Một số tình huống tranh luận Kiểm sát viên cần lưu ý tại phiên tòa hình sự
Thực tiễn tại phiên tòa hình sự sơ thẩm thường gặp các tình huống tranh luận sau: Bị cáo kêu oan hoặc cho rằng mình phạm tội khác nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát truy tố; phạm vào khoản khác nhẹ hơn khoản mà Viện kiểm sát truy tố; việc điều tra, truy tố có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; bị hại không đồng ý với loại, mức hình phạt, mức bồi thường thiệt hại…
Yêu cầu đặt ra khi tranh luận
Theo quy định tại Điều 322 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Điều 26 Quy chế 505 ban hành theo Quyết định số 505/2017/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên bắt buộc phải tranh luận. Kiểm sát viên dự kiến những vấn đề cần tranh luận tại phiên tòa. Đề cương tranh luận được dự thảo theo Mẫu của VKSND tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải ghi chép đầy đủ ý kiến của những người tham gia tố tụng để chuẩn bị tranh luận. Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật và lập luận để đối đáp đến cùng đối với từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác. Nếu vụ án có nhiều người bào chữa cho bị cáo hoặc những người tham gia tố tụng khác có cùng ý kiến về một nội dung thì Kiểm sát viên tổng hợp lại để đối đáp chung cho các ý kiến đó.
Trường hợp chủ tọa phiên tòa đề nghị Kiểm sát viên đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác chưa được tranh luận thì Kiểm sát viên thực hiện theo đề nghị của chủ tọa phiên tòa, nếu đã tranh luận một phần thì Kiểm sát viên tranh luận bổ sung cho đầy đủ, không lặp lại những nội dung đã tranh luận trước. Trường hợp cần xem xét thêm chứng cứ, Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc xét hỏi thì sau khi xét hỏi xong Kiểm sát viên phải tiếp tục tranh luận.
Khi tranh luận, Kiểm sát viên phải bình tĩnh, khách quan và tôn trọng ý kiến của những người tham gia tố tụng, ghi nhận ý kiến đúng đắn và bác bỏ những ý kiến, đề nghị không có căn cứ pháp luật.
Một số tình huống tranh luận thường gặp
Thứ nhất, bị cáo cho rằng mình không phạm tội
Bị cáo, người bào chữa nêu quan điểm hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm, mà thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ…, từ đó đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội. Trường hợp này, Kiểm sát viên phải nắm vững, phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể, phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra; lựa chọn, viện dẫn các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quan điểm của bị cáo, người bào chữa là không có căn cứ.
Ví dụ: Bị cáo, người bào chữa tranh luận cho rằng Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội Cố ý gây thương tích là oan, lý do: thiệt hại về sức khỏe của bị hại dưới 11% và bị cáo không biết bị hại là người dưới 16 tuổi. Kiểm sát viên đã viện dẫn, phân tích quy định của BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015, công bố kết luận giám định, giấy khai sinh của bị hại, rồi khẳng định, mặc dù bị hại chỉ bị tổn hại sức khỏe 6% nhưng do bị cáo gây thương tích đối với người dưới 16 tuổi (bị hại mới 15 tuổi), không phụ thuộc bị cáo có biết bị hại là người dưới 16 tuổi hay không nên hành vi của bị cáo đã phạm vào tội Cố ý gây thương tích thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 134 BLHS.
Thứ hai, bị cáo, bị hại cho rằng bị cáo phạm một tội khác
Bị cáo, người bào chữa thừa nhận phạm tội nhưng là một tội khác nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố như phạm tội Cưỡng đoạt tài sản chứ không phải Cướp tài sản, Cố ý gây thương tích chứ không phải Giết người. Ngược lại, bị hại, người bảo vệ quyền lợi của họ lại tranh luận theo hướng hành vi của bị cáo cấu thành tội nặng hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố như Giết người chứ không phải Cố ý gây thương tích. Trường hợp này, trước hết, Kiểm sát viên phân tích dấu hiệu cấu thành của tội danh mà Viện kiểm sát truy tố, lựa chọn và đưa ra các tài liệu, chứng cứ xác đáng, trọng tâm để chứng minh hành vi của bị cáo đã phạm vào tội danh mà Viện kiểm sát truy tố, sau đó nhắc lại và phản bác đầy đủ các ý kiến không có căn cứ, trái pháp luật của bị cáo, người bào chữa, bị hại, người bảo vệ quyền lợi của bị hại.
Thứ ba, bị cáo, bị hại không đồng ý với khoản, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà Viện kiểm sát truy tố
Bị cáo, người bào chữa thường không đồng ý với khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà Kiểm sát viên đưa ra, đề nghị bổ sung thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Bị hại, người bảo vệ quyền lợi của bị hại thì lại cho rằng cần phải áp dụng thêm tình tiết tăng nặng đối với bị cáo, không có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo, người bào chữa đã đưa ra.
Trường hợp này, Kiểm sát viên không chỉ phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm của tội đang truy tố, mà còn phải phân tích các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà bị cáo, bị hại đưa ra, viện dẫn các tài liệu, chứng cứ kèm theo số bút lục để giải thích rõ cho bị cáo, bị hại thấy việc truy tố bị cáo tại điểm, khoản cụ thể, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật, xuất phát từ nhân thân của bị cáo (bị cáo tái phạm), hành vi của bị cáo gây ra thiệt hại lớn, thủ đoạn phạm tội gây nguy hiểm cho nhiều người, bị hại là trẻ em…
Ví dụ: Viện kiểm sát truy tố bị cáo A theo điểm h khoản 2 Điều 134 BLHS, bị cáo không đồng ý, cho rằng hành vi của mình chỉ phạm vào khoản 1. Kiểm sát viên đã phân tích quy định của BLHS về Tội cố ý gây thương tích, viện dẫn quy định hướng dẫn về tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ, sau đó chỉ cho bị cao thấy rõ, giữa bị cáo và bị hại không quen biết, không có mâu thuẩn gì, bị hại chỉ nhìn bị cáo mà bị cáo đã dùng dao gây thương tích cho bị hại là có tính chất côn đồ, từ đó khẳng định, Viện kiểm sát truy tố bị cáo theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 134 BLHS là có căn cứ.
Thứ tư, bị cáo, người tham gia tố tụng khác cho rằng quá trình điều tra, truy tố có vi phạm pháp luật
Trong trường hợp bị cáo, người tham gia tố tụng khác có ý kiến cho rằng quá trình điều tra, truy tố có vi phạm pháp luật, chẳng hạn: việc khám nghiệm hiện trường không có người chứng kiến, Điều tra viên bức cung, mớm cung, kết luận giám định không khách quan, từ đó đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung, Kiểm sát viên cần tập trung tranh luận, cần thiết có thể đề nghị Hội đồng xét xử quyết định trở lại phần xét hỏi để làm rõ xem thực sự có vi phạm xảy ra hay không? Nếu có thì vi phạm đó là gì, ở hoạt động điều tra nào, được thể hiện tại chứng cứ, tài liệu cụ thể nào trong hồ sơ vụ án; xem xét vi phạm có làm thay đổi bản chất của vụ án, có cần hoãn phiên tòa để xác minh hay trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không? Từ đó, Kiểm sát viên xem xét, xử lý như sau:
- Nếu hoạt động điều tra, truy tố không có vi phạm gì, Kiểm sát viên lập luận trên cơ sở quy định của pháp luật và bác bỏ ý kiến của bị cáo, người tham gia tố tụng khác.
- Nếu thật sự có vi phạm nhưng vi phạm đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, có thể khắc phục được tại phiên tòa thì Kiểm sát viên đề nghị hướng khắc phục.
- Trường hợp có vi phạm nghiêm trọng, thuộc các trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung thì Kiểm sát viên cũng cần ghi nhận ý kiến của bị cáo, người tham gia tố tụng khác, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung để điều tra, làm rõ.
Ngoài các tình huống nêu trên, thực tế còn xảy ra các tình huống tranh luận khác vềloại hình phạt, mức hình phạt, việc bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng…Do đó, Kiểm sát viên phải nắm vững các quy định của pháp luật, nghiên cứu thật kỹ hồ sơ vụ án, dự kiến và xử lý đầy đủ những vấn đề có thể xảy ra mới có được sự chủ động, tự tin khi tranh luận tại phiên tòa.