Một số giải pháp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục lý luận chính trị ở các trường đại học Việt Nam hiện nay

Chuyển đổi số là xu thế trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và trong lĩnh vực giáo dục nói riêng ở các trường đại học Việt Nam. Giáo dục lý luận chính trị ở các trường đại học hiện nay đã được chuyển đổi theo hướng đa dạng hóa, kết hợp linh hoạt nhiều phương thức khác nhau để đáp ứng và theo kịp xu thế phát triển của thời đại mới. Sự thay đổi này bước đầu đã cho thấy những thành công bước đầu, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với chuyển đổi số trong giáo dục lý luận chính trị ở các trường đại học Việt Nam hiện nay. Bài viết tập trung phân tích và làm rõ thực trạng chuyển đổi số và đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục lý luận chính trị ở các trường đại học ở Việt Nam trong thời gian tới.

I. KHÁI NIỆM CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Chuyển đổi số là một khái niệm ra đời trong kỷ nguyên công nghệ số và cho đến nay được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu trên nhiều phương diện, khía cạnh, lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục lý luận chính trị nói riêng.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị quá trình chuyển đổi phương thức giáo dục lý luận chính trị từ phương thức trực tiếp sang phương thức giáo dục trực tuyến trên các nền tảng công nghệ số hiện đại, nhằm phát triển năng lực, tăng khả năng tự học, tự nghiên cứu, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, suốt đời, cá nhân hóa việc học của sinh viên.

II. THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM HIỆN NAY

1. Một số thành công bước đầu về chuyển đổi số trong giáo dục lý luận chính trị ở các trường đại học Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, đa số các trường đại học ở Việt Nam đều đồng loạt triển khai phương thức giáo dục lý luận chính trị trực tuyến. Nhiều trường kết hợp giữa phương thức giáo dục lý luận chính trị truyền thống (trực tiếp) và phương thức giáo dục lý luận chính trị trực tuyến để phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng xu hướng giáo dục trực tuyến trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Thứ hai, đa số giảng viên lý luận chính trị ở các trường hiện nay đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có phông nền kiến thức lý luận chính trị sâu, rộng, sử dụng các phương tiện hiện đại trong giảng dạy các môn lý luận chính trị và chú trọng số hóa bài giảng, ứng dụng các phần mềm vào xây dựng bài giảng điện tử cho các môn lý luận chính trị, đổi mới phương thức giảng dạy, áp dụng các kỹ thuật dạy học mới, tương tác với sinh viên sang môi trường số, không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy các môn lý luận chính trị một cách thông minh trong bối cảnh mới.

Thứ ba, nhiều trường đại học thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung giáo dục lý luận chính trị nhằm theo kịp bước phát triển nhanh chóng của thời đại và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Chương trình giáo dục lý luận chính trị được đổi mới theo hướng tích hợp, liên ngành, tổng quan, cập nhật kiến thức mới, tăng cường tính thực tế, bám sát xu hướng chuyển đối số hiện nay.

Thứ tư, các trường đại học triển khai nhiều phương thức mới khác nhau trong quá trình giáo dục lý luận chính trị như các phần mềm ứng dụng và hỗ trợ trong quản lý và giáo dục lý luận chính trị trực tuyến, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên học liệu trên internet, giao nhiệm vụ cho sinh viên trước, trong và sau giờ học lý luận chính trị, tạo lập các nhóm trên mạng để hỗ trợ sinh viên, sử dụng các phần mềm để hỗ trợ sinh viên… để làm tăng hứng thú cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên.

Thứ năm, các trường đại học tích cực đầu tư và nâng cấp kết cấu hạ tầng mạng với đường truyền tốc độ cao, hệ thống phòng máy tính, phòng học đa năng với các trang thiết bị, phương tiện hiện đại, thiết bị thông minh, nâng cấp cổng thông tin điện tử, mua sắm trang thiết bị cầu truyền hình, hệ thống mạng dành riêng cho cầu truyền hình, xây dựng các phòng học ảo có thể truy cập từ xa, phát triển thư viện số gồm các học liệu điện tử như giáo trình, sách tham khảo, bài giảng, luận văn, luận án điện tử… nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay.

2. Những khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số giáo dục lý luận chính trị ở các trường đại học Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị hiện nay chưa đáp ứng được với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong thời đại chuyển đổi số. Một bộ phận giảng viên các trường đại học hiện nay chưa có kỹ năng thành thạo trong việc sử dụng các phần mềm giảng dạy trực tuyến, các phương tiện, thiết bị hiện đại hỗ trợ giảng dạy cũng như ứng dụng các nền tảng công nghệ hiện đại.

Thứ hai, một số chương trình, nội dung các môn lý luận chính trị còn chậm đổi mới, chưa đáp ứng kịp thời với sự phát triển của thực tiễn trong kỷ nguyên công nghệ số. Một số chương trình, nội dung chưa phù hợp, chưa được bổ sung, cập nhật những nội dung mới, chưa theo kịp được những thay đổi nhanh chóng của thời đại. Một số chương trình, nội dung bài giảng chưa phù hợp với mục tiêu và chuẩn đầu ra.

Thứ ba, phương thức giáo dục lý luận chính trị đôi khi còn chưa có sự đổi mới mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số hiện nay. Những thành tựu và phát minh mới về khoa học công nghệ khiến cho một bộ phận không nhỏ giảng viên cũng như sinh viên chưa kịp thích nghi với những biến đổi và sự phát triển không ngừng của thời đại. Một bộ phận giảng viên chậm đổi mới phương thức giáo dục lý luận chính trị, đôi khi còn lúng túng khi sử dụng giáo án điện tử.

Thứ tư, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và các phương tiện phục vụ cho chuyển đổi số trong giáo dục lý luận chính trị ở các trường hiện nay còn chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Nhiều trường đại học còn thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, mạng internet, các phương tiện, thiết bị thông minh phục vụ cho giáo dục lý luận chính trị trong quá trình chuyển đổi số, đồng thời, các phương tiện hiện đại này chưa được trang bị đồng bộ và có những hướng dẫn sử dụng cụ thể, rõ ràng.

Thứ năm, một bộ phận sinh viên ở các trường đại học có tâm lý ỷ lại, thụ động trong học tập các môn lý luận chính trị theo phương thức giáo dục lý luận chính trị truyền thống. Một bộ phận sinh viên chưa chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch tự học cá nhân, còn thiếu kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, học tập mọi lúc, mọi nơi, học tập suốt đời theo phương thức giáo dục mới.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI

Một là, nghiên cứu, xây dựng, ban hành những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số và cụ thể hóa thành Nghị quyết, kế hoạch, chiến lược của các trường đại học

Các trường đại học cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung và thực hiện nghiêm túc các văn bản, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về chuyển đổi số. Đồng thời, các trường cần đẩy mạnh việc xây dựng các chiến lược, kế hoạch cụ thể, hoàn thiện các quy chế, quy định về chuyển đổi số trong giáo dục lý luận chính trị, nhằm tạo động lực thúc đẩy sinh viên tích cực tham gia vào quá trình tự học, tự tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu học tập, học ở mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học tập, xây dựng một xã hội học tập suốt đời.

Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học trong thời đại chuyển đổi số

Các giảng viên cần có kỹ năng sử dụng các phương tiện, công nghệ thông tin hiện đại trong giáo dục lý luận chính trị, biết khơi gợi sinh viên lòng đam mê, tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập các môn học vốn được coi là khô khan, khó học này. Thêm vào đó, các giảng viên cần có kỹ năng xây dựng và thiết kế bài giảng điện tử nhằm khơi gợi hứng thú, kích thích sự sáng tạo và khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương thức giáo dục lý luận chính trị trong chuyển đổi số theo hướng khoa học, hiện đại, phù hợp với chuẩn đầu ra

Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, hiện đại, phù hợp với chuẩn đầu ra. Do đó, các trường đại học cần hiện đại hóa nội dung học tập theo hướng tích hợp, ngắn gọn, cô đọng, súc tich, trong đó các chuyên đề được tách ra hoặc chia nhỏ nhưng vẫn theo trình tự logic nhất định. Thêm vào đó, các trường cần đẩy mạnh đổi mới theo hướng lấy sinh viên làm trung tâm, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục lý luận chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số.

Bốn là, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và phương tiện hiện đại phục vụ cho chuyển đổi số trong giáo dục lý luận chính trị của các trường đại học

Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học - kỹ thuật, các trường cần ưu tiên đầu tư phát triểncơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và phương tiện phục vụ cho chuyển đổi số trong giáo dục lý luận chính trị như đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng, đảm bảo băng thông đủ lớn, kết nối ổn định, đầu tư vào các phần mềm quản lý, đầu tư xây dựng nền tảng học trực tuyến, website, thư viện số, phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị dạy học thực tế…

Năm là, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong chuyển đổi số giáo dục lý luận chính trị

Sinh viên phải tự mình chiếm lĩnh tri thức, đồng thời phải hình thành và phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, biết lý giải và có khả năng thích ứng cao trước những biến đổi nhanh chóng và phức tạp của thực tiễn. Bên cạnh đó, sinh viên cần chủ động, tự giác, hình thành cho mình thói quen tự học, tự nghiên cứu tài liệu, đồng thời, sinh viên xác định động cơ học tập lý luận chính trị là chiếm lĩnh tri thức lý luận chính trị tiên tiến của thời đại để trang bị cho mình thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, làm hành trang cho hoạt động thực tiễn trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, HN, 2021, tr. 37, tr.146.

2. Nghị quyết 52- NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

3. Emily Henriette Mondher Feki, Imed Boughzala (2015), The shape of digital transformation: A systermatic literature review. MCIS 2015 Proceedings, 431-443.

TS. Nguyễn Thị Hà Thu Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/mot-so-giai-phap-day-manh-qua-trinh-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-ly-luan-chinh-tri-o-cac-truong-dai-hoc-viet-nam-hien-nay-159172.html