Một số giải pháp bảo đảm chất lượng, hiệu quả giám sát của MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở
Chiều 14/6, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu Đề tài khoa học cấp bộ 'MTTQ Việt Nam giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở hiện nay'.
Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài, ThS Đỗ Thị Vân An, Chủ nhiệm đề tài cho biết, thực hiện hoạt động giám sát của nhân dân, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân thông qua tổ chức Mặt trận và các tổ chức đoàn thể là một chủ trương hết sức đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước; đáp ứng kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, của nhân dân, nên được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Vai trò của Mặt trận trong việc tiển khai thực hiện Quy chế đã làm chuyển biến một bước trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát huy dân chủ trong việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Đến nay, phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ" đã thực sự đi vào cuộc sống và có tác động trực tiếp trong việc động viên nhân dân tham gia xây dựng chính quyền cơ sở, xây dựng Đảng, xây dựng Mặt trận và đoàn thể ở nhiều địa phương trong cả nước; hoạt động giám sát của Mặt trận trong những năm qua đã có một số kết quả thiết thực, nhiều phát hiện, kiến nghị của Mặt trận được chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền ở cơ sở tiếp thu, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam còn nhiều hạn chế như những quy định về giám sát của Mặt trận trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác chủ yếu là những quy định chung; trong các văn bản pháp luật còn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết, trả lời những kiến nghị của Mặt trận.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện cơ chế để Mặt trận giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở là công tác có ý nghĩa quan trọng nhằm tổ chức quán triệt và thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC cho đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên nhằm nâng cao nhận thức về dân chủ; động viên sức mạnh các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh. Để thực hiện được mục tiêu đó, đề tài đã: Nghiên cứu luận giải nội hàm các khái niệm; xác định rõ các đối tượng tham gia giám sát xã hội và phản biện xã hội (chủ thể và khách thể). Nghiên cứu đánh giá kết quả của giám sát xã hội và những cơ chế để thực hiện giám sát hoạt động của chính quyền cấp xã trong thời gian tới nhằm đảm bảo hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận ở cơ sở.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, Đề tài đã đưa ra 7 giải pháp, đặc biệt là giải pháp về Nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm giám sát của MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở; Tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giám sát của MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở; Quan tâm việc tiếp tục tổ chức hướng dẫn, giám sát, kiểm tra và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quy định của Đảng, quy định của pháp luật hiện hành về giám sát của MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở; Đổi mới phương thức giám sát và tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức khác trong quá trình giám sát; Tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam…
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, đóng góp ý kiến phản biện đối với nội dung nghiên cứu của Đề tài. Đa số đại biểu cho rằng Đề tài có phương pháp nghiên cứu tốt, đảm bảo tính khoa học, phân tích, đánh giá số liệu liên quan đến nội dung nghiên cứu, từ đó đã đề xuất nhiều giải pháp có tính khả thi cao nhằm nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở của MTTQ Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, các sản phẩm của đề tài đầy đủ, bảo đảm về bố cục, nội dung và các số liệu được tổng hợp từ nhiều địa phương, các trích dẫn đi kèm. Nội dung nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, đã phân tích, luận giải những vấn đề về khái niệm, đặc điểm, vai trò, nội dung và hình thức giám sát của MTTQ Việt Nam đối với chính quyền cơ sở; phân tích đánh giá được thực trạng, nêu ra những kết quả đạt được, những hạn chế bất cập còn tồn tại để nghiên cứu hoàn thiện; trên cơ sở đó đưa ra phương hướng và giải pháp hoàn thiện để nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam ở cấp cơ sở. Sản phẩm được nghiệm thu sẽ là nguồn tư liệu có giá trị tham khảo đối với cán bộ làm công tác Mặt trận nói chung, cán bộ ở cơ sở nói riêng.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, tổng quan nghiên cứu của đề tài có 11 báo cáo chuyên đề, 5 bài đăng trên các tạp chí khoa học, đặc biệt nhóm nghiên cứu đã tổ chức 2 cuộc khảo sát thực tế tại địa phương và 1 hội thảo khoa học. Đó là những cơ sở khoa học và thực tiễn, tạo nên những chất liệu xây dựng nên nội dung báo cáo của đề tài. Đề tài cũng tập trung hệ thống, phân tích, đánh giá làm rõ nội dung đề cập trong từng chương phù hợp với nhiệm vụ của một đề tài khoa học cấp bộ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, Đề tài đã phân tích được các khái niệm, thuật ngữ liên quan đến giám sát của MTTQ Việt Nam với chính quyền cơ sở, phân tích cơ sở chính trị, pháp lý cho công tác giám sát của MTTQ Việt Nam, làm rõ vai trò, ý nghĩa của việc giám sát đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở hiện nay; Đề tài đã phân tích, đánh giá được khá toàn diện về thực trạng hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đối với chính quyền cấp cơ sở thông qua các hình thức khác nhau, chỉ ra được khó khăn trong công tác giám sát mà MTTQ gặp phải thông qua những dẫn chứng tương đối cụ thể, có sự so sánh đối chiếu giữa một số địa phương;
Đề tài đã đề ra phương hướng và đề xuất được nhiều giải pháp trong việc hoàn thiện cơ chế cũng như bảo đảm các điều kiện để MTTQ giám sát. Các giải pháp của đề tài là thiết thực, về cơ bản đều có tính khả thi, từ đó rút ra những kiến nghị cụ thể với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, đồng thời giúp cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nghiên cứu, vận dụng các giải pháp vào thực tiễn của địa phương, cơ sơ.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu nghiêm túc các ý kiến nhận xét, đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, đặc biệt là các ý kiến phản biện tại Hội nghị để tiếp tục hoàn thiện đề tài. Trong đó rà soát lại các đề mục, cần rút gọn, cô đọng, tránh dàn trải, bổ sung thêm các nội dung kiến nghị phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.