Một số phương pháp trị tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng rất thường gặp. Trong hầu hết các trường hợp tiêu chảy nhẹ, sẽ hết sau vài ngày. Một số biện pháp điều trị tại nhà có thể giúp người bệnh nhanh phục hồi. Tuy nhiên, nếu tiêu chảy nghiêm trọng, cần đi khám để được điều trị thích hợp.

1. Điều trị tiêu chảy như thế nào?

1.1 Điều trị không dùng thuốc

- Bổ sung chất lỏng và điện giải: Cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải sau mỗi lần đi vệ sinh. Do đó, cần bổ sung nước và chất điện giải cho cơ thể (đặc biệt khi tiêu chảy nhiều). Đôi khi chỉ cần làm điều này, tiêu chảy sẽ hết mà không cần dùng thuốc.

Oserol là sản phẩm thường dùng giúp bổ sung nước và điện giải. Có thể mua gói oserol tại nhà thuốc, pha và uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên bao bì sản phẩm.

Bạn cũng có thể uống các chất lỏng trong khác như nước, nước canh hoặc nước trái cây được pha loãng và không có bã - để giữ nước. Nước giải khát không có caffeine cũng có thể uống được.

- Chú ý đến thực phẩm: Một số thực phẩm có thể giúp giảm tiêu chảy, trong khi những thực phẩm khác có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Do đó, cần lựa chọn thực phẩm phù hợp trong khi bị tiêu chảy.

Một cách tiếp cận là tuân theo chế độ ăn BRAT, viết tắt của chuối, gạo, sốt táo và bánh mì nướng:

B - Chuối: Chuối có lượng kali tốt, bổ sung chất điện giải này mà cơ thể sẽ mất đi khi bị tiêu chảy.
R - Gạo: Nên ăn gạo trắng thay vì gạo lứt hoặc các loại khác để dễ tiêu hóa hơn.
A - Nước sốt táo: Nên dùng loại không đường.
T - Bánh mì nướng: Chọn bánh mì trắng để dễ tiêu hóa hơn.

Những thực phẩm bao gồm bột yến mạch, khoai tây luộc hoặc nướng bỏ vỏ, gà nướng bỏ da… cũng là những thực phẩm nên ăn.

Mặc dù các sản phẩm từ sữa nói chung, chẳng hạn như sữa, phô mai và kem, không được khuyên dùng khi bị tiêu chảy, nhưng các sản phẩm từ sữa có chứa men vi sinh có thể là một lựa chọn tốt như sữa chua, kefir…

Nên tránh một số thực phẩm có thể gây khó chịu cho dạ dày và khiến tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn như: Thức ăn cay, thực phẩm chiên hoặc béo, sữa và các sản phẩm từ sữa (trừ khi có chứa men vi sinh), trái cây họ cam quýt, thực phẩm chứa nhiều đường, cà phê và đồ uống khác có chứa caffeine, các loại rau có thể khiến bạn đầy hơi (như đậu, bắp cải và cải brussels…).

Có thể bổ sung men vi sinh ở dạng viên nang hoặc bột bổ sung cho người bị tiêu chảy.

Có thể bổ sung men vi sinh ở dạng viên nang hoặc bột bổ sung cho người bị tiêu chảy.

- Bổ sung men vi sinh (Probiotic): Probiotic giúp bổ sung lợi khuẩn trong đường tiêu hóa, được sử dụng để phòng ngừa và điều trị tiêu chảy. Chúng thường được sử dụng đồng thời với kháng sinh để ngăn ngừa tác dụng phụ tiêu chảy thường gặp do kháng sinh.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng men vi sinh có thể làm giảm thời gian tiêu chảy trung bình khoảng 1 ngày. Một ví dụ về probiotic là lactobacillus, được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa như sữa chua và kefir… nhưng có thể bổ sung men vi sinh ở dạng viên nang hoặc bột bổ sung.

Tác dụng phụ của men vi sinh gồm đầy hơi và chướng bụng, đều ở mức độ nhẹ. Probiotic an toàn khi sử dụng cho trẻ em.

1.2. Thuốc trị tiêu chảy

Trong trường hợp bị tiêu chảy nhẹ, có thể dùng thuốc tại nhà bằng các thuốc không kê đơn (OTC).

- Thuốc giảm tiêu chảy (trị triệu chứng) không kê đơn

Trong hầu hết các trường hợp, tiêu chảy không cần điều trị bằng thuốc, nhưng một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn (những loại thuốc này không được khuyến cáo dùng cho trẻ em).

Hai loại thuốc không kê đơn phổ biến có thể giúp giảm tiêu chảy bao gồm:

+ Loperamid (imodium): Hoạt động bằng cách giảm dòng chất lỏng và chất điện giải vào ruột và làm chậm chuyển động của ruột để giảm số lần đi tiêu.

+ Bismuth subsalicylate (kaopectate, pepto-bismol): Đây là thuốc hấp phụ hoạt động bằng cách phủ lên thành đường tiêu hóa và liên kết vi khuẩn gây bệnh hoặc độc tố để loại bỏ khỏi đường tiêu hóa qua phân. Bismuth subsalicylate cũng làm giảm chất lỏng và chất điện giải vào ruột, giảm viêm trong ruột.

Tác dụng phụ của thuốc cầm tiêu chảy có thể bao gồm: Đau bụng, táo bón, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, ù tai, phát ban da… Ngoài ra, bismuth subsalicylate có thể làm cho lưỡi hoặc phân có màu sẫm (đen). Những thay đổi này thường biến mất sau khi ngừng sử dụng thuốc.

- Ai không nên dùng thuốc giảm (cầm) tiêu chảy?

Thuốc giảm tiêu chảy không thích hợp cho tất cả các trường hợp tiêu chảy. Không nên cầm tiêu chảy tại nhà đối với người đang bị sốt hoặc có máu trong phân. Trong trường hợp này có thể dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc khác để loại bỏ vi khuẩn hoặc ký sinh trùng (nguyên nhân gây tiêu chảy). Việc cầm tiêu chảy sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng. Ngoài ra:

- Tránh loperamid nếu bạn có: Một vấn đề về tim hiếm gặp được gọi là khoảng QT kéo dài, nhịp tim chậm hoặc không đều, nồng độ kali thấp trong máu, sốt, đã từng bị phát ban hoặc dị ứng khi dùng thuốc trước đây, phân có máu hoặc đen. Không dùng loperamide trị tiêu chảy ở trẻ dưới 2 tuổi (trừ khi bác sĩ kê đơn), vì có nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp và tim.

Dùng nhiều hơn liều quy định có thể gây ra nhịp tim bất thường nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong. Đọc nhãn thuốc cẩn thận để biết thông tin về tương tác với các thuốc khác, đặc biệt là thuốc chống loạn nhịp và thuốc chống loạn thần.

- Tránh bismuth subsalicylate nếu bạn: Bị dị ứng với salicylat (bao gồm cả aspirin) hoặc nếu đang dùng các sản phẩm salicylate khác như aspirin. Không nên sử dụng ở người bị loét, có vấn đề về chảy máu, phân có máu hoặc đen… Trẻ em và thanh thiếu niên đang mắc hoặc đang hồi phục sau bệnh thủy đậu hoặc các triệu chứng giống cúm không nên sử dụng sản phẩm này.

Sản phẩm dạng lỏng nên được lắc đều trước khi sử dụng. Đối với thuốc viên, nên nuốt cả viên và không nhai (trừ khi chúng là viên nhai). Thuốc có thể gây ra lưỡi đen hoặc sẫm màu. Nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, sốt hoặc ù tai hoặc nếu tiêu chảy kéo dài hơn 48 giờ, hãy đi khám.

Thuốc giảm (cầm) tiêu chảy không thích hợp cho tất cả các trường hợp tiêu chảy.

Thuốc giảm (cầm) tiêu chảy không thích hợp cho tất cả các trường hợp tiêu chảy.

- Thuốc trị tiêu chảy theo đơn

Một số thuốc kê đơn được dùng trong các trường hợp tiêu chảy cụ thể:

+ Eluxadoline (Viberzi) được sử dụng để điều trị tiêu chảy do hội chứng ruột kích thích kèm theo tiêu chảy (IBS - D). Thuốc hoạt động bằng cách làm chậm các cơn co thắt ruột. Các tác dụng phụ tiềm ẩn bao gồm táo bón, đau bụng và buồn nôn.

+ Rifaximin (Xifaxan) là một loại kháng sinh có tác dụng trên một số vi khuẩn trong ruột gây tiêu chảy.

+ Alosetron (Lotronex) làm chậm quá trình chuyển động của chất thải trong ruột, chỉ dùng cho những phụ nữ mắc IBS-D nghiêm trọng. Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ, chẳng hạn như táo bón và giảm lưu lượng máu đến ruột. Vì vậy, chỉ nên xem xét dùng nếu các loại thuốc khác không có tác dụng.

2. Lưu ý khi dùng thuốc trị tiêu chảy

Cần lưu ý, hầu hết các trường hợp tiêu chảy đều tự khỏi trong thời gian ngắn. Mặc dù thuốc chống tiêu chảy giúp giảm bớt các triệu chứng nhưng rất hiếm khi điều trị được nguyên nhân. Do đó, nếu nguyên nhân tiêu chảy do vi khuẩn cần dùng kháng sinh để điều trị.

Khi dùng thuốc tiêu chảy cần lưu ý:

- Thực hiện theo các hướng dẫn trên nhãn thuốc liên quan đến liều lượng, khoảng thời gian được khuyến nghị đối với loại thuốc bạn dùng (dùng nhiều hơn hoặc sử dụng sản phẩm lâu hơn có thể nguy hiểm).

- Để tránh các tương tác thuốc có thể xảy ra, nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc theo toa nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc chống tiêu chảy, vì thuốc cầm tiêu chảy có thể làm cho các loại thuốc khác kém hiệu quả hơn hoặc gây ra tác dụng phụ.

- Không dùng nhiều hơn một loại thuốc chống tiêu chảy không kê đơn (OTC) cùng một lúc, trừ khi bác sĩ khuyến nghị.

- Nếu các triệu chứng kéo dài hơn một vài ngày, kèm theo sốt, đau dữ dội hoặc có máu hoặc mủ trong phân… hãy đi khám, để được điều trị thích hợp.

Mời độc giả xem thêm:

DS. Nguyễn Thu Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mot-so-phuong-phap-tri-tieu-chay-169240610111948764.htm