Một số ghi nhận về Tạp chí Nghiên cứu Phật học (1991- 2020)

I. DẪN NHẬP

Ngày 30 tháng 11 năm 1990, tại chùa Quán Sứ, được đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho phép Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã làm lễ ra mắt.

Ngày 3 tháng 12 năm 1990, Ban lãnh đạo Phân viện đã họp phiên thứ nhất dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Kim Cương Tử – Phân Viện trưởng, quyết định bổ sung nhân sự Ban lãnh đạo, phân công trách nhiệm và quyết định thành lập các ban và bộ phận chuyên môn, gồm:

Ban Tư tưởng và Đạo đức.

Ban Lịch sử và văn hóa Phật giáo

Ban Xuất bản Tạp chí – Tạp chí

Bộ phận Bảo trợ – Văn phòng Phân viện và Thư viện Phật học

Hội nghị nhất trí đề nghị Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch cho phép Phân viện ra Tạp chí lấy tên là Tạp chí NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC.

Ngày 2 tháng 5 năm 1991, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã cấp Giấy phép xuất bản “Nội san Nghiên cứu Phật học” Giấy phép 752/BC-GPXB. Nội san đã cho ra mắt độc giả số đầu tiên vào ngày Đại lẽ Phật đản thứ 2535 PL-1991 DL và ngày kỷ niệm 101 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tổng Biên tập: Hòa thượng Kim Cương Tử

Phó Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Thanh Tứ

Phó Tổng Biên tập kiêm Trưởng Ban Biên tập: Giáo sư Hà Văn Tấn

Ban Biên tập: Ông Trần Khánh Dư, Đại đức Thích Gia Quang.

Bìa và trình bày: Giang Ngọc Thanh

Nội san in khổ 19cm x 27cm, bìa hai màu đen-trắng, in tại nhà in Thông tấn xã Việt Nam, ruột in tại xí nghiệp in Viện Kỹ thuật Bộ Cơ khí luyện kim, số lượng in: 1000 cuốn.

II. MỘT SỐ GHI NHẬN VỀ TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

1. Về số kỳ Tạp chí đã ấn hành

Từ năm 1991 đến hết 1995 Phân viện ra được 20 số mang tên NỘI SAN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC, cụ thể:

Năm 1991-1992: mỗi năm ra 3 số, tổng cộng 6 số

Năm 1993 ra 6 số

Năm 1994-1995: mỗi năm ra 4 số, cộng 8 số

Từ năm 1996, NỘI SAN nâng thành TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC mỗi năm ra 6 số vào ngày 15 các tháng lẻ như 15/1, 15/3…. từ 1996 đến hết năm 2020, mỗi năm ra 6 số, cộng 25 năm x 6 số = 150 số.

Tổng cộng 30 năm qua đã ra 170 số.

2. Phân chia đề mục chuyên đề

Từ số đầu tiên ra tháng 5 năm 1991 đến hết năm 1999: tạp chí đăng tên bài không chia mục trong mỗi kỳ. Mỗi số thường có 15-17 tựa bài, có từ 3-4 bài về Phật học.

Từ năm 2004 mỗi số có bốn mục: Phật học, Lịch sử -Văn hóa-Tư tưởng, Ý kiến-Trao đổi, Tin tức Phật giáo.

Đến năm 2009, mỗi số có năm mục: Giáo lý, Lịch sử-Tư tưởng, Ý kiến-Trao đổi, Phật giáo và Đời sống, Tin tức Phật sự.

Từ năm 2011 đến nay, Tạp chí ổn định mỗi số có các mục: Giáo lý- Lịch sử- Triết học, Trao đổi – Nghiên cứu, Văn hóa-Danh thắng, Phật giáo và Đời sống, Tin tức Phật giáo (trong nước, quốc tế).

Từ năm 2008 tạp chí đã có những bài viết về Phật đản (số 3 ra 15 tháng 5) và Vu Lan báo hiếu (số 4 ra ngày 15 tháng 7) sau đó mỗi kỳ ra vào hai ngày này thành chuyên mục Lễ Phật đản sinh và Lễ Vu Lan báo hiếu.

3. Về hình thức tờ Tạp chí

Từ số 1 đến số ra 1997 tạp chí ra khổ 19cm x 27cm, ruột in giấy Bãi Bằng, ít ảnh. Từ 1998, tạp chí ra khổ 18cm x 25,6cm, bia in nhiều mầu, ruột in giấy Bãi Bằng, Số 5 -2006, tạp chí ra khổ 19cm x 27cm, bìa màu cán bóng, ruột in giấy Bãi Bằng; từ số 6-2006 trở đi bìa và ruột đều in giấy couse và nhiều ảnh màu.

4. Về nội dung

Trong 30 năm qua những bài viết thể hiện trong Tạp chí được bạn đọc đánh giá cao bởi sự phong phú, đa dạng nhiều mầu sắc vừa mang giá trị lý luận vừa có giá trị thực tiễn cao góp phần không nhỏ trong việc truyền tải văn hóa, đạo đức Phật giáo, phổ biến kiến thức về Phật giáo đến với cộng đồng.

4.1. Về Phật học

Mỗi số thường có 2-4 bài Giáo lý, cộng vởi 2-3 bài ở mục Lịch sử -Tư tưởng và Ý kiến-Trao đổi như vậy bình quân mỗi số có 4 bài về Phật học.

4.2. Về Kinh

Tạp chí đã đăng hoặc nêu đại cương các kinh:

Tư tưởng Không kinh Bát Nhã Tâm Kinh Ba La Mật Đa (gọi tắt là Bát Nhã Tâm Kinh)

Giới thiệu kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo.

Biện chứng pháp trong Kinh Kim Cương

Sự màu nhiệm của kinh Diệu Pháp Liên Hoa (gọi tắt là kinh Pháp Hoa)

Phép Tu chứng của Phật-chúng sinh qua kinh Viên Giác

Bước đầu tìm hiểu một số quan điểm triết học trong kinh Pháp Bảo Đàn Kinh

Đại ý kinh Lăng Già

Vài nét về giáo lý Phật giáo Nguyên thủy qua các kinh Nikaya

Pháp tu Lăng Nghiêm Đại định

Kinh Dược Sư.

Ý nghĩa căn bản trong kinh “Người biết sống một mình”

Nhận thức luận thần chú Thủ Lăng Nghiêm.

Phẩm Song Yếu Kinh Pháp Cú chiếm vị trí trong kinh gốc…

Tinh thần vô ngã trong Kinh Đại thừa Vô lượng

Kinh luận cơ bản của Tịnh Độ tông

Đạo hiếu của Phật giáo qua Kinh Thiện Sinh

Tinh thần bình đẳng của Phật giáo dân tộc qua Kinh Thắng Man

Đạo đức của người Phật tử tại gia theo kinh người áo trắng

Tiểu bộ kinh Bohiya Sutta

Phép niệm Phật trong kinh tạng Nikaya

4.3. Về Luật học

4.3. Về Luật học

Các luật lệ Thanh Văn

Luật Tông

Phật luật học Giới thể

Năm điều răn cấm của đạo Phật

Luật tạng của đạo Phật

Giới học

Tạm luật nghi (nhiều số)

Giới thể, Giới tướng (nhiều số)

Bổ sung Luật Tứ Phần tập 1

Danh mục Luật Đại thừa Bồ tát

Ngoài ra tạp chí đăng nhiều bài về Tịnh Độ tông và pháp tu Tịnh Độ; Tìm hiểu về Duy Thức và Nhân Minh.

4.4. Các nội dung khác

Tạp chí có nhiều bài viết về tư tưởng và hành động nhập thế Phật giáo thời Lý, Trần và giới thiệu các nhân vật Phật giáo tiêu biểu như: Lý Thường Kiệt, Nguyên phi Ỷ Lan, Khuông Việt, Đỗ Pháp Thuận, Thánh Từ Đạo Hạnh, Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ, Trúc Lâm Tam tổ, Ngô Thì Nhậm,…

Đất nước đi vào thời kỳ đổi mới cái nhìn về Phật giáo cũng thông thoáng hơn, từ năm 2002 trở đi tạp chí đã có những bài viết về cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, sư Thiện Chiếu, các Đại lão Hòa thượng Tố Liên, Thích Trí Hải, Tuệ Tạng, Pháp sư Thích Trí Độ, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Bồ tát Thích Quảng Đức…

Tạp chí có nhiều bài viết về dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử từ nguồn gốc cho đến tư tưởng và vai trò lịch sử của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xưa và nay gắn liền với sự nghiệp của Thượng hoàng Trần Nhân Tông người sáng lập tông phái này.

Trần Nhân Tông đã thấm nhuần giáo lý Phật đà từ thuở nhỏ qua “ngọn đuốc thiền học” là Trần Thái Tông ông nội của ngài – tác giả bộ Khóa Hư Lục. Lớn lên Trần Nhân Tông lại được “Thiền tủy” do Tuệ Trung Thượng Sỹ truyền dạy. Ngài là vị vua anh minh, là anh hùng hai lần lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh bại quân Nguyên Mông, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân và cũng là Tổ sư Thiền.Hình ảnh của ngài là biểu trưng cho Đạo pháp gắn liền với Dân tộc và đã trở thành một truyền thống cao quý có ý nghĩa thực tiễn trong các thời đại.

Tạp chí có hai chủ đề vượt trội các tạp chí Phật học khác trong nước là loạt bài về phong trào chấn hưng Phật giáo và Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo.

Về phong trào chấn hưng Phật giáo:

Các bài viết trên Tạp chí thông tin cho độc giả gần xa: phong trào Chấn hưng Phật giáo được khởi xướng từ những năm 1920 bởi các nhà sư giàu nhiệt huyết lo lắng tới vận mệnh của Phật giáo nước nhà ở Nam và Bắc Kỳ rồi lan rông ra cả nước.

Nhờ sự hiệp sức giữa các tu sĩ và cư sĩ mà các Hội Phật học ra đời lãnh đạo công cuộc chấn hưng ở ba miền, thu hút được nhiều tín đồ Phật tử. Một sự chuyển biến được diễn ra trong tư tưởng của hàng trí thức cựu học và tân học, đã quá chán ngán với nền văn minh vật chất phương Tây. Họ tham gia phong trào, ủng hộ bằng mọi cách hoặc cung cấp tiền bạc hoặc giúp đỡ phổ thong giáo lý..giúp đỡ các Hội Phật học ở ba miền gặt hái những kết quả ban đầu đáng khích lệ không chỉ góp phần khôi phục lại truyền thống tín ngưỡng của dân tộc để duy trì, truyền bá chính pháp mà còn góp phần khai dân trí, nâng cao dân sinh, cho nhân dân ta dưới thời thuộc Pháp.

Chấn hưng Phật giáo Việt Nam từ 1930-1945 đã để lại những bài học quý cho Phật giáo nước ta những năm tiếp theo, cho đến hôm nay và mai hậu. Chấn hưng Phật giáo thật sự mang tính chất yêu nước.

Ngoài ra, Tạp chí có một số bài nói về hoạt động của Phật giáo Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ 1945 đến 1975 ở miền Bắc, thể hiện tinh thần Phật giáo nhập thế đồng hành cùng dân tộc.

Về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo

Tạp chí có tới ngót 30 bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo Việt Nam và tình cảm của Tăng, Ni, Phật tử đối với Người.

Đối với tăng, ni, phật tử, Người luôn luôn có một tình cảm gắn bó nồng nàn, thân thiết, thể hiện tấm lòng “Từ, Bi, Hỷ, Xả, Vô ngã, Vị tha, Lợi lạc quần sinh” của đạo Phật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nhận thức một cách toàn diện và sâu sắc ý nghĩa sống còn của khối đại đoàn kết dân tộc. Người là hiện thân, là ngọn cờ của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết Lương Giáo.

Tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó tư tưởng về khối đoàn kết Lương Giáo, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đã được thể hiện nhất quán trong quá trình lãnh đạo cách mạng của người, dẫn dắt nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tình cảm tăng, ni, phật tử đối với Hồ Chủ tịch cũng rất đậm đà sâu sắc. Người người đều ngưỡng mộ ca ngợi cuộc đời hoạt động cứu nước, nêu bật phẩm chất cao đẹp, tinh thần Bi, Trí, Dũng của Người.Giới Phật giáo xem Chủ tịch Hồ Chí Minh như một vị “Đại Bồ tát”.

Tạp chí cũng có những bài phản ánh thực tế thời đại như Phật giáo với vấn đề biến đổi khí hậu, đạo Phật với phát triển xã hội bền vững…

Trên đây nói về bài viết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học, con người viết thì sao? Phải nói rằng trước đây người viết chủ yếu là Phật tử, cư sĩ-những người yêu mến đạo Phật. Những tu sĩ Phật giáo tham gia viết cho cơ quan ngôn luận của Phận viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội rất ít, cây bút là ni giới lại càng hiếm. Từ năm 2017 đến nay đã có nhiều bài viết của tăng, ni sinh làm luận văn cao học, làm luận án tiến sĩ đã tăng số tác giả là tu sĩ Phật giáo và nâng cao chất lượng của Tạp chí. Đây là một tín hiệu đáng mừng.

Bên cạnh những ưu điểm nói trên, Tạp chí cũng có những hạn chế về bài vở, hình thức trình bày mà nguyên nhân như Tạp chí nhìn nhận: Do thiếu người, kinh phí eo hẹp nên nhuận bút trả cho tác giả mỗi bài báo chưa tương xứng. Có lúc do đội ngũ Biên tập viên không ổn định nên xảy ra trường hợp trong một số đăng (hai) ba bài của một tác giả, số sau đăng lại bài của số trước. Từ ngữ Tạp chí nên dùng những từ mà lâu nay Phật giáo xứ Bắc vẫn dùng như Tỷ khiêu, Phóng sinh, Sát sinh, Bát Chính đạo.

Mấy lời chân tình đóng góp, mong Tạp chí sang tuổi mới có những bước tiến mới (về hình thức và quan tâm đến “chất” nghiên cứu Phật học), thu hút được nhiều độc giả hơn./.

NNC. Nguyễn Đại Đồng
Phó Giám đốc – Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo phía Bắc
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
HỘI THẢO KHOA HỌC: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội & Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Thành tựu và Định hướng”

——————————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đọc và tổng hợp 170 số Nội san và Tạp chí Nghiên cứu Phật học

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/mot-so-ghi-nhan-ve-tap-chi-nghien-cuu-phat-hoc-1991-2020.html