Một số nội dung cơ bản của Thông tư số 45/2023/TT-BQP hướng dẫn thực hiện quy trình xử lý vi phạm hành chính của BĐBP
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị thuộc BĐBP đã quán triệt, triển khai thi hành các nội dung của Thông tư số 78/2016/TT-BQP ngày 8/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quy trình xử lý vi phạm hành chính (VPHC) của BĐBP (gọi tắt là Thông tư số 78), góp phần xử lý các vụ việc VPHC đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Thông tư số 78 đã phát sinh những bất cập, hạn chế, tác động đến thực tiễn thực hiện nhiệm vụ xử lý VPHC của BĐBP.
Xuất phát từ thực tiễn triển khai thi hành Thông tư số 78, ngày 3/7/2023 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 45 hướng dẫn thực hiện quy trình xử lý VPHC của BĐBP (gọi tắt là Thông tư số 45), thay thế Thông tư số 78. Đây là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn tương đối đầy đủ, cụ thể quy trình xử lý VPHC, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020; Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC, giải đáp, hướng dẫn, thống nhất nhận thức pháp luật của các đơn vị trong áp dụng văn bản quy phạm pháp luật xử lý VPHC của BĐBP ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Cơ sở pháp lý xây dựng thông tư
- Tại Kỳ họp thứ 10 ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022; ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ) với những điểm mới cơ bản như: Bỏ chức danh Chỉ huy trưởng Tiểu khu Biên phòng; thay đổi tên gọi đối với chức danh Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng (tên cũ là Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng); bổ sung thẩm quyền xử phạt VPHC của BĐBP đối với 3 chức danh thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc BĐBP; sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục xử phạt VPHC (thẩm quyền, thời hạn, quy định về lập biên bản VPHC, thời hạn định giá tang vật, phương tiện VPHC, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt VPHC, thời hạn ra quyết định xử phạt VPHC; áp dụng biện pháp ngăn chặn; giao quyền trong xử phạt VPHC; tổ chức bị xử phạt VPHC; xác định hành vi VPHC đang thực hiện, hành vi VPHC đã kết thúc; áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC...).
- Khoản 2 Điều 24 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư để quy định “Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình”.
- Điều 40 Luật Xử lý VPHC năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định, BĐBP (thuộc Bộ Quốc phòng) gồm 11 chức danh có thẩm quyền, trách nhiệm xử phạt VPHC đối với 53 lĩnh vực quản lý nhà nước/61 Nghị định quy định xử phạt VPHC của Chính phủ.
Một số nội dung cơ bản của thông tư
Thông tư số 45 bao gồm 3 chương, 27 điều. Cụ thể:
Chương I. Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 4)
Chương này quy định những vấn đề chung, bao gồm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện VPHC.
Chương II. Quy trình xử lý VPHC (từ Điều 5 đến Điều 25)
- Chương này quy định về thu thập, tiếp nhận thông tin, tài liệu về VPHC (Điều 5), xử lý thông tin về VPHC (Điều 6), buộc chấm dứt hành vi VPHC (Điều 7), xử phạt VPHC không lập biên bản (Điều 8), thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt VPHC không lập biên bản (Điều 9), xử phạt VPHC có lập biên bản (Điều 10), lập biên bản VPHC (Điều 11), áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý VPHC (Điều 12), phương pháp xác minh tình tiết của vụ việc VPHC (Điều 13), đề xuất biện pháp xử lý (Điều 14), giải trình (Điều 15), ra quyết định xử phạt, thời hạn ra quyết định xử phạt VPHC (Điều 16), giao quyền và phân định giao quyền trong xử phạt VPHC (Điều 17), thi hành quyết định xử phạt VPHC (Điều 18), hủy bỏ, ban hành quyết định mới, đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định xử phạt VPHC (Điều 19), chuyển hồ sơ vụ VPHC có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 20), chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt VPHC (Điều 21), tiếp nhận vụ vi phạm của cơ quan khác chuyển giao cho BĐBP để xử lý VPHC (Điều 22), xử lý vụ vi phạm không xác định được người vi phạm hoặc người vi phạm không đến nhận tang vật, phương tiện vi phạm (Điều 23), giải quyết khiếu nại, tố cáo, khởi kiện (Điều 24), lập hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công tác xử lý VPHC, sử dụng biểu mẫu trong xử lý VPHC (Điều 25).
- Trong từng điều khoản cụ thể, thông tư đã tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về lập biên bản VPHC; áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý VPHC; xác minh tình tiết của vụ VPHC; giải trình trong trường hợp cá nhân, tổ chức yêu cầu giải trình; đề xuất biện pháp xử lý; ra quyết định xử phạt, thời hạn ra quyết định xử phạt VPHC; về vụ việc không xác định được người vi phạm và dẫn chiếu quy định về lập hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC… theo hướng dẫn chiếu văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoặc quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác xử lý VPHC của BĐBP, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua.
Chương III. Điều khoản thi hành (từ Điều 26 đến Điều 27)
Thông tư số 45 có hiệu lực thi hành từ ngày 23/8/2023, thay thế Thông tư số 78; quy định chuyển tiếp trường hợp văn bản viện dẫn trong thông tư được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế; đồng thời, cũng quy định giao Tư lệnh BĐBP, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành thông tư.
Một số điểm mới của thông tư
So với Thông tư số 78, Thông tư số 45 bổ sung mới 5 điều: Điều 3 (Giải thích từ ngữ), Điều 4 (Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của BĐBP để phát hiện hành vi VPHC), Điều 15 (Giải trình), Điều 17 (Giao quyền và phân định giao quyền trong xử phạt VPHC), Điều 23 (Xử lý vụ việc không xác định được người vi phạm hoặc người vi phạm không đến nhận tang vật, phương tiện vi phạm).
Việc phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Thông tư số 45 đến cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là người có thẩm quyền lập biên bản VPHC, thẩm quyền xử phạt VPHC, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý VPHC và các tổ chức, cá nhân có liên quan góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xử lý VPHC của BĐBP ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Thiếu táĐỗ Văn Điệp