Một số phận - hai cuộc đời

Những nạn nhân bị buôn bán qua biên giới khi được giải cứu phần lớn bị sang chấn tâm lý nặng nề, tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có người từng muốn tự tử... Trong ngôi nhà mang tên Nhà nhân ái, họ được hỗ trợ, giúp đỡ để có một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn. Chúng tôi xin tạm gọi họ là những người có 'một số phận - hai cuộc đời'.

Đi học, có nghề, có việc làm...

Em Lù Thị Cờ (ở xã Pa Cheo, huyện Bát Xát) là một trong những thành viên ít tuổi nhất từng ở Nhà nhân ái. Mẹ của Cờ bỏ đi khỏi địa phương từ lâu, còn người cha thì nghiện rượu, người mẹ kế cũng bỏ mặc, không quan tâm tới 3 chị em Cờ.

Năm 12 tuổi, Lù Thị Cờ bị cậu ruột lừa bán sang Trung Quốc. Sau khi bỏ trốn, em được một người dân Trung Quốc đưa đến trại dưỡng lão. Năm 14 tuổi, Cờ được giải cứu trở về Việt Nam. Thời gian đầu, em không nói được tiếng mẹ đẻ, chỉ nói được tiếng Trung Quốc. Nhà nhân ái đã thuê cô giáo về dạy chữ cho em. Bằng sự cố gắng và chăm chỉ học tập, sau 2 năm ở Nhà nhân ái, Lù Thị Cờ đã thi đỗ vào trường nghề Cô Tô (Hà Nội). Hiện em đã là bếp trưởng một nhà hàng ở thành phố Lào Cai. Em gái của Cờ là Lù Thị Miên cũng là nạn nhân của nạn buôn người, được giải cứu vào cuối năm 2019, được tiếp nhận và đang sống tại Nhà nhân ái. Còn em trai của Cờ là Lù A Chớ được nhân viên xã hội của Nhà nhân ái hỗ trợ làm hồ sơ, thủ tục về ở tại Trung tâm Công tác xã hội Lào Cai.

Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Lào Cai trò chuyện với học viên tại Ngày hội Nhà nhân ái.

Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Lào Cai trò chuyện với học viên tại Ngày hội Nhà nhân ái.

May mắn hơn những nạn nhân khác, Lý Thu Hà (thị xã Sa Pa) từng bị lừa bán làm con nuôi cho một gia đình người Trung Quốc. Đến năm 2013, Hà được giải cứu trở về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai và sống trong Nhà nhân ái. Tại đây, Lý Thu Hà được hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn, ở và học văn hóa. Sống trong Nhà nhân ái, Hà được mọi người quan tâm, giúp đỡ. Từ đó, Hà ước mơ trở thành cán bộ công tác xã hội để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh như mình. Ước mơ đó đã trở thành hiện thực, Lý Thu Hà trở thành sinh viên khoa Công tác xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong số nạn nhân sống ở Nhà nhân ái, đến nay đã có nhiều em tốt nghiệp đại học. Các em được Tổ chức Vòng tay Thái Bình cấp học bổng, hỗ trợ học các nghề may, làm tóc nghệ thuật, có em làm đầu bếp, pha chế ở khách sạn 3 - 4 sao... có thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng.

Người mẹ... thứ 2

Chị Nguyễn Thị Dung (55 tuổi) đã 7 năm làm cán bộ quản lý tại Nhà nhân ái Lào Cai. Ở đây, tiếng gọi “mẹ Dung” vẫn thường vang lên. Nhiều nạn nhân khi được giải cứu trở về là những bé gái chỉ mới 13 tuổi, không nói được tiếng phổ thông, không biết nấu ăn... “Mẹ Dung” là người trực tiếp chăm sóc và luôn đồng hành với các nạn nhân trong suốt thời gian ở Nhà nhân ái.

Công việc chính của chị Dung trong Nhà nhân ái là hướng dẫn, giúp đỡ các em trong việc ăn, ở, sinh hoạt. Mỗi tuần, chị ngủ lại 5 đêm ở Nhà nhân ái để hỗ trợ, chăm sóc các em. Có thời điểm, Nhà nhân ái tiếp nhận gần 20 học viên, công việc áp lực, đôi lúc khiến chị mệt mỏi, bởi phần lớn học viên mới đến không biết tiếng phổ thông, rào cản ngôn ngữ khiến chị gặp khó khăn trong tiếp xúc. Mỗi lần như vậy, chị nhờ học viên trong nhà làm “phiên dịch”, chủ động gần gũi và dùng ngôn ngữ cơ thể để trò chuyện. Sau một thời gian, các em nói được tiếng phổ thông cũng là lúc các em mở lòng mình, tâm sự với chị.

Chia sẻ câu chuyện về nạn nhân tên Hà Thị Nhin, 14 tuổi, ở huyện Mường Khương, chị Dung cho biết: thời gian đầu về sinh sống tại Nhà nhân ái, em Nhin hay trốn trong bóng tối, ít tiếp xúc với mọi người. Đêm đầu tiên, Nhin không ngủ mà kêu gào, đập phá đồ đạc, chị Dung phải thức cả đêm an ủi, vỗ về em. Những hôm sau, chị chủ động chia sẻ và kể cho Nhin nghe những câu chuyện về hoàn cảnh của các bạn khác. Với sự giúp đỡ, đồng cảm, tình yêu thương giữa các học viên trong Nhà nhân ái, Nhin đã mạnh dạn hơn và mở lòng chia sẻ câu chuyện của mình cho mọi người. “Các em ở đây mỗi người một hoàn cảnh, tâm hồn nhạy cảm nên phải tâm lý, nhẹ nhàng, coi các em như con cháu trong nhà mình mới có thể gần gũi được” - chị Dung tâm sự.

Do đặc thù công việc, Nhà nhân ái hiện chỉ có 3 nhân viên nữ, trong đó 1 nhân viên phụ trách quản lý sinh hoạt chung trong nhà; 1 nhân viên phụ trách y tế và 1 nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý, xã hội cho nạn nhân. Nói là mỗi người một nhiệm vụ, nhưng thực tế, 3 nhân viên phải thay nhau cáng đáng mọi công việc, từ khâu tiếp nhận nạn nhân, làm hồ sơ, đến bảo vệ nạn nhân, điều trị tâm lý, chăm sóc sức khỏe, xin học, tìm việc làm... chỉ với mục đích duy nhất là giúp nạn nhân sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Ngôi nhà thứ 2

Năm 2010, Nhà nhân ái được Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tài trợ xây dựng làm cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về. Từ đó đến nay, Tổ chức Vòng tay Thái Bình (tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên về giáo dục và phòng, chống buôn bán người) đã tài trợ toàn diện chi phí ăn ở, chữa bệnh, tư vấn tâm lý, học văn hóa, học nghề... cho hơn 240 nạn nhân các vụ buôn bán người của Lào Cai và một số tỉnh, thành phố khác. Riêng trong năm 2019, đã có 39 nạn nhân được tiếp nhận về sống trong mái nhà nhân ái.

Tại Nhà nhân ái, bước đầu nạn nhân được điều trị tâm lý, chăm sóc sức khỏe. Tiếp đó, họ được giới thiệu dịch vụ hỗ trợ để chọn ở lại hay trở về gia đình. Trường hợp môi trường sống khi trở về của nạn nhân chưa an toàn, nhân viên xã hội đề nghị họ tiếp tục ở lại Nhà nhân ái. Trong thời gian sống tại đây, học viên không được sử dụng điện thoại di động riêng, nhằm ngăn ngừa những tình huống xấu.

Năm 2018, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lào Cai đã phối hợp với Tổ chức Vòng tay Thái Bình lần đầu tiên tổ chức Ngày hội Nhà nhân ái. Ngày hội diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm, đặc biệt có sự xuất hiện của những người từng là nạn nhân của nạn buôn người, sau khi được giải cứu trở về sống trong Nhà nhân ái, nay đã trưởng thành, có công việc ổn định, gia đình hạnh phúc. Chính những chia sẻ của họ đã đem đến niềm tin, nghị lực sống cho những học viên trong Nhà nhân ái vươn lên làm lại cuộc đời.

Sau những tháng ngày kinh hoàng, cùng với nỗi sợ hãi bao trùm nơi đất khách quê người, về Nhà nhân ái, các em được bảo vệ, chăm sóc, được đi học, đi làm rồi lần lượt lập gia đình. Khép lại quá khứ đau thương, một cuộc đời mới mở ra với những cô gái từng là nạn nhân buôn người qua biên giới...

* Tên nhân vật và địa chỉ trong bài đã được thay đổi.

Thi Khanh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/mot-so-phan-hai-cuoc-doi-z62n20200508144218349.htm