Một số quy định mới về việc cấp đổi, cấp lại trong Luật Căn cước

Thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không quá bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Mới đây, Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều. Luật Căn cước sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.

Trước khi Luật Căn cước có hiệu lực, một số bạn đọc có thắc mắc về một số trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước có giống với CCCD trước đây không? Nếu có thì có điểm gì mới so với trước đây, điểm mới đó có mang lại lợi ích cho người dân không?

Mong thời gian cấp lại thẻ sẽ nhanh chóng hơn

Anh Trần Anh Tú (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết trước đây, theo quy định cũ, những người đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi bắt buộc phải đổi lại CCCD theo quy định. Thế nhưng do thay đổi quy định theo Luật Căn cước, cũng như đổi từ CCCD thành thẻ căn cước thì quy định này có thay đổi hay không?

 Những thay đổi về thẻ căn cước không có nghĩa là những giấy tờ cũ không còn giá trị. Ảnh: TRẦN MINH

Những thay đổi về thẻ căn cước không có nghĩa là những giấy tờ cũ không còn giá trị. Ảnh: TRẦN MINH

“Lúc trước, người dưới 14 tuổi không được cấp CCCD, nay thì nhóm đối tượng này sẽ được cấp nếu có yêu cầu. Vậy nếu tôi làm thẻ căn cước cho con trai sáu tuổi thì đến năm cháu 14 tuổi có phải đi làm lại thẻ căn cước hay không? Bên cạnh đó, những trường hợp nào sẽ phải cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước?” - anh Tú thắc mắc.

Chị Lâm Như Ngọc (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cũng cho biết trước đây chị từng làm mất CCCD. Sau đó, chị có đến cơ quan công an trình báo và được hỗ trợ thủ tục cấp lại CCCD. Tuy nhiên, thời gian chờ nhận lại CCCD khá lâu khiến một số công việc của chị bị ảnh hưởng.

“Mất CCCD thôi cũng mệt, tôi mất nguyên cái ví nên thẻ ngân hàng cũng mất theo, sợ vấn đề phát sinh nên tôi gọi điện thoại lên tổng đài yêu cầu khóa thẻ ngân hàng. Sau đó, tôi đi làm lại thẻ ngân hàng mà quên là không có CCCD thì không làm được. Theo tôi, quy định cấp lại CCCD không quá 15 ngày như trước đây là khá lâu, người dân sẽ gặp một số khó khăn về thủ tục giấy tờ. Hy vọng với quy định mới, có điều chỉnh thời gian cấp lại sẽ đơn giản, nhanh chóng hơn để người dân được thuận lợi trong công việc hằng ngày” - chị Ngọc nói.

Thời hạn cấp đổi, cấp lại được rút ngắn hơn

Trao đổi với PV, luật sư (LS) Phan Mậu Ninh, Đoàn LS TP.HCM, cho biết: Theo dự thảo Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua, các trường hợp cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ thẻ căn cước có một số thay đổi so với CCCD trước đây. Về thời hạn cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cũng được điều chỉnh. Nhìn chung, tất cả sự thay đổi này đều mang lại quyền lợi cho người dân.

Cụ thể, các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước gồm công dân Việt Nam (VN) đã được cấp thẻ căn cước, phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

Hoặc khi có thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày tháng năm sinh; thay đổi nhân dạng, bổ sung thông tin ảnh khuôn mặt, vân tay, xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật

Như vậy, so với quy định trước đây thì một số trường hợp cấp đổi thẻ căn cước đã được quy định cụ thể hơn. Về độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước cũng bổ sung với người đủ 14 tuổi.

“Nếu trước đây thời hạn cấp mới, cấp đổi CCCD là không quá bảy ngày, cấp lại không quá 15 ngày và có sự khác nhau giữa các vùng, địa điểm thì nay thời hạn đã được điều chỉnh, rút ngắn thời gian hơn. Cụ thể, thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là không quá bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định” - LS Ninh chia sẻ.

Cũng theo LS Ninh, những thay đổi về quy định, về cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nghĩa là những giấy tờ cũ không còn giá trị và bắt buộc phải đổi sang giấy tờ mới. Vì theo quy định tại Điều 46 dự thảo Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua, CCCD đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong CCCD. Công dân được cấp đổi sang thẻ căn cước khi công dân có yêu cầu.

CMND còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định các trường hợp bị thu hồi, giữ thẻ căn cước theo quy định mới. Theo đó, thẻ căn cước sẽ bị thu hồi khi công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch VN, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch VN. Hoặc thẻ căn cước cấp sai quy định, thẻ đã bị tẩy xóa, sửa chữa...

“Trong thời gian bị giữ thẻ căn cước, cơ quan giữ thẻ sẽ xem xét cho phép người bị giữ thẻ sử dụng thẻ căn cước của mình thực hiện giao dịch. Đồng thời, thẻ căn cước sẽ được trả lại khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, xong biện pháp tư pháp giáo dục…” - LS Ninh nói.

Trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

Trường hợp người được trở lại quốc tịch VN sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước.

Trường hợp cấp đổi do xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính, thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày tháng năm sinh mà thông tin đó chưa được cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải xuất trình giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh những thông tin đã thay đổi. Sau đó thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cơ quan quản lý căn cước sẽ thu lại CCCD, thẻ căn cước đã sử dụng đối với các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước.

Trường hợp bị mất thẻ căn cước, thẻ căn cước bị hư hỏng, không sử dụng được sẽ thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước.

Cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin ảnh khuôn mặt, vân tay đã cấp thẻ căn cước lần gần nhất và các thông tin hiện có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước để cấp lại thẻ căn cước.

Theo Điều 25 dự thảo Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua
- LS PHAN MẬU NINH, Đoàn LS TP.HCM

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/mot-so-quy-dinh-moi-ve-viec-cap-doi-cap-lai-trong-luat-can-cuoc-post765608.html