Một số lưu ý khi tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi

Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra trên diện rộng và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Vệ sinh chuồng trại là biện pháp phòng dịch hiệu quả cho đàn lợn

Vệ sinh chuồng trại là biện pháp phòng dịch hiệu quả cho đàn lợn

DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, khi lợn bị bệnh tỷ lệ chết có thể lên đến 100%. Hiện nay, bệnh chưa có vaccine phòng bệnh và không có thuốc điều trị. Vì vậy, để tái đàn lợn và tổ chức chăn nuôi trở lại, người chăn nuôi cần chú ý một số vấn đề sau:

- Khi mua lợn giống, người chăn nuôi cần đến những cơ sở sản xuất con giống bảo đảm an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. Lợn vận chuyển từ các tỉnh ngoài về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP. Phương tiện vận chuyển lợn giống cần được khử trùng trước và sau khi vận chuyển. Thực hiện nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi tình trạng sức khỏe của lợn.

- Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng tốt; không cho lợn ăn thức ăn thừa của người chưa được nấu chín. Khi nhập thức ăn và nguyên liệu cần phải bảo quản tại kho chứa riêng, không để vào trong các dãy chuồng nuôi. Sử dụng nguồn nước bảo đảm an toàn.

- Chuồng nuôi cần có hệ thống hàng rào bao quanh, có ranh giới tách biệt giữa khu chăn nuôi và khu sinh hoạt riêng của người. Có hố tiêu độc khử trùng ở lối ra vào chuồng trại. Cửa ra vào không nên mở tự do mà phải được đóng kín. Kiểm soát nghiêm ngặt người và phương tiện ra vào khu chăn nuôi. Sử dụng quần áo, bảo hộ lao động riêng cho người vào khu chăn nuôi. Tất cả dụng cụ như máng ăn, máng uống… khi đưa vào chuồng nuôi cần phải làm sạch và khử trùng để hạn chế tối đa mầm bệnh xâm nhập và phát tán vào chuồng nuôi. Phải để trống chuồng và thực hiện nghiêm ngặt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ít nhất 30 ngày trước khi nhập lợn giống. Có phương án ngăn chặn chó, mèo, chim chuột… vào khu vực dự trữ thức ăn và chuồng nuôi.

- Hằng ngày quét dọn, vệ sinh chuồng trại, khu chăn nuôi; thu gom và xử lý toàn bộ rác, chất thải. Khử trùng chuồng trại, khu chăn nuôi định kỳ 2 lần/tuần. Đặc biệt khi có khách đến tham quan hoặc mua bán lợn phải thực hiện biện pháp bảo hộ, khử trùng người, phương tiện, chuồng nuôi trước và sau khi khách đến và đi.

- Tái đàn lần đầu với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm. Nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với DTLCP, khi đó mới tiếp tục tái đàn.

- Thực hiện tiêm phòng triệt để các bệnh phổ biến thường gặp trên đàn lợn như bệnh phó thương hàn, bệnh đóng dấu, bệnh tụ huyết trùng…

Bác sĩ thú y HOÀNG THỊ NGUYỆT
(Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Sách)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/khuyen-nong/mot-so-luu-y-khi-tai-dan-lon-sau-dich-ta-lon-chau-phi-131150