Một số suy nghĩ về đời sống phê bình văn học hiện nay
Cấu trúc của khoa học văn học gồm 3 bộ phận: Lịch sử văn học, Lí luận văn học và Phê bình văn học. Vì những tập quán trong diễn ngôn, với một truyền thống không có lí thuyết, không triệt để, khúc chiết về tư duy, người ta thường nhập Lí luận và Phê bình vào với nhau, để chỉ các hoạt động diễn giải (về) văn học ở nước ta. Trong khi đó, lẽ ra Lí luận văn học cần phải được hiểu một cách rành mạch hơn về một phân ngành có tính lí thuyết, Phê bình là một phân ngành thiên về phía thực hành.
Trong cấu trúc khoa nghiên cứu văn học, nếu nhìn một cách cụ thể, kĩ lưỡng, hóa ra, phê bình lại đang làm nên khu vực sôi động cho văn chương. Vốn không có truyền thống lí luận, trong khi, lịch sử văn học đang còn nhiều vấn đề phải bàn, phê bình văn học Việt Nam đã có một lực lượng khá đông đảo, đặc biệt là thế hệ 8x, 9x. Thế hệ phê bình này được đào tạo bài bản, có xu hướng dần trở thành công dân toàn cầu, đã tạo nên được những dấu ấn riêng của thế hệ.
Những cái tên như Cao Việt Dũng, Trần Ngọc Hiếu, Hoàng Phong Tuấn, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Lê Nguyên Long, Phạm Phương Chi, Lê Thị Dương, Phan Tuấn Anh, Hoàng Cẩm Giang, Đoàn Minh Tâm, Đỗ Thị Hường, Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng Thái Hà… và một số bạn trẻ hơn như Hiền Trang, Nguyễn Đình Minh Khuê, Phạm Minh Quân, Vũ Kiều Chinh, Lê Hồ Nam… khiến chúng ta có cơ sở để phản biện quan điểm phê bình Việt Nam đang thiếu và yếu.
Xem xét trong cấu trúc Nhà văn - Tác phẩm - Người đọc/ Sản xuất - Phân phối - Tiêu thụ, phê bình văn học cũng cho thấy những nỗ lực để theo kịp đời sống sáng tác đương đại. Dù là phê bình hàn lâm hay báo chí, đời sống phê bình vẫn đang tác động lên tâm lí, thị hiếu và sự lựa chọn của công chúng văn học. Thậm chí, phê bình đã tác động trở lại chính nhà văn và hoạt động sáng tác, hoạt động xuất bản, phát hành ấn phẩm văn học. Các nhà văn và độc giả vẫn được tiếp cận các bài phê bình trên các diễn đàn từ Nghiên cứu Văn học đến Nhà văn và cuộc sống, Lí luận Phê bình Văn học Nghệ thuật, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Văn hóa nghệ thuật, Văn nghệ Quân đội, Quân đội nhân dân, Văn nghệ, Nhân dân, Văn nghệ Công an… các website văn chương, diễn đàn mạng xã hội, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác. Từ những diễn đàn này, các quan điểm định giá hay phân loại, xếp loại,… được triển khai và ít nhiều đã cất tiếng về thực trạng văn chương Việt Nam đương đại.
Dù xét trong cấu trúc khoa học văn học hay cấu trúc đời sống văn chương, phê bình vẫn là một phân ngành chuyên môn quan trọng, có nhiệm vụ thẩm định, bình giá hay định hướng giá trị nhân văn, thẩm mĩ cho cộng đồng. Vị trí đó của phê bình văn học là điều không thể không thừa nhận. Tuy nhiên, trong thực tế, do sự phát triển mạnh mẽ của các hình thái, thể loại văn học, phê bình nhiều lúc cũng chưa thể bao quát được một cách đầy đủ. Đó là lí do khiến nhiều người “ưu thời mẫn thế” vẫn lên tiếng về tình trạng “thiếu và yếu”, “nghiệp dư”, “nói theo”, “chưa bao quát”, “chưa đồng hành”… của hoạt động phê bình.
Một nhà phê bình chuyên nghiệp cần phải được đào tạo, bồi dưỡng, có trình độ, tri thức, kiến văn và một quan niệm giá trị vững vàng. Các trường đại học, viện nghiên cứu vừa là nơi đào tạo, cung cấp và cũng là nơi sử dụng lực lượng phê bình chính hiện nay. Một lực lượng khác, sau khi được đào tạo đã làm việc trong các tòa báo, các hội văn học nghệ thuật, các diễn đàn văn chương,… cũng phát huy được vốn liếng kiến thức, kĩ năng đã tiếp cận, thực hành tại cơ sở đào tạo. Vấn đề đào tạo chính quy được xem là nền tảng để hình thành tư cách nhà nghiên cứu, phê bình, cùng với đó là quá trình tự học, tự bồi dưỡng, tự trưởng thành qua thực tiễn văn chương của mỗi người. Cùng với chương trình đào tạo chính quy, các lớp tập huấn, bồi dưỡng của các Hội, Liên hiệp Hội, các trại sáng tác, các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm phê bình văn học cũng đang mang lại hiệu quả.
Không có nhà phê bình bẩm sinh. Người làm phê bình cần phải được đào tạo một cách bài bản và kĩ lưỡng. Bằng cấp, học vị, học hàm có thể không thực sự quan trọng, nhưng học vấn, tri thức, vốn sống, vốn văn hóa cần phải được xem là cơ sở để “hành nghề” phê bình. Do hiện diện trong những không gian khác nhau: Viện - Trường - Cơ quan báo chí - Hội Văn học nghệ thuật,… nên sự phân lập đặc tính của phê bình cũng khá rõ, trên cơ sở của những khác biệt về môi trường làm việc. Ở viện và trường đại học, phê bình chủ yếu vận động theo hướng hàn lâm, bài bản, lớp lang, sử dụng nhiều công cụ lí thuyết, phương pháp, trường phái,… Ưu điểm của phê bình hàn lâm cũng xuất phát từ đặc tính này. Nhờ có công cụ, phương tiện, phương pháp, phê bình hàn lâm thường xem xét vấn đề trên bình diện rộng, sâu, đặt ra và nỗ lực giải quyết triệt để vấn đề văn học.
Tuy nhiên, phê bình hàn lâm trong bối cảnh văn học của thời đại truyền thông đã tự đưa mình vào tình thế khó khăn trong khả năng hiện diện. Có một thực tế là các diễn đàn văn học, báo chí rất khó sử dụng các bài phê bình hàn lâm. Sự trưng dụng quá nhiều khái niệm, thuật ngữ, lí thuyết khiến cho bài phê bình trở nên cồng kềnh, nặng nề, ôm đồm lắm khi rơi vào trạng thái vòng vo, rối rắm.
Đây là một vấn đề khá lớn, tạo nên mối nguy của văn chương mà T. Todorov đã nêu lên: Sự lộng hành của lí thuyết, sự đánh tráo đối tượng từ diễn giải tác phẩm sang diễn giải về lí thuyết và công cụ đã đẩy văn chương lâm vào tình thế không được tiếp cận với đúng bản chất của nó. Những bài viết này chỉ phù hợp với các tạp chí chuyên ngành và dành cho một bộ phận rất nhỏ những người trong giới nghiên cứu - phê bình hàn lâm đọc, tra cứu, tham khảo. Các nhật báo, tuần báo, thậm chí một số tạp chí văn nghệ có thái độ khá dè dặt nếu không muốn nói là “kính nhi viễn chi” trước các phê bình hàn lâm.
Đặc tính này còn dẫn đến một hệ lụy khác đó là phê bình hàn lâm thường có nhịp điệu chậm hơn các sinh hoạt văn chương đương đại. Thêm nữa, các diễn đàn dành cho phê bình hàn lâm trong thực tế là khá hẹp. Do vậy, việc công bố những công trình phê bình bài bản, lớp lang, dài hơi của các nhà phê bình hàn lâm tỏ ra khá khó khăn.
Trái với không khí phê bình hàn lâm, những hoạt động phê bình trên báo chí, diễn đàn của các Hội Văn học nghệ thuật,… lại nhanh chóng, kịp thời, ngắn gọn, dễ tiếp cận và phù hợp với đại bộ phận công chúng. Phê bình báo chí chủ yếu diễn ra dưới dạng điểm tin, đọc sách, giới thiệu tác giả, tác phẩm, phê bình ấn tượng chủ quan,…
Ưu điểm của phê bình dạng này xuất phát từ việc không chú trọng vào lí thuyết, phương pháp, nên những thực hành phê bình này đi ngay vào vấn đề, trình bày, diễn giải các thông tin cơ bản, liên quan trực tiếp đến hiện tượng văn học. Nhược điểm của phê bình báo chí là cảm tính, không có lí thuyết, phương pháp cụ thể, dễ rơi vào tình trạng suy diễn, trình bày ấn tượng chủ quan, thậm chí không hiếm khi ta thấy những phê bình này còn hời hợt. Phê bình báo chí cũng là nơi những hình thức phê bình thù tạc, những viết lách có tính “biếu tặng” xuất hiện.
Một vấn đề khá quan trọng nảy sinh từ việc đào tạo và sử dụng lực lượng phê bình, liên quan trực tiếp đến không khí sinh hoạt của phân ngành này trong đời sống văn chương đó là: 1. Sự suy giảm lực lượng người học - nguồn bổ sung cho Lí luận - Phê bình; 2. Sự lôi cuốn của truyền thông, báo chí khiến cho phê bình hàn lâm ngày càng mất đi vị trí trong đời sống văn học; 3. Sự e ngại, thậm chí không tin tưởng vào phê bình của giới sáng tác; 4. Sự bảo thủ hay cục bộ của một số diễn đàn khiến cho phê bình trên các diễn đàn đó trở nên đơn điệu; 5. Thù lao của người làm phê bình quá ít ỏi không duy trì được một tinh thần làm việc cật lực hay tận tụy, một thái độ tập trung, một phong cách chuyên nghiệp; 6. Một số cơ chế chính sách trong quản lí văn hóa văn nghệ chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho phê bình,… Chính trong những hoàn cảnh như thế, phê bình buộc phải vận hành theo những mô hình không hẳn đúng với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó.
Những ưu điểm, nhược điểm của phê bình thực sự cũng là những hiện diện tất yếu. Nói phê bình thiếu và yếu hay phê phán sự nhợt nhạt, nửa vời của nó thực chất là cách nói rất chung chung, thậm chí còn thể hiện sự hời hợt, phiến diện trong quan sát và nhận định về thực trạng phê bình văn học hiện nay. Không thể có ngay một sự hài lòng, nhưng, các nhà phê bình văn học, đặc biệt là thế hệ trẻ đang cố gắng để làm tốt hơn công việc của mình trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Điều cần thiết, ngoài niềm tin, cũng cần có thêm các cơ chế khác tạo ra hành lang cho phê bình tiến tới một không gian rộng lớn hơn và thực chất hơn nữa. Xem ra, đó cũng không phải chỉ là câu chuyện của phê bình văn học.