Một số thuốc giảm đau tổng hợp và những lưu ý khi dùng

Thuốc giảm đau có tác dụng làm dịu và giảm thiểu tác động của những cơn đau, giúp người bệnh dễ chịu hơn. Chính vì thế mà thuốc giảm đau rất dễ bị lạm dụng... dẫn tới những nguy hại khó lường.

Thuốc giảm đau tổng hợp là thuốc có từ hai thành phần có tác dụng giảm đau trở lên trong một chế phẩm thuốc, mang lại hiệu quả giảm đau nhanh.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường gặp các vấn đề về sức khỏe và cần dùng thuốc giảm đau, ví dụ như:

Đau đầu do cảm cúm, sốt.
Đau xương khớp, đau cơ.
Đau do phẫu thuật.

Đau do các chấn thương.
Đau do mắc bệnh mạn tính…

Những cơn đau thể xác khiến người bệnh dễ lạm dụng thuốc giảm đau.

Những cơn đau thể xác khiến người bệnh dễ lạm dụng thuốc giảm đau.

Dưới đây là một số chế phẩm thuốc giảm đau tổng hợp:

1. Paracetamol + caffeine

Là dạng phối hợp thông thường nhất, được chỉ định trong các trường hợp giảm đau, hạ sốt như: Nhức đầu, sốt, chứng đau nửa đầu (hội chứng Migraine), đau lưng, đau răng, đau khớp, giảm các triệu chứng của cảm lạnh, cúm, đau họng… Trong đó, caffeine là chất có tác dụng làm tăng cường tác dụng giảm đau của paracetamol.

Thuốc chỉ định cho người từ 12 tuổi trở lên; người dị ứng với một trong các thành phần của thuốc; phụ nữ mang thai, đang cho con bú không nên sử dụng, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài các tác dụng phụ cần lưu ý của paracetamol (lạm dụng, quá liều dẫn đến ngộ độc, suy gan) thì quá liều caffeine có thể gây đau thượng vị, nôn, tăng bài niệu, nhịp tim nhanh, kích thích thần kinh trung ương gây mất ngủ, kích động…

Ngoài ra, các triệu chứng xảy ra do quá liều caffeine lại có thể gây ra độc tính nghiêm trọng với gan hơn do quá liều paracetamol. Sự phối hợp giữa 2 chất này còn có nguy cơ gặp phản ứng trên da nghiêm trọng (dù hiếm gặp) như hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng hoại tử da nhiễm độc, hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính...

2. Paracetamol + codeine

Có tác dụng giảm đau mức độ từ nhẹ đến nặng vừa phải. Thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt nhanh cho các trường hợp: Sốt, nhức đầu, chứng đau nửa đầu, đau lưng, đau răng, đau khớp, cảm lạnh, cúm, đau họng... Codeine là một loại thuốc phiện, mặc dù cơ chế tác động yếu, nhưng nếu lạm dụng, sử dụng thường xuyên có thể gây nghiện.

Codeine có thể gây ra các tác dụng phụ: Buồn nôn, nôn, táo bón, buồn ngủ, chóng mặt, khó thở, tức ngực… Thuốc không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi. Từ 12-18 tuổi khi dùng thuốc cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

Sự phối hợp thuốc này còn có thể gây ra tương tác với các thuốc có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả của thuốc điều trị bệnh (như thuốc chống đông máu warfarin, natri oxybate)… và nhiều loại thuốc khác. Chính vì thế, thuốc phối hợp này cần dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.

3. Paracetamol + ibuprofen

Paracetamol là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt, còn ibuprofen là thuốc chống viêm nhóm không steroid cũng có tác dụng hạ sốt và giảm đau do cơ chế chống viêm. Sự kết hợp giữa 2 thành phần này sẽ lợi dụng tác động giảm đau do kháng viêm của ibuprofen và giảm đau của paracetamol, do đó tác dụng giảm đau đạt hiệu quả tối đa.

Thuốc giảm đau tổng hợp phát huy hiệu quả tối đa, nhưng cũng mang lại nhiều tác dụng phụ.

Thuốc giảm đau tổng hợp phát huy hiệu quả tối đa, nhưng cũng mang lại nhiều tác dụng phụ.

Thuốc chỉ định trong các trường hợp giảm các cơn đau từ nhẹ đến trung bình liên quan đến cơ xương khớp; đau đầu; đau bụng kinh, nhức răng, đau sau nhổ răng, tiểu phẫu…

Sự kết hợp giữa 2 hoạt chất này mang lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng. Sau khi uống khoảng 30 phút, bệnh nhân sẽ thấy cơn đau gần như biến mất nên rất sảng khoái. Đó là lý do mà loại thuốc này thường bị lạm dụng. Sự phối hợp 2 hoạt chất này mang lại hiệu quả giảm đau tối đa, nhưng nó cũng gây ra rất nhiều tác dụng phụ khác:

Gây nhức đầu, chóng mặt.
Dị ứng, nổi mẩn, ngứa ở da, phù.
Rối loạn thị giác (nhìn mờ, rối loạn màu)…
Đau bụng, buồn nôn, nôn; loét dạ dày, chảy máu dạ dày, ruột (đặc biệt là ở người có tiền sử loét dạ dày, tiêu hóa)...

Do đó, thuốc chỉ nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là chỉ nên sử dụng với cơn đau cấp tính, trong thời gian ngắn chứ không nên xem đây là liệu pháp giảm đau kéo dài cho các trường hợp đau mạn tính. Nếu lạm dụng thuốc kéo dài lại làm gia tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ cao hơn.

Lưu ý đặc biệt với người đang bị loét dạ dày tiến triển, suy gan, suy thận, người dị ứng với một trong các thành phần của thuốc thì không được dùng. Phụ nữ mang thai không được sử dụng do nguy cơ nhiễm độc thai cũng như nguy cơ gây xuất huyết ở mẹ và con do ibuprofen có tác dụng ức chế chức năng tiểu cầu, làm tăng nguy cơ chảy máu. Thuốc cũng chống chỉ định cho người có tiền sử dị ứng với một trong các thành phần của thuốc.

Để hạn chế tác dụng trên đường tiêu hóa, nên uống thuốc khi no, tuân thủ dùng thuốc, liều lượng đúng theo hướng dẫn. Nếu tình trạng đau không cải thiện hoặc có những biểu hiện sau khi dùng thuốc như mẩn đỏ trên da, phát ban, phù, đau ngực… hoặc bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, cần ngừng thuốc và gọi cho bác sĩ ngay.

Không sử dụng thuốc này cho trẻ em dưới 12 tuổi, nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, có sự tương tác giữa paracetamol + ibuprofen với một số thuốc điều trị bệnh khác, do đó bệnh nhân cần cho bác sĩ biết về các loại thuốc đang sử dụng để tránh tương tác bất lợi.

DS.Lê Thùy Dung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mot-so-thuoc-giam-dau-tong-hop-va-nhung-luu-y-khi-dung-169230707101546717.htm