Một số lưu ý khi người thân đến thăm chiến sĩ mới

Các chiến sĩ nhập ngũ năm 2025 đã về đơn vị và ngay từ cuối tuần này, người thân có thể đến đơn vị thăm chiến sĩ mới. Để việc thăm hỏi, gặp gỡ giữa chiến sĩ mới và người thân thuận lợi, bảo đảm đúng quy định, xin lưu ý một số vấn đề sau...

Thời gian thăm và đồ dùng không nên mang cho chiến sĩ

Theo quy định, thời gian học tập, huấn luyện của chiến sĩ mới là từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần; thứ bảy và chủ nhật, chiến sĩ có thể được học bù một số nội dung hoặc thực hiện một số công tác khác. Vì vậy, vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, người thân có thể đến đơn vị thăm chiến sĩ. Lưu ý đầu tiên là người dân cần mang theo giấy tờ tùy thân để đăng ký ra vào với trực ban tại cổng đơn vị.

Lãnh đạo huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đến thăm, động viên chiến sĩ là người địa phương nhập ngũ tại Trung đoàn 1, Sư đoàn 8, Quân khu 9. Ảnh: HUỲNH PHONG

Lãnh đạo huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đến thăm, động viên chiến sĩ là người địa phương nhập ngũ tại Trung đoàn 1, Sư đoàn 8, Quân khu 9. Ảnh: HUỲNH PHONG

Khi về đơn vị, các chiến sĩ được bảo đảm đầy đủ quân tư trang và chế độ ăn uống theo quy định. Do đó, đề nghị gia đình chiến sĩ không nên mang đồ dùng cá nhân, quần áo hoặc giày dép... không phải do Quân đội cấp vào đơn vị, tránh trường hợp chiến sĩ sử dụng sai mục đích, không đúng tác phong, vi phạm kỷ luật. Người thân và bạn bè chiến sĩ cần đặc biệt lưu ý không để chiến sĩ sử dụng điện thoại vì theo quy định, trong thời gian phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan, chiến sĩ không được sử dụng điện thoại di động. Người thân chiến sĩ cũng lưu ý không chụp ảnh, quay video đơn vị và đăng tải lên các trang mạng xã hội.

Về việc ăn uống, chiến sĩ được bảo đảm chế độ ăn 3 bữa/ngày, đầy đủ dưỡng chất, định lượng calo một cách khoa học. Tuy nhiên, người thân có thể mang đồ ăn cho chiến sĩ nhưng cần hết sức chú ý vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe chiến sĩ. Đồ uống cũng tương tự và cần lưu ý thêm là nghiêm cấm mang rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá vào đơn vị và cho chiến sĩ sử dụng. Ngoài ra, hằng tháng, các chiến sĩ được nhận phụ cấp theo quy định. Số tiền này đủ để sinh hoạt trong tháng nên người thân hạn chế cho chiến sĩ tiền, tránh tình trạng sử dụng vào các mục đích không đúng, gây lãng phí...

Lưu ý với quân nhân khi tiếp đón người thân

Đối với quân nhân nói chung và chiến sĩ mới nói riêng, khi có người nhà, bạn bè đến thăm phải báo cáo người chỉ huy trực tiếp và sẽ được đón tiếp ở nơi quy định, không được đưa vào doanh trại. Không tiếp người nhà, bạn bè trong giờ làm việc. Trường hợp cần thiết phải được phép của chỉ huy Trung đoàn.

Đối với cấp trên trực tiếp của quân nhân có khách đến thăm phải kịp thời thông báo cho quân nhân biết và tạo điều kiện cho quân nhân sớm được gặp khách. Trường hợp không được gặp phải giải thích rõ lý do với quân nhân và thông báo với người nhà quân nhân. Tự mình hoặc cử cán bộ ra hỏi thăm gia đình, người thân của quân nhân thuộc quyền. Bảo đảm những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu để quân nhân tiếp người nhà, bạn bè đến thăm chu đáo, thân tình.

Cán bộ, nhân viên ở vị trí đón tiếp khách phải vui vẻ, chu đáo, nhanh chóng thu xếp nơi ăn ở, sinh hoạt cho khách; phổ biến tiêu chuẩn, chế độ, thủ tục, nội quy nhà khách và hướng dẫn khách thực hiện. Khi khách rời khỏi đơn vị phải trả lại đầy đủ giấy tờ, thu lại những đồ dùng sinh hoạt cho mượn, giải quyết chu đáo mọi việc cần thiết khác.

Người nhà cần lưu ý để tránh bị kẻ xấu lừa đảo

Tình trạng lừa đảo bằng công nghệ cao đối với người thân của chiến sĩ cũng đã xảy ra. Đã từng có trường hợp các đối tượng đánh cắp, sử dụng Facebook của chiến sĩ để liên hệ với người thân và nói rằng chiến sĩ làm mất vũ khí trang bị, yêu cầu người thân phải đưa tiền, chuyển tiền cho cán bộ để không bị kỷ luật hoặc lợi dụng danh nghĩa cán bộ của đơn vị để mượn tiền, mượn đồ, xin đồ của người thân chiến sĩ... Đây là những việc làm bị nghiêm cấm đối với cán bộ, chỉ huy các cấp trong Quân đội. Vì thế, khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi bằng điện thoại hay tài khoản mạng xã hội thông báo về những nội dung trên hoặc hỏi vay mượn tiền thì rất mong người thân chiến sĩ cảnh giác, tuyệt đối không đáp ứng các yêu cầu giả mạo và liên hệ ngay với số điện thoại của chỉ huy các cấp trong đơn vị con em mình để cùng phối hợp xử lý.

Để tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo, trong thời gian con em mình thực hiện nghĩa vụ quân sự, người thân chiến sĩ nên thường xuyên theo dõi thông tin của đơn vị bằng nhiều cách, như: Gọi điện thoại trực tiếp, tương tác qua mạng xã hội, các trang, nhóm mạng xã hội của đơn vị (do chỉ huy đơn vị cung cấp)... Khi nhận được thông tin liên quan đến con em mình mà có vấn đề gì nghi ngờ hay vướng mắc, cần liên hệ với ban chỉ huy của đơn vị, cán bộ đại đội, trung đội để nắm tình hình.

Thượng tá NGUYỄN QUANG HÒA, Chính ủy Trung đoàn 892, Bộ CHQS tỉnh An Giang

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/mot-so-luu-y-khi-nguoi-than-den-tham-chien-si-moi-816376