Một số tiêu chuẩn về thực phẩm sạch
Các tiêu chuẩn về thực phẩm sạch đã được các tổ chức liên quan đặt ra, nhằm ngăn chặn những loại thực phẩm xấu, bảo vệ người tiêu dùng và nền kinh tế quốc gia.
Dưới đây là một số tiêu chuẩn thực phẩm sạch phổ biến hiện nay.
Thứ nhất là tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là tiêu chuẩn chứng nhận toàn bộ các quá trình sản xuất ra sản phẩm, từ đầu vào trang trại như thức ăn, giống, các hoạt động nuôi trồng cho đến khi thành phẩm và được lưu thông trên thị trường. Sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ được thừa nhận trên toàn cầu. Điều này giúp sản phẩm dễ dàng được chấp nhận bởi các nhà phân phối lớn, thâm nhập các thị trường khó tính, dễ dàng tiêu thụ, lưu hành ở mọi thị trường trên thế giới.
Thứ hai là tiêu chuẩn VietGAP. Đây là tập hợp các tiêu chí do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Tiêu chuẩn VietGAP bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức và cá nhân cách thức sản xuất, thu hoạch, sơ chế sản phẩm bảo đảm an toàn. Qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính xác nhất.
Thứ ba là tiêu chuẩn USDA Organic. Đây là chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Ủy ban Hữu cơ quốc gia ban hành năm 2005. USDA là tổ chức duy nhất ở Mỹ có quyền hạn cấp chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm được sản xuất và tiêu dùng trên nước Mỹ. Tiêu chuẩn này yêu cầu sản phẩm của các nhà sản xuất phải chứa 95% thành phần hữu cơ mới được sử dụng logo của họ. Theo tiêu chuẩn này phải bảo đảm sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp bằng các phương pháp bảo vệ môi trường và hầu như không dùng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh…
Thứ tư là tiêu chuẩn GAA BAP. Đây là một trong các tiêu chuẩn về thực phẩm sạch được áp dụng phổ biến nhất ở châu Á và châu Mỹ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đáp ứng tiêu chuẩn này giúp thủy sản trong nước có thể thông quan xuất khẩu dễ dàng.
Cuối cùng là tiêu chuẩn EU Organic Farming. Đây là tiêu chuẩn hữu cơ của Ủy ban Liên minh châu Âu có giá trị ở hơn 47quốc gia trên thế giới, tiêu chuẩn hữu cơ này được tin cậy và sử dụng rộng rãi. Để có được tiêu chuẩn này, khu đất trồng phải là đất sạch, nước sạch, trang trại phải trang bị máy lọc nước cho vào hồ chứa để tưới rau. Không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản, không chứa chất phụ gia và thành phần biến đổi gen.
MINH HỒNG (tổng hợp)
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tu-van/mot-so-tieu-chuan-ve-thuc-pham-sach-164373