Một số vấn đề pháp lý cần hoàn thiện trong chuẩn tiếp cận pháp luật

Những kết quả tác động từ thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với đời sống xã hội và mỗi một người dân, thực tế triển khai nhiệm vụ này bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần sớm khắc phục để bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của công dân; đồng thời để việc thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật thật sự là động lực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp cơ sở.

Thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28-7-2017 của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, thời gian qua, điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân ở nhiều địa phương được cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ các thủ tục hành chính được giải quyết đúng thời hạn, thủ tục đạt tỷ lệ cao, chủ yếu trên 90%, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính được khẳng định. Các văn bản pháp luật mới và những quy định pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống người dân được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, thường xuyên, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân.

Các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật tại cơ sở được quan tâm, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, phổ biến pháp luật của nhân dân trên địa bàn xã, phường. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng, thực hiện nghiêm túc. Điều kiện vật chất, cơ sở làm việc của chính quyền các xã, phường, thị trấn được cải thiện đáng kể với nhiều trụ sở làm việc đáp ứng về diện tích tối thiểu và trang bị máy vi tính...

Một trong những tiêu chí để đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tủ sách pháp luật

Một trong những tiêu chí để đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tủ sách pháp luật

Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về mục đích, ý nghĩa của công tác xây dựng cấp xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức thực hiện, bảo đảm nguyên tắc “Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương” (khoản 2 Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-TTg).

Thực tế cho thấy, một số chính quyền cấp cơ sở chưa thật sự quan tâm đến nhiệm vụ này và chỉ triển khai khi gắn với mục đích đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới. Một số huyện chưa chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị cấp xã tổ chức đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng như xây dựng các giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật. Sự phối hợp giữa các ngành trong triển khai các chỉ tiêu, tiêu chí và các điều kiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa đồng bộ, chưa thường xuyên, thiếu sự kết nối, còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

Một trong những tiêu chí để đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tủ sách pháp luật. Tiêu chí này được xây dựng dựa trên Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg được thay thế bởi Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13-3-2019 Thủ tướng Chính phủ, trong đó có những quy định mới so với Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg. Do đó, cần sửa đổi tiêu chí về Tủ sách pháp luật theo Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg để triển khai.

Các địa phương triển khai tổ chức đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm bảo đảm yêu cầu. Tuy nhiên, có một số địa phương không tổ chức đánh giá vì nhiều lý do mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở; hoặc có trường hợp triển khai đánh giá nhưng mang tính đối phó, hình thức, không thực chất, thiếu chính xác. Để có chế tài xử lý trong thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn, cần bổ sung các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này vào Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trong nguyên tắc thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đã nêu rõ “Kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã”. Tuy nhiên, đến nay, Quy định đã được triển khai đến năm thứ 4 nhưng để chuẩn tiếp cận pháp luật trở thành tiêu chí đánh giá ‘phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã” vẫn chưa được quy định cụ thể trong các văn bản liên quan. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mot-so-van-de-phap-ly-can-hoan-thien-trong-chuan-tiep-can-phap-luat-207340.html