Một số kinh nghiệm bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình hiện nay
Công tác bảo vệ bí mật nhà nước có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh tổ quốc.
Để thực hiện tốt, có hiệu quả và đạt chất lượng của mặt công tác này đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các bộ, ban ngành và các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang cùng có trách nhiệm; đỏi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị phải hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN).
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ BMNN ngày càng quan trọng và cấp bách, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ BMNN ngày càng được tăng cường. Hệ thống pháp luật về bảo vệ BMNN từng bước được hoàn thiện.
Các Bộ, ngành, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bảo vệ BMNN phù hợp. Nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang ngày càng được nâng cao. Các cơ quan chuyên trách, trực tiếp làm công tác bảo vệ BMNN thường xuyên được củng cố, trang bị các phương tiện tiên tiến, hiện đại để phục vụ trong việc phòng, chống lộ, mất BMNN; phòng, chống hoạt động tấn công mạng và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia.
Cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống của nhân dân. Tình hình bảo vệ BMNN trên không gian mạng ở nước ta diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin, lộ, mất BMNN, phá hoại hệ thống mạng thông tin Việt Nam luôn ở mức cao; hệ thống thông tin của các cơ quan Chính phủ, các Tập đoàn, Tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tài chính của nhà nước tiếp tục là mục tiêu tấn công hàng đầu của tin tặc; bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động, bọn tội phạm lợi dụng triệt để những thành tựu khoa học của nhân loại để tấn công, thu thập, chiếm đoạt thông tin, tài liệu có nội dung BMNN, nhất là trên hệ thống mạng Internet hiện nay.
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, Bộ Công an đã thường xuyên tập huấn hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng, có hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN.
Đồng thời, tổ chức tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện các mặt công tác này nhằm kịp thời phát hiện những mặt, những việc làm tốt đề nghị tiếp tục pháp huy; phát hiện những sơ hở trong cơ chế, công tác quản lý để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung và hoàn thiện; ngoài ra, còn phát hiện những việc còn hạn chế, thiếu sót để có biện pháp khắc phục và xử lý các vi phạm pháp luật về lĩnh vực này để bảo đảm tính răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật. Qua công tác thanh tra Công an nhân dân cho thấy:
Thứ nhất, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã kịp thời chỉ đạo, quán triệt các đơn vị, cá nhân thực hiện hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN; ban hành quy chế thực hiện bảo mật trong mỗi cơ quan, đơn vị.
Thứ hai, thường xuyên thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ BMNN.
Tích cực, chủ động xây dựng hệ thống văn bản, kế hoạch, truyên truyền, quán triệt và thực hiện các quy định về công tác bảo vệ BMNN đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, như: Luật Bảo vệ BMNN, Luật bảo vệ BMNN năm 2018; Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ BMNN; Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/2020 của Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ BMNN và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ BMNN hiện nay.
Các Bộ, ban ngành đã kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai, tổ chức tuyên truyền, tập huấn thực hiện nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ và bảo vệ BMNN, ban hành quy chế, quy định về bảo vệ BMNN và được các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện. Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN ở Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc trong soạn thảo, lưu giữ, thống kê, in, sao, chụp, phổ biến, vận chuyển, giao nhận, truyền đưa tài liệu chứa BMNN.
Có thể nói, việc soạn thảo, lưu giữ, thống kê, in, sao, chụp, phổ biến, vận chuyển, giao nhận, truyền đưa tài liệu chứa BMNN có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ BMNN. Hiện nay, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương cơ bản đã được thực hiện nghiêm theo quy định, cụ thể như: Việc thống kê, lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật chứa BMNN đã được thống kê theo trình tự thời gian, theo độ mật bằng các biện pháp thích hợp, phù hợp với quy định, bảo đảm an toàn; việc vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa BMNN thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong và có các biện pháp bảo quản, bảo đảm an ninh, an toàn.
Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan (Đơn vị có chức năng tham mưu giúp cấp có thẩm quyền thực hiện công tác bảo vệ BMNN) đã được quan tâm, tổ chức thực hiện. Qua thanh tra, kiểm tra kịp thời chấn chỉnh, quán triệt thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ BMNN.
Tuy nhiên, trong thực hiện công tác bảo vệ BMNN ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, như: Việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ BMNN trong tình hình hiện nay, nhất là công tác bảo vệ BMNN trên không gian mạng; việc thực hiện các quy chế, quy định về bảo đảm an ninh mạng, an toàn, an ninh thông tin còn nhiều khó khăn.
Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về công tác này; chưa nắm vững quy trình soạn thảo, đề xuất, xác định độ mật cho văn bản (chưa căn cứ vào danh mục BMNN của ngành) nên còn lúng túng trong quá trình thực hiện. Công tác thống kê, phân loại, bảo quản, lưu trữ tài liệu mật còn chưa bảo đảm theo quy định. Chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng các thiết bị lưu trữ ngoại vi (như USB, ổ cứng di động, điện thoại di động thông minh...) để quản lý chặt chẽ bảo đảm đúng quy định trong lưu trữ tài liệu chứa BMNN hoặc làm trung gian truyền đưa dữ liệu kết nối giữa máy vi tính có nối mạng Internet và máy tính dùng soạn thảo văn bản BMNN.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và thiếu sót có nguyên nhân khách quan và cũng có cả những nguyên nhân chủ quan, như: Cán bộ được giao nhiệm vụ bảo vệ BMNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đều là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên luân chuyển công tác. Đặc biệt còn thiếu cán bộ có trình độ về công nghệ thông tin làm công tác bảo vệ BMNN, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn việc lộ, mất, đánh cắp, chiếm đoạt BMNN trên mạng Internet, mạng LAN và các thiết bị lưu giữ thông tin.
Hệ thống các thiết bị như máy vi tính có cấu hình thấp, đa số sử dụng hệ điều hành và các ứng dụng không bản quyền nên còn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật, dễ bị tin tặc tấn công gây mất an toàn, an ninh thông tin. Việc áp dụng, ứng dụng công nghệ thông tin chưa thống nhất, đồng bộ trong việc điều hành quản lý nhà nước của các cơ quan, ban, ngành, địa phương cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ, lọt BMNN.
Mặc dù, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân đã có sự quan tâm, chú trọng thực hiện các quy định của pháp luật về công tác này. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trong công tác chỉ đạo, thực hiện công tác bảo vệ BMNN tại mỗi cơ quan, đơn vị cần phải quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần kịp thời triển khai và thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của Đảng, Nhà nước về bảo vệ BMNN; ban hành Quy chế bảo vệ BMNN để tổ chức thực hiện; thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy chế, quy định về bảo vệ BMNN để chủ động phát hiện và khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót trong công tác bảo vệ BMNN. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ BMNN.
Hai là, thường xuyên tổ chức tập huấn, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ BMNN; nâng cao nghiệp vụ bảo vệ BMNN đối với những cán bộ thường xuyên có điều kiện tiếp xúc với BMNN. Phân công cán bộ thực hiện công tác bảo vệ BMNN và có chế độ, chính sách bảo đảm theo quy định
Ba là, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN, như: chấp hành nghiêm túc việc tiếp nhận, thống kê, lưu giữ, bảo quản; việc vận chuyển, giao nhận; việc soạn thảo, in, sao, chụp văn bản tài liệu chứa BMNN (nghiêm cấm việc soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa thông tin, tài liệu chứa BMNN trên các thiết bị có kết nối mạng Internet).
Bốn là, quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy chế bảo vệ BMNN; quy chế về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của cơ quan, đơn vị; khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học, đàm phán, ký kết hợp đồng kinh tế, trao đổi văn hóa, khoa học kỹ thuật với tổ chức, cá nhân nước ngoài phải chuẩn bị kỹ về nội dung, thực hiện đúng chương trình được phê duyệt; không tiết lộ BMNN cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Trong trường hợp cần thiết, việc cung cấp những thông tin thuộc BMNN cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN.