hướng dẫn của UBCKNN”, ông Hải cho biết.
Đại diện UBCK chia sẻ, mục tiêu thực hành ESG trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á. Áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.
Đồng thời phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.
Ông Lê Trung Hải cho biết, các giải pháp được đề ra bao gồm: Nâng cao chất lượng báo cáo thường niên của công ty đại chúng, hướng tới yếu tố phát triển bền vững dựa trên áp dụng tiêu chuẩn ESG theo thông lệ quốc tế. Áp dụng thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn ESG tại các sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững trong lĩnh vực chứng khoán.