Một số mô hình tiêu biểu
Chế độ giám sát trong phòng, chống tham nhũng được các nước thành lập từ rất sớm và có nhiều mô hình khác nhau. Mặc dù ở mô hình nào, các chế độ này đều có những ưu điểm nhất định.
Anh: chế độ “chuyên viên Nghị viện giám sát hành chính”
Ở nước Anh, để xử lý tố cáo của công dân đối với hành vi hành chính không chính đáng của quan chức, năm 1967 Nghị viện Anh thông qua Luật Chuyên viên Nghị viện giám sát hành chính, thiết lập chế độ chuyên viên giám sát hành chính. Chuyên viên giám sát hành chính do Thủ tướng đề xuất, Nữ hoàng bổ nhiệm, đảm nhiệm chức vụ đến 65 tuổi thì nghỉ hưu. Tất cả cơ quan hành chính Trung ương đều là đối tượng giám sát của chuyên viên giám sát hành chính, nhưng quan hệ thương mại giữa các bộ, ngành không phải là đối tượng giám sát của các chuyên viên giám sát này. Tất cả những tố cáo gửi đến tài phán hành chính hoặc vụ án do tòa án tiến hành thẩm tra, thì chuyên viên giám sát hành chính không được điều tra.
Chỉ khi tài phán hành chính hoặc tòa án ra phán quyết không thỏa đáng, thì chuyên viên giám sát hành chính mới có thể tiến hành điều tra. Chuyên viên giám sát hành chính chủ yếu giám sát đối với hành vi hành chính không hợp pháp, không chính đáng của cơ quan thuộc Chính phủ và quan chức, nhân viên hành chính, phòng, chống xâm hại đến lợi ích chính đáng của công dân. Phương thức công tác chủ yếu thông qua việc tiến hành điều tra tố cáo, đơn tố cáo của người tố cáo phải do Nghị sĩ Hạ viện chuyển đến cho chuyên viên giám sát hành chính. Sau khi điều tra kết thúc, chuyên viên giám sát chuyển báo cáo điều tra đến bộ, ngành liên quan để kiến nghị chấn chỉnh hành vi hành chính không hợp pháp, không chính đáng và bồi thường thiệt hại.
Nếu các biện pháp nêu trên không có hiệu quả, có thể thông qua báo cáo hàng quý, cuối năm gửi Nghị viện hoặc báo cáo đặc biệt, để Nghị viện gây áp lực đối với bộ, ngành, từ đó, loại trừ hành vi hành chính không hợp pháp, không chính đáng.
Pháp: chế độ “chuyên viên điều giải”
Ở nước Pháp, để tăng cường giám sát đối với quan chức Chính phủ, rút ngắn khoảng cách giữa Chính phủ với công chúng, năm 1973 Nghị viện thông qua Luật Chuyên viên hành chính điều giải, chính thức thành lập chế độ chuyên viên hành chính điều giải.
Chuyên viên điều giải do bộ trưởng đề xuất, Tổng thống bổ nhiệm, nhiệm kỳ 6 năm, không được đảm nhiệm nhiệm kỳ liên tiếp. Chức quyền của chuyên viên điều giải rộng lớn, chỉ cần người thực thi công vụ, cơ quan công quyền, bộ, ngành, tổ chức tư nhân liên quan đến vụ án đều có thể khiếu nại đến chuyên viên điều giải. Đối với vụ án đã được đưa ra truy tố hoặc đã có phán quyết của tòa án, chuyên viên điều giải không có quyền điều tra lại. Phương thức công tác của chuyên viên điều giải chủ yếu là dựa vào đơn thư khiếu tố của cá nhân và tổ chức, trước đó người gửi đơn phải gửi đơn đến cơ quan hành chính giải quyết, khi cơ quan hành chính giải quyết không thỏa đáng mới gửi khiếu nại đến chuyên viên điều giải. Ngoài ra, nghị sĩ Nghị viện có thể chủ động giao cho chuyên viên điều giải vụ án trong phạm vi chức trách của mình.
Sau khi chuyên viên điều giải thụ lý vụ án, có thể tiến hành làm việc với cơ quan liên quan. Nếu cơ quan này thừa nhận việc khiếu nại này có căn cứ thực tế, thì có thể trao đổi với người khiếu nại và chuyên viên điều giải về sử dụng biện pháp pháp luật để giải quyết; trường hợp cơ quan hành chính phủ nhận việc khiếu nại và chuyên viên điều giải không đồng thuận với phán đoán, thì có thể tiến hành điều đình lại. Nếu cơ quan hành chính không chấp nhận điều đình lại, chuyên viên điều giải sẽ đưa ra kiến nghị. Nếu cơ quan hành chính trong một thời gian nhất định không trả lời, chuyên viên điều giải sẽ đưa kiến nghị ra công khai, khiến dư luận và truyền thông chú ý. Trong trường hợp đặc biệt, chuyên viên điều giải có quyền truy tố. Vào dịp cuối năm, chuyên viên điều giải gửi báo cáo công tác lên Tổng thống và Quốc hội.
Mỹ: Chế độ “giám sát trưởng”
Năm 1978, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Luật Giám sát trưởng, trong đó quy định thành lập Văn phòng Giám sát trưởng tại 12 bộ thuộc Chính phủ, phụ trách thẩm định, điều tra về tài chính của các bộ này. Năm 1988, Văn phòng Giám sát trưởng đã mở rộng thành lập tại hơn 50 cơ quan, tổ chức. Theo Luật Giám sát trưởng, thì giám sát trưởng do Thượng Nghị viện phê chuẩn, Tổng thống bổ nhiệm và có trách nhiệm báo cáo kết quả công tác với Tổng thống và Quốc hội. Văn phòng Giám sát thực hiện chức năng giám sát của Chính phủ, chủ yếu là giám sát đối với dự toán tài chính, thẩm tra đối với quyết toán, phòng, chống các hiện tượng tham ô, chiếm đoạt, lãng phí...; nếu trong quá trình giám sát phát hiện các khoản thu chi không hợp lý, không hợp pháp thì có quyền điều tra thu thập chứng cứ. Lúc ban đầu khi mới thành lập cơ chế giám sát nội bộ đối với các bộ, ngành thuộc chính phủ, Quốc hội Mỹ đã tính đến tính độc lập của Cơ quan giám sát, nếu quyền lực của giám sát trưởng là do Quốc hội và Tổng thống trao quyền, thì có quyền độc lập khi thực hiện nhiệm vụ, không chịu sự can thiệp của cơ quan hành chính và quan chức bộ, ngành. Cơ chế chỉ có Tổng thống mới có quyền bãi nhiệm giám sát trưởng bảo đảm cho tính độc lập, tối cao của giám sát trưởng, từ đó mới có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát một cách thực chất, công minh.
Nhật Bản: chế độ “giám sát hành chính”
Năm 1947, Thủ tướng Nhật Bản thành lập Ủy ban Giám sát hành chính Trung ương đã đặt nền móng cho công tác giám sát hành chính. Năm 1948, khi tiến hành đẩy mạnh điều phối tổng hợp và tinh giản bộ máy, Bộ Điều tra hành chính với Ủy ban Giám sát hành chính Trung ương được sáp nhập, thành lập Văn phòng quản lý hành chính thuộc Văn phòng Nội các và thành lập Bộ Quản lý và Bộ Giám sát trực thuộc, đồng thời ban hành Luật Thiết lập Văn phòng quản lý hành chính để quy định và xác lập vị trí của Văn phòng quản lý hành chính trong hệ thống quản lý hành chính. Năm 1967, Nhật Bản thành lập hệ thống cơ quan giám sát hành chính, đứng đầu là Cục Giám sát hành chính.
Đối tượng giám sát của cơ quan giám sát hành chính Nhật Bản không chỉ bao gồm cơ quan hành chính nhà nước, mà còn bao gồm các đơn vị có tư cách pháp nhân đặc thù như đơn vị có sự đầu tư, giúp đỡ về tài chính của nhà nước như doanh nghiệp nhà nước, đoàn thể xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập...; không chỉ tiến hành thẩm định, điều tra đối với tài chính của Chính phủ, mà còn đưa công tác giám sát hành chính vào toàn bộ hệ thống hoạt động quản lý của Chính phủ, khắc chế, phòng ngừa tất cả hoạt động quản lý hành chính không hợp pháp, không hợp lý. Cơ quan Giám sát của Nhật Bản có 3 chức năng chủ yếu:
Một là, tiến hành kiểm tra, điều tra tình hình thực hiện chức trách của các bộ, ngành hành chính, để tìm hiểu những tồn tại, trở ngại trong thực hiện chức trách của bộ, ngành hành chính.
Hai là, chức năng đánh giá. Dựa vào kiểm tra, điều tra để nắm được tình hình hoàn thành nhiệm vụ của bộ, ngành hành chính, tiến hành phân tích, đánh giá về tính thực chất và hiệu quả của công việc.
Ba là, chức năng khuyến cáo. Qua phân tích, đánh giá rút ra được hành vi hợp pháp, bất hợp pháp của bộ, ngành hành chính hoặc có cơ sở hợp lý hay không, từ đó đưa ra kiến nghị. Ở Nhật Bản, giám sát hành chính và quản lý hành chính nhà nước kết hợp với nhau trong một cơ cấu bộ máy thống nhất, Cơ quan Giám sát hành chính thuộc Văn phòng Nội các, không có vị thế cao so với bộ máy hành chính, nhưng cũng có tính độc lập tương đối để bảo đảm vận hành hệ thống cơ quan giám sát.