Một số mô hình phòng, chống lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở y tế tại thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh của Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, nhiều bệnh viện ở thành phố đã triển khai hiệu quả các mô hình sàng lọc người đến cơ sở y tế.

Một số mô hình hay

Khác với việc thực hiện khai báo y tế qua giấy như ở nhiều bệnh viện, tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, việc khai báo y tế được triển khai qua phần mềm chuyên dụng. Mọi người bệnh và người nhà đến viện đều phải khai báo thông qua bàn phím ảo trên màn hình cảm ứng. Những người đã có bảo hiểm y tế, chỉ cần quét mã thẻ bảo hiểm qua đầu đọc.

Những thông tin phải khai báo trên phần mềm bao gồm: Thông tin cá nhân (có lưu ảnh chụp lúc khai); mục đích đến bệnh viện (thăm nuôi hay khám ở khoa nào); khai báo dịch tễ (người khai phải trả lời mọi câu hỏi mới được phát phiếu sàng lọc để vào khám). Việc phân loại được soạn sẵn theo hướng dẫn của Bộ Y tế và có từng mẫu hoàn thành khai báo riêng.

Người đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thực hiện khai báo y tế qua phần mềm.

Với những trường hợp không có bất thường về dịch tễ, hệ thống sẽ in tem “đã khai báo y tế” để họ mang theo trong thời gian vào viện. Với người có yếu tố dịch tễ, hệ thống sẽ tự động phát ra âm thanh cảnh báo và in tem có dòng chữ “A.27 - Đã kiểm tra y tế” để người này mang theo suốt quá trình khám, chữa bệnh. Nhân viên y tế hướng dẫn người này bắt buộc thực hiện khai tiếp mẫu 2 (trong khu vực A.27 theo quy định).

Ông Đỗ Tuấn Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, phần mềm này do các chuyên gia công nghệ thông tin của bệnh viện thực hiện. Ứng dụng khai báo vừa bảo đảm đầy đủ thông tin theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vừa tạo tiện ích cho người khai báo và là công cụ hỗ trợ thiết thực cho công tác quản lý.

Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, mọi người trước khi vào viện phải thực hiện việc sát khuẩn bàn tay thông qua máy sát khuẩn tự động. Đây là sản phẩm do bệnh viện tự chế tạo, thay thế cho việc phải bố trí nhân viên bảo vệ cầm bình dung dịch sát khuẩn xịt vào tay mỗi người vào viện như trước đây.

Thiết bị rửa tay diệt khuẩn tự động tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Máy sát khuẩn tự động hoạt động tương tự như máy sấy khô tay trong khu vệ sinh. Theo đó, khi có người đưa bàn tay vào máy, bộ cảm biến sẽ nhận biết và phun ra lượng dung dịch rửa tay đã được cài đặt cả về thời gian và dung lượng đủ mức để sát khuẩn dưới dạng phun sương.

Chị Phạm Thị Phượng, cán bộ truyền thông Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: Sau thời gian đưa vào sử dụng, máy sát khuẩn tay tự động chỉ tốn khoảng 4 lít dung dịch sát khuẩn cho khoảng 700 lượt người đến bệnh viện, số lượng này đã giảm nhiều so với trước khi còn sử dụng các bình xịt bằng tay.

14 khuyến cáo của Sở Y tế

Ngày 7-4, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành phiên bản 1.1 của “Khuyến cáo tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong bệnh viện để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm dịch Covid-19”, nhằm kịp thời cập nhật và bổ sung những hướng dẫn và quy định mới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện.

Đáng chú ý trong số 14 điểm khuyến cáo này là việc xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ sở y tế trong triển khai và hiệu quả của hoạt động phòng, chống dịch trong cơ sở của mình.

Mô hình phòng khám dã chiến phục vụ sàng lọc bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược theo khuyến cáo của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh.

Sở Y tế thành phố yêu cầu mọi cơ sở y tế phải bố trí nơi thực hiện tờ khai y tế ngay tại mỗi cổng vào của bệnh viện, hoạt động 24/7 để kiểm soát chặt chẽ yếu tố nguy cơ liên quan đến dịch Covid-19 đối với tất cả những người đến bệnh viện; triển khai khu khám sàng lọc gần khu vực khai báo y tế.

Khi phát hiện người đến cơ sở y tế có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng, cần chuyển ngay vào khu cách ly, hội chẩn qua điện thoại với đội phản ứng nhanh của các bệnh viện được Bộ Y tế chỉ định để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và chuyển mẫu đến bệnh viện được phép thực hiện xét nghiệm Covid-19.

Nếu kết quả dương tính, chuyển người bệnh đến một trong các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị, bao gồm: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (nếu có dấu hiệu suy hô hấp), Bệnh viện dã chiến Củ Chi hoặc Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ (nếu không có dấu hiệu suy hô hấp), Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2 (nếu là trẻ em) và các bệnh viện khác khi được Sở Y tế phân công.

Các bệnh viện tuyến trên ưu tiên tiếp nhận người bệnh nặng, cấp cứu, chuyển tuyến và hạn chế tối đa nhận các trường hợp khám bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được.

Các cơ sở y tế cần bố trí nhân lực làm việc theo ca với nhân sự cố định, các kíp trực không tiếp xúc trực tiếp với nhau, phải giữ khoảng cách khi bàn giao ca bệnh và xây dựng phương án nhân sự làm việc trong thời gian tối thiểu 3 tháng nhằm dự phòng tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế.

Thu Hoài

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/963652/mot-so-mo-hinh-phong-chong-lay-nhiem-covid-19-trong-co-so-y-te-tai-thanh-pho-ho-chi-minh