Một số giả thuyết về nguyên nhân thất bại của Mossad và Shin Bet
Như chúng ta biết, ngày 7/10/2023 đánh dấu thất bại to lớn của Mossad và Shin Bet - hai cơ quan tình báo khét tiếng của Israel mà chỉ riêng tên gọi của chúng trong nhiều thập kỷ đã khiến kẻ thù phải khiếp sợ và những người bình thường phải kính nể. Bài viết sau đây trình bày một số giả thuyết về nguyên nhân dẫn tới thất bại đó.
Nhiều nhưng không mạnh
Trước hết, xin giới thiệu vài nét về hai tổ chức này. Mossad (Tổng cục Tình báo và Đặc nhiệm Israel) chuyên thu thập thông tin và tiến hành các chiến dịch bí mật khác nhau, kể cả chiến dịch chống khủng bố. Hoạt động của tổ chức này không chịu sự quản lý của luật pháp Israel, vì vậy nó thường được gọi là nhà nước trong nhà nước.
Thông tin về số lượng nhân viên được bảo mật, cũng giống như tổng ngân sách, nhưng có nhiều nguồn đưa ra con số gần 3 tỷ USD/ năm. Nếu đúng như vậy thì Mossad là cơ quan tình báo lớn nhất thế giới phương Tây, chỉ đứng sau CIA của Mỹ.
Châm ngôn cũ của Mossad được trích dẫn từ Kinh thánh: "Con phải nhờ sự chỉ dẫn khôn ngoan mà đánh giặc, nhờ có nhiều cố vấn mà chiến thắng", sau đổi thành: "Không có lãnh đạo, dân tộc sẽ sụp đổ, nhưng nhờ có nhiều cố vấn mà được an toàn".
Shabak (hay Shin Bet, Tổng cục An ninh Israel) là cơ quan phản gián của Israel có nhiệm vụ đấu tranh chống khủng bố, gián điệp và bảo vệ các cơ sở của Israel ở nước ngoài. Cơ quan này trực thuộc Thủ tướng Israel. Châm ngôn của Shin Bet là: “Người bảo vệ vô hình”.
Ngoài Mossad và Shin Bet, Israel còn có Cục Tình báo quân sự AMAN, cơ quan này tham gia các chiến dịch phòng ngừa nhằm ngăn chặn chiến tranh, tấn công khủng bố, đồng thời cung cấp thông tin tình báo cho ban lãnh đạo quân sự nước này.
Và như thể để đáp lại câu châm ngôn của Mossad “Nhờ có nhiều cố vấn mà dân tộc được an toàn”, buổi sáng ngày 7/10 cho thấy rằng tổ chức tình báo này tuy nhiều nhưng không mạnh.
Hàng trăm chiến binh HAMAS đã đột nhập vào lãnh thổ Israel qua bức tường an ninh mà nhờ lắp đặt nhiều cảm biến và camera giám sát, được coi là một chướng ngại vật không thể vượt qua. Người ta kể rằng ngay cả khi chim và động vật chạm vào bức tường cũng khiến những người lính nổi còi báo động. Hơn nữa, những kẻ khủng bố còn đột nhập vào Israel qua đường hàng không - bằng dù lượn và đường biển - bằng thuyền.
Ngay cả khi chúng ta thừa nhận điều không thể - tất cả các thiết bị được lắp đặt dọc biên giới với Dải Gaza đột nhiên ngừng hoạt động - thì vẫn còn một nhân tố quan trọng hơn nhiều. Đó là sự xâm nhập của các nhân viên tình báo Israel vào xã hội Palestine, kể cả trong hàng ngũ HAMAS và rất có thể là vào cơ cấu lãnh đạo của tổ chức này.
Nhân tiện xin nói, bản thân phong trào HAMAS xuất hiện không phải không có sự hỗ trợ của Israel, quốc gia coi nó là đối thủ cạnh tranh với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafat. Hơn nữa, ngay từ năm 2014, trong chiến dịch quân sự lớn cuối cùng chống lại HAMAS, người ta không hề nói đến việc tiêu diệt hoàn toàn tổ chức khủng bố này. Cũng như không có ý định loại bỏ các thủ lĩnh HAMAS đang tự do đi lại khắp thế giới.
Coi thường đối thủ hay mâu thuẫn nội bộ?
Chắc chắn sau chiến tranh sẽ có một cuộc thẩm xét kỹ càng. Nhưng nhiều người cho rằng những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của bộ máy tình báo khổng lồ của một nhà nước vốn luôn luôn ở trong tình trạng chiến tranh thường trực với bọn khủng bố, sẽ không được công khai hóa.
Tuy nhiên, trước mắt, các nhà phân tích đã đưa ra một số giả thuyết về những nguyên nhân thất bại của tình báo Israel.
Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng, bị suy yếu bởi các chiến dịch quân sự của Israel, HAMAS không còn được coi là đối thủ quá nguy hiểm - khác với tổ chức Hezbollah đang đe dọa Israel từ phía bắc.
Nói cách khác, người Israel đã đánh giá thấp kẻ thù. Họ coi HAMAS chỉ là một lũ man rợ độc ác có tên lửa tự chế, nhưng hóa ra, những kẻ tấn công được trang bị vũ khí hiện đại, kể cả tổ hợp tên lửa chống tăng.
Kênh 13 của truyền hình Israel công bố các đoạn trích từ báo cáo tốc ký cuộc thẩm vấn một chiến binh HAMAS bị bắt. Tên này khẳng định rằng việc chuẩn bị chiến dịch ngày 7/10 đã diễn ra hơn một năm. Sau những lời khai này, thật khó tin rằng tình báo Israel, vốn sở hữu những phương tiện kỹ thuật hiện đại và mạng lưới điệp viên đông đúc, lại không biết gì về kế hoạch của bọn khủng bố.
Tuy nhiên, còn có một cách giải thích khác. Những gì đã xảy ra đơn giản là được phép xảy ra. Những người ủng hộ giả thuyết này chỉ ra những mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội Israel nói chung và giới chính trị Israel nói riêng. Mossad với tư cách là một tổ chức thế tục, phi tôn giáo, giống như bất kỳ cơ quan tình báo nào, nghĩa là mang tính chất thực dụng và không thể hoạt động dựa trên các giáo lý. Trong khi đó, chính phủ đương nhiệm, dựa vào sự ủng hộ của những người theo Chính thống giáo cực đoan, là một tổ chức tôn giáo công khai.
Không loại trừ khả năng các cơ quan tình báo (bất kể Mossad hay Shin Bet) nắm được thông tin về cuộc tấn công của HAMAS, nhưng họ cho rằng không cần thiết cung cấp thông tin này cho chính phủ. Có thể họ cho rằng cuộc tấn công của Palestine sẽ giáng một đòn chí tử vào uy tín của Netanyahu và sẽ mở ra những cơ hội mới cho phe đối lập, vốn ủng hộ một nhà nước thế tục. Đồng thời, không nhất thiết phải tổ chức một âm mưu lớn trong các cơ quan tình báo và quân đội. Vài ba vị tướng là đủ. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, và tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Cho đến nay chỉ còn một câu hỏi vẫn bị bỏ ngỏ: tại sao HAMAS lại phát động một cuộc tấn công thực chất là mang tính chất tự sát? Ở đây không nói về những kẻ điên khùng đã liều lĩnh vượt qua bức tường biên giới với Israel và sớm tìm thấy cái chết của mình. Thế nhưng các thủ lĩnh của HAMAS vốn không phải là những kẻ cuồng tín hay ngu ngốc.
Về mặt lý thuyết, là nước đang tìm cách ngăn cản Israel xích gần lại các chế độ quân chủ Ảrập ở vùng Vịnh, Iran có thể kích động HAMAS tấn công Israel. Nhưng Tehran hoàn toàn không thu được lợi ích gì từ việc này, ngoại trừ nguy cơ bị Israel và Mỹ đáp trả gay gắt. Việc Mỹ điều tàu chiến áp sát bờ biển Israel đã chứng minh điều đó.
Tuy nhiên, vẫn còn những bên hữu quan bí mật khác mà các nhà lãnh đạo HAMAS vẫn duy trì mối quan hệ nồng ấm và thường xuyên thực hiện các chuyến thăm viếng hữu nghị...
Mở rộng địa bàn hoạt động
Trước tình hình đó, mới đây Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ mở rộng địa bàn hoạt động của các cơ quan tình báo Israel. Tuyên bố này của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ám chỉ rằng những quốc gia tiếp nhận các thành viên băng nhóm Palestine có thể trở thành địa bàn của hoạt động phá hoại. Qatar chiếm vị trí chủ chốt trong số đó. Lưu ý rằng tiểu vương quốc này trở thành một trong những nước trung gian hòa giải hàng đầu trong xung đột vũ trang hiện nay quanh Dải Gaza, các chuyên gia coi việc biến Qatar thành nơi tiêu diệt HAMAS là một công việc nguy hiểm.
Trong một cuộc họp báo gần đây, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc hai nhà lãnh đạo của HAMAS Ismail Haniya và Khaled Mashaal dự định sẽ tiếp tục cai trị Dải Gaza trong thời kỳ hậu chiến, Thủ tướng Netanyahu nói: “Tôi đã giao cho Mossad hành động chống lại các thủ lĩnh HAMAS cho dù chúng ở đâu”. Tuyên bố của Thủ tướng được đưa ra khi người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad David Barnea, đang ở Qatar, quốc gia đóng vai trò trung gian trong thỏa thuận trao đổi tù nhân và con tin giữa HAMAS - Israel.
Qatar là nơi đảng chính trị của HAMAS đặt trụ sở đã 10 năm nay. Trong số những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất có Mashaal và Haniya. Mashaal từng sống sót sau một vụ ám sát ở nước ngoài năm 1997 tại Jordan dưới thời Thủ tướng Netanyahu. Các nhân viên của Mossad dùng chất độc để tiêu diệt Mashaal, đây là loại chất độc mà chỉ vài giọt thôi cũng làm cho nạn nhân hôn mê, kể cả khi tiếp xúc với da. Lúc bấy giờ, Mashaal đã nhận được đủ liều, nhưng các điệp viên Mossad lại bị các vệ sĩ của y bắt giữ, chính vì vậy, Israel buộc phải đàm phán và chuyển thuốc giải độc cho Jordan.
Haniya nhiều lần bị dân chúng Palestine chỉ trích vì lối sống xa hoa ở nước ngoài. Tờ báo “Yedioth Ahronoth” của Israel khẳng định rằng các quan chức cấp cao của HAMAS, kể cả người đứng đầu Bộ Chính trị, làm giàu bằng buôn bán bất hợp pháp qua hệ thống đường hầm dưới lòng đất để tránh né sự phong tỏa của Israel. Các nguồn tin ở Palestine được tạp chí “The Majalla” thân Ảrập Xê-út trích dẫn, cho biết, thị trường buôn lậu qua đường hầm đã biến 1.700 quan chức cấp cao của HAMAS thành những nhà triệu phú. Tháng 12/2022, trang web “Elaf” của Ảrập Xê-út đưa tin rằng Maaz, con trai của Haniya, đã nhập quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình không mấy rõ ràng. Theo các thông tin không chính thức, chính quyền nước này đã thông báo với HAMAS rằng hoạt động của nhóm này trong phạm vi quyền tài phán quốc gia khiến họ cảm thấy bất an. Tháng 10 năm nay, trang web “Al-Monitor” đưa tin rằng, Ankara đã yêu cầu ban lãnh đạo phong trào HAMAS rời khỏi đất nước. Điều này cũng liên quan tới cả Ismail Haniya. Tờ báo lưu ý rằng giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không muốn dính líu tới những kẻ tổ chức cuộc tấn công đẫm máu. Nhưng đồng thời, lập trường của Ankara đối với chính phủ Netanyahu lại trở nên cứng rắn hơn.
Tuy nhiên, theo nhà phương Đông học Nga Ruslan Suleymanov: “Hiện tại, những lời đe dọa của Netanyahu chỉ mang tính chất khoa trương. Nhiệm vụ trước mắt của nhà nước Do Thái là tiêu diệt cánh quân sự của HAMAS. Các đồng minh chính của HAMAS trong thế giới Hồi giáo là Qatar, Lebanon, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Thực hiện các hoạt động phá hoại ở những quốc gia này, đặc biệt là ở Qatar, hiện là một việc làm cực kỳ nguy hiểm đối với Israel”.