Một số nhân vật lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám tại Biên Hòa
Biên Hòa trong bài này là tỉnh Biên Hòa, không phải là đơn vị hành chính thành phố Biên Hòa hiện nay, qua nhiều thời kỳ, Biên Hòa là thủ phủ của tỉnh Đồng Nai, tỉnh Thủ Biên trong một số thời điểm kháng chiến.
Hiện nay trên đường 30-4 có Nhà hội Bình Trước (phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa) đã được trùng tu và phục chế một số hạng mục, chữ Hán còn đắp mặt tiền di tích này là chữ “Bình Trước Công Đường”. Trong lịch sử hiện đại, đều gọi là Nhà hội Bình Trước.
Đêm 22 rạng sáng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng đánh Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai sau khi phát xít Đức đầu hàng, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau này, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, Bác Hồ có viết: “Thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tối 23-9-1945, đồng chí Hà Huy Giáp thay mặt Xứ ủy Nam kỳ triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh Biên Hòa với 40 cán bộ Đảng hoạt động ở Biên Hòa từ trước năm 1945, trong số này có một số đồng chí ở tù Côn Đảo được Xứ ủy giới thiệu về. Tại hội nghị này, một Ban Chấp hành lâm thời được bầu ra gồm 11 người do đồng chí Trần Công Khanh làm Bí thư. Hội nghị đề ra chủ trương 5 nhóm nội dung, trong đó có củng cố chính quyền cách mạng từ tỉnh đến quận, xã. Theo tinh thần hội nghị Bình Trước, UBND tỉnh được thành lập do đồng chí Hoàng Minh Châu làm Chủ tịch, đồng chí Đặng Nguyên làm Phó chủ tịch kinh tài, đồng chí Huỳnh Văn Hớn làm Phó chủ tịch phụ trách tuyên truyền, đồng chí Phan Đình Công, ủy viên phụ trách quân sự, đồng chí Ngô Hà Thành, ủy viên phụ trách Quốc gia tự vệ cuộc, như công an ngày nay.
Trong số các sự kiện sau Quốc khánh 2-9, có cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, các đồng chí Hoàng Minh Châu, Phạm Văn Búng, Điểu Xiển trúng cử là đại biểu Quốc hội khóa I, đơn vị tỉnh Biên Hòa.
Ở cấp quận, có 3 Quận ủy được thành lập là Quận ủy Châu Thành do đồng chí Hồ Văn Leo làm Bí thư, Tân Uyên do đồng chí Lê Thái làm Bí thư, Long Thành do đồng chí Trịnh Văn Dục làm Bí thư, đồng chí Vũ Hồng Phô làm Phó bí thư. Đồng chí Vũ Hồng Phô sau năm 1975 từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh, Hiệu trưởng Trường Đảng, được đặt tên đường ở phường Bình Đa, thân sinh của ông Vũ Khánh, nguyên Phó giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Đồng Nai.
Trong nhiệm vụ xây dựng Mặt trận và các đoàn thể, Mặt trận Việt Minh được thành lập do đồng chí Hồ Hòa làm chủ nhiệm, đồng chí Huỳnh Văn Lũy làm Phó chủ nhiệm kiêm Hội trưởng Hội Nông dân Cứu quốc.
Ngày 25-9-1945, 2 tổ chức Thanh niên Tiền Phong và Thanh niên Cứu quốc hợp nhất thành Đoàn Thanh niên Cứu quốc do đồng chí Hoàng Bá Bích làm Đoàn trưởng. Tổ chức Công đoàn Cứu quốc do đồng chí Trịnh Trọng Tráng phụ trách.
Trước khi thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Biên Hòa sau Quốc khánh 2-9, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Biên Hòa chuẩn bị các phương án kháng chiến. Ngoài các phong trào chung cả nước như “Tuần lễ vàng” vận động đóng góp mua sắm vũ khí, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, các cơ sở sản xuất công nghiệp như nhà máy BIF, sau là Công ty chế biến tổng hợp gỗ Tân Mai, cao su…tháo gỡ máy móc chuyển vào căn cứ trong rừng để sản xuất vũ khí.
Chủ động các phương án chiến đấu, tại hội nghị Bình Trước đã đề ra và thực hiện đề án xây dựng Trường Huấn luyện cán bộ quân sự do đồng chí Phan Đình Công phụ trách và khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 26-9-1945 tại trại du kích Vĩnh Cửu, học viên được tổ chức thành 4 phân đội khoảng 100 người. Đặc biệt, có một tiểu đội lính Nhật rã ngũ (sau khi Nhật đầu hàng), gia nhập trại hướng dẫn sử dụng vũ khí, chiến thuật tác chiến. Ban giảng huấn chính trị của trường do giáo sư Phạm Thiều, Thanh Sơn phụ trách. Tháng 10-1945 chuyển về mật khu An Hảo, được chi đội Nam tiến Nam Long tăng cường, tham gia trận đánh cầu Bình Lợi. Khi Pháp chiếm Biên Hòa ngày 25-10-1945, trường chuyển về Tân Uyên thuộc tỉnh Biên Hòa và sau này trở thành một đơn vị Vệ quốc đoàn của Biên Hòa.
Hầu hết các nhân vật lịch sử trong sự kiện Cách mạng tháng Tám ở Biên Hòa như Hà Huy Giáp, Hoàng Minh Châu, Huỳnh Văn Hớn, Huỳnh Văn Lũy, Vũ Hồng Phô, Hồ Văn Leo… đều được đặt tên đường ở thành phố Biên Hòa và các địa phương khác trong tỉnh.