Một số trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy cần được coi như hành vi phạm tội

Thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Yên Bái và Bình Dương) chiều 20/5, nhiều ĐBQH cho rằng, việc dự thảo Luật bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy là hợp lý. Mặt khác, dự thảo Luật cũng đã quy định rõ những trường hợp cụ thể mới bị xem xét khởi tố và truy cứu trách nhiệm.

Trong mỗi thời kỳ, giai đoạn cần có ứng xử phù hợp

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín đã bổ sung Tội sử dụng trái phép chất ma túy, dù tội này đã từng được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và được bãi bỏ từ năm 2010 do người sử dụng chất ma túy được pháp luật coi là người bệnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự phiên thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự phiên thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) tán thành với việc bổ sung Tội sử dụng trái phép chất ma túy, vì tình hình vi phạm pháp luật, nghiện ma túy thời gian qua diễn biến rất phức tạp, số người nghiện ma túy có xu hướng gia tăng, gây ra áp lực về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các loại tội phạm khác, như trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản… khi con nghiện “ngáo đá” và cần tiền để sử dụng ma túy.

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan điểm này, các ĐBQH Vũ Huy Khánh (Bình Dương), Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương)... cho rằng, chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta thể hiện qua chính sách hình sự là xuyên suốt, không thay đổi. Nhưng, trong từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau, yêu cầu về quản lý xã hội khác nhau nên cần có ứng xử phù hợp, nếu không sẽ gây nhức nhối trong xã hội và khó khăn cho các cơ quan quản lý.

Mặt khác, đại biểu Vũ Huy Khánh lưu ý, không phải tất cả hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đều bị coi là hành vi tội phạm. Dự thảo Luật bổ sung Điều 256a đã quy định rõ các trường hợp bị phạt tù từ 2 - 3 năm nếu sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, đang trong thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy; đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện theo quy định của Luật phòng, chống ma túy; đang trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và đã từng bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy… tái phạm tội này thì bị phạt tù từ 3 năm đến 5 năm.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị, cơ quan soạn thảo cần bổ sung báo cáo đánh giá tác động của chính sách này, xác định nguồn lực tài chính, nhân lực để thực hiện việc truy tố, xét xử và thi hành án với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

ĐBQH Vũ Huy Khánh (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Vũ Huy Khánh (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Đặt trong tương quan với các loại tội phạm về ma túy khác, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị, cần xem xét tính phù hợp của quy định mức khởi điểm hình phạt từ 2 năm tù đối với hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy” so với nhóm các hành vi, như “sản xuất trái phép chất ma túy” (Điều 248 quy định từ 2 năm đến 7 năm), “vận chuyển trái phép chất ma túy” (Điều 250 quy định từ 2 năm đến 7 năm), “mua bán trái phép chất ma túy” (Điều 251 quy định từ 2 năm đến 7 năm).
“Các hành vi sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đã nêu trên có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, việc quy định mức khởi điểm hình phạt từ 2 năm tù như nhau là chưa tương xứng”, đại biểu nêu quan điểm.

Mặt khác, theo đại biểu, nghiện ma túy là một hiện tượng bệnh lý và chưa có thuốc đặc trị hiệu quả, vì vậy đề xuất quy định mức khởi điểm của khung hình phạt cơ bản tại khoản 1, Điều 256a là “từ 1 năm đến 3 năm” là phù hợp.

Không nên bỏ tử hình với tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy

Dự thảo Luật cũng đề xuất thu hẹp hình phạt tử hình với các tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án.

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cho rằng, đề xuất tại dự thảo Luật phù hợp với xu hướng quốc tế, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, như Liên Hợp Quốc đang kêu gọi các nước thu hẹp hoặc xóa bỏ hình phạt tử hình. Việc thay thế tử hình bằng tù chung thân không xét giảm án thể hiện sự tiếp cận nhân đạo và bảo vệ quyền sống - quyền con người cơ bản. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, với Hiến pháp Việt Nam: Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định "mọi người có quyền sống" và việc hạn chế hình phạt tử hình góp phần thực hiện tinh thần này.

Đại biểu lưu ý, hình phạt tù chung thân không xét giảm án được bổ sung vào dự thảo Luật vẫn giữ được tính răn đe, đặc biệt nếu kết hợp với chế độ giam giữ nghiêm ngặt. Ngoài ra, việc bỏ tử hình có thể tránh được nguy cơ oan sai - điều mà hình phạt tử hình không thể khắc phục được nếu thi hành sai.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng, việc thu hẹp hình phạt tử hình và thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án là có cơ sở pháp lý và phù hợp với xu thế tiến bộ, nhưng cần thực hiện thận trọng, có lộ trình và phân tích kỹ từng tội danh để bảo đảm giữ vững hiệu quả răn đe và phòng ngừa; phù hợp với tâm lý xã hội; không ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lâm Hiển

“ Tội tham ô tài sản, nhận hối lộ không phải tội phạm xâm phạm tính mạng, nên có thể xử lý bằng các biện pháp khác (tù chung thân, tù chung thân không xem xét giảm án, tịch thu tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ...). Nhiều nước không áp dụng tử hình với tội tham nhũng, như các nước trong Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản... Nếu tử hình được giữ nguyên, người phạm tội có thể không chịu nộp lại tài sản hoặc che giấu hành vi, gây hiệu ứng nhân đạo, pháp trị thay vì bạo lực hình phạt”, đại biểu nói.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thành Trung đề nghị, cần cân nhắc việc bỏ án tử hình đối với tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy. Bởi, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta hiện nay vẫn rất phức tạp, mang tính xuyên quốc gia và ngày càng tinh vi với nhiều hình thức buôn bán, vận chuyển mới, số lượng ma túy vận chuyển thường rất lớn, có thể gây nguy hại cho nhiều người. Ngoài ra, tâm lý xã hội vẫn mong muốn giữ hình phạt tử hình để răn đe.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/mot-so-truong-hop-su-dung-trai-phep-chat-ma-tuy-can-duoc-coi-nhu-hanh-vi-pham-toi-10373053.html