Nâng chuẩn trình độ giáo viên
Để đảm bảo lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên (GV) theo kế hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hiệu trưởng nhà trường sẽ chủ động đưa vào kế hoạch hàng năm việc phân công GV tham dự các khóa học nâng cao trình độ để đáp ứng quy định của Luật Giáo dục năm 2019.
Đây là một trong những điểm mới được quy định tại Thông tư số 22/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/1/2025. Thông tư nêu rõ, các nhà trường phải bảo đảm theo quy định chung của Chính phủ và lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo GV theo kế hoạch của địa phương.
Trước đó, Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với GV mầm non, có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên đối với GV tiểu học, THCS, THPT. Trường hợp môn học chưa đủ GV có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Quy định này được áp dụng từ ngày 1/7/2020 nhưng trên thực tế, không phải GV nào cũng đáp ứng được yêu cầu trên. Do đó, Nhà nước đã đề ra lộ trình nâng chuẩn trình độ GV từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030. Tuy nhiên, có 4 trường hợp GV không phải nâng chuẩn trình độ, tính từ ngày 1/7/2020 là GV mầm non chưa có bằng cao đẳng nhưng còn ít hơn 7 năm công tác, GV tiểu học có bằng cao đẳng còn ít hơn 7 năm công tác, GV tiểu học có trình độ trung cấp còn ít hơn 8 năm công tác, GV THCS chưa có bằng cử nhân còn ít hơn 7 năm công tác.
Thời điểm năm học 2019-2020, tỷ lệ GV phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục ban hành năm 2005 đạt bình quân 99,7%. Đến hết năm học 2023-2024, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của GV và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non là 89,3%, cấp tiểu học là 89,9%, THCS 93,8%, THPT 99,9%. Kết quả này đều tăng so với năm học 2022-2023, cụ thể ở cấp mầm non tăng thêm 1,9%, cấp tiểu học tăng thêm 5,5%, cấp THCS tăng thêm 2,9%.
Bộ GDĐT đặt mục tiêu các địa phương hoàn thành việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng trình độ chuẩn cho GV theo quy định của Luật Giáo dục mới vào năm 2030. Hiện nhiều địa phương đã đạt mục tiêu đào tạo nâng trình độ chuẩn của GV giai đoạn 1 (2020 – 2025) và dự kiến sẽ hoàn thành lộ trình đào tạo trước thời hạn. Đơn cử, tại Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu 100% GV mầm non, tiểu học, THCS thuộc ngành GDĐT thành phố đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục mới vào năm 2026.
Thời gian qua nhiều GV đã chủ động đăng ký học tập để nâng chuẩn, đạt yêu cầu theo quy định đặt ra nhưng vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như nhiều GV phải tự tìm cơ sở đào tạo, tự túc kinh phí đào tạo, thậm chí có địa phương có 100% GV thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn phải tự túc kinh phí.
Thống kê từ các địa phương cho thấy, số GV tự túc kinh phí đi học nhiều hơn số GV được cử đi và được hỗ trợ kinh phí theo quy định. Năm 2022, cả nước có 30 tỉnh có 100% số lượng GV tự túc kinh phí đào tạo nâng chuẩn, tới năm 2023, giảm xuống còn 19. Như vậy, quyền được hỗ trợ học phí của GV khi tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 71 không thực hiện được. Mục tiêu hỗ trợ kinh phí đào tạo để giảm bớt áp lực về kinh tế lên đội ngũ nhà giáo khi phải học tập nâng trình độ chuẩn theo yêu cầu mới của ngành giáo dục chưa được đảm bảo.
Để khắc phục vướng mắc trong quá trình triển khai, Bộ GDĐT đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71 ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS. Trong đó, tập trung vào 3 chính sách mới là bổ sung quy định thanh toán học phí đào tạo cho những GV (thuộc đối tượng được đào tạo theo Nghị định số 71) đã tự đi học và được cấp bằng kể từ ngày 1/7/2020. Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn phải được sự đồng ý bằng văn bản của hiệu trưởng hoặc giám đốc cơ sở giáo dục nơi GV đang công tác và báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở giáo dục.
Nếu được tạo điều kiện từ phía nhà trường, giảm áp lực về mặt kinh tế khi ngân sách chi trả, thay vì GV tự bỏ tiền đi học như lâu nay, lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV (công lập, dân lập, tư thục) chắc chắn sẽ về đích trước thời hạn đặt ra. Người được lợi nhất chính là người học với chất lượng dạy và học được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của thời đại hiện nay.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nang-chuan-trinh-do-giao-vien-10296928.html