Một số lãnh đạo công ty xây dựng xuất hiện tại đại hội cổ đông Xây dựng Hòa Bình để làm gì?
Năm 2023, Công ty CP Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu đạt 12.500 tỉ đồng, tăng 5.000 tỉ đồng so kế hoạch trước đó với lợi nhuận 125 tỉ đồng.
Chiều 27-6, đại hội cổ đông của Công ty CP Xây dựng Hòa Bình (Xây dựng Hòa Bình - mã chứng khoán HBC) đã tiến hành rất trễ, sau 16 giờ 30 phút.
Trước đó, đến hơn 16 giờ, lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình đã tuyên bố đại hội cổ đông không thể tiến hành vì số lượng cổ đông nắm giữ cổ phiếu đang lưu hành của công ty không đủ 50% theo quy định. Tuy nhiên, nhân dịp có nhiều cổ đông, lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình vẫn chia sẻ thông tin về công ty.
Sau đó, đại hội thông báo đã đủ số lượng cổ đông tham dự nên vẫn tiến hành đúng quy định.
Đáng chú ý, xuất hiện tại đại hội cổ đông này có đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp xây dựng tầm cỡ, được lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình giới thiệu là đối tác, nhà thầu sẽ cùng công ty thi công dự án Sân bay Quốc tế Long Thành.
Trong số này có ông Bolat Duíenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons; ông Nguyễn Khắc Đồng, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng An Phong; ông Trần Quang Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Central…
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình, cho biết 5 năm gần đây, ngành xây dựng gặp nhiều biến cố, trong đó có du lịch đô thị, du lịch. Đây là lĩnh vực chủ yếu mang nguồn thu cho Xây dựng Hòa Bình.
Ông Hải nhận trách nhiệm khi để xảy ra một số việc đáng tiếc tại công ty lâu nay vốn xây dựng rất tốt văn hóa doanh nghiệp. Ông tin rằng với truyền thống đoàn kết vượt khó, biến nguy thành cơ, biến thách thức trở lực thành động lực, công ty sẽ vượt qua khủng hoảng, trưởng thành hơn.
"Tôi tin rằng với sự tham gia điều hành của tân tổng Giám đốc Lê Văn Nam trong việc tái cấu trúc toàn diện, tái cấu trúc hệ thống quản lý, tài chính, thị trường, công ty thành viên và cả công ty liên kết… thì Xây dựng Hòa Bình sẽ sớm vượt qua khó khăn" - ông Hải bày tỏ.
Theo ông Hải, đến ngày 23-6, 89 đối tác đã đồng ý cấn trừ nợ bằng việc mua cổ phiếu với giá trị 650 tỉ đồng. Ông khẳng định khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, hoàn thành việc hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi lũy kế lên đến 2.059 tỉ đồng, thì vốn chủ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình không những sẽ trở lại như cũ mà còn cao hơn nhiều.
Ông Hải nhấn mạnh các khoản đều được Xây dựng Hòa Bình trích lập dự phòng. Công ty chưa hề xóa bất cứ khoản nợ nào và các khoản nợ cũ đều được hoàn nhập.
Thời gian qua, vì nhiều lý do "chẳng đặng đừng", Xây dựng Hòa Bình đã phải đưa ra tòa 11 vụ kiện, tất cả đều thắng với giá trị thu về tăng 50% so với nợ gốc. Lãnh đạo công ty nhận định khó khăn là tạm thời, sóng gió rồi sẽ qua và doanh nghiệp sẽ phát triển, "sau cơn mưa trời lại sáng".
Năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đưa ra mục tiêu cao mà ông Hải tin là sẽ đạt được. Theo đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 12.500 tỉ đồng, tăng 5.000 tỉ đồng so kế hoạch trước đó, với lợi nhuận đạt 125 tỉ đồng. Năm nay, Xây dựng Hòa Bình dự kiến tổng giá trị trúng thầu vào mức 17.000 tỉ đồng.