Một số vấn đề pháp lý về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của quốc gia ven biển
Trong những năm gần đây, quan hệ quốc tế giữa các quốc gia ngày càng mở rộng, tăng sự giao lưu hội nhập quốc tế. Một trong những ngành nghề kinh doanh khai thác 'khoáng sản ở biển' đem lại lợi nhuận cao đó là nghề đánh bắt cá. Tuy nhiên, thực tế trên biển hiện nay cho thấy hoạt động đánh bắt cá đang diễn ra hết sức phức tạp, vi phạm những nguyên tắc, quy định của pháp luật quốc tế và quốc gia trong khai thác nguồn lợi thủy hải sản. Từ đó, gây nên những hệ quả lớn về mặt chính trị - xã hội.
Hành vi đánh bắt bất hợp pháp là các hoạt động: Được thực hiện bởi tàu thuyền nước ngoài trong các vùng biển thuộc chủ quyền hoặc quyền chủ quyền của một quốc gia mà không được quốc gia đó cho phép hoặc vi phạm các quy định pháp luật của quốc gia về vấn đề nghề cá; được thực hiện bởi tàu thuyền mang cờ một quốc gia thành viên của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực thực hiện hoạt động đánh bắt thủy sản trái với quy định của tổ chức đó về vấn đề bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản theo pháp luật quốc tế; tàu thuyền mang cờ một quốc gia là đối tác của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực thực hiện hoạt động đánh bắt thủy sản trái với quy định của tổ chức đó về vấn đề bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản theo luật pháp quốc tế.
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (viết tắt là UNCLOS) đã quy định cụ thể về các hoạt động khai thác tài nguyên thủy sản của quốc gia ven biển, cụ thể:
Thứ nhất, quyền khai thác tài nguyên cả trong các vùng biển:
Theo quy định của UNCLOS, vấn đề khai thác tài nguyên cá chủ yếu được đề cập trong quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, cụ thể là đặc quyền kinh tế. Theo đó, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật tại vùng biển này. Điều 61 UNCLOS quy định: “Quốc gia ven biển phải xác định nguồn lợi thủy sản và tổng khối lượng có thể đánh bắt trong đặc quyền kinh tế của mình”. Đồng thời, quốc gia ven biển cũng phải thực hiện các biện pháp bảo tồn và quản lý phù hợp, trên cơ sở các thông tin và kết quả nghiên cứu khoa học để đảm bảo tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế không bị khai thác một cách quá mức. Trong trường hợp quốc gia ven biển không có khả năng khai thác toàn bộ khối lượng đánh bắt được phép nêu trên, theo Điều 62 UNCLOS: “Quốc gia ven biển sẽ thông qua thỏa thuận, cho phép các quốc gia khác khai thác số dư của khối lượng cho phép đánh bắt nếu như quốc gia ven biển không có khả năng khai thác toàn bộ khối lượng cho phép này”. Ngoài quyền khai thác, UNCLOS cũng yêu cầu quốc gia ven biển phải hợp tác với các quốc gia khác trong việc bảo tồn các tài nguyên sinh vật trong vùng biển của mình.
Thứ hai, quyền tài phán đối với các hành vi vi phạm quyền chủ quyền của quốc gia ven biển trong khai thác, quản lý tài nguyên cá:
Để bảo vệ các quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với tài nguyên cá, Điều 73 UNCLOS cho phép quốc gia ven biển có thể thi hành các biện pháp cần thiết như: “...Lên tàu, kiểm tra, bắt giữ và tiến hành các thủ tục tố tụng...”. Trên thực tế, để bảo vệ các quyền chủ quyền đã được UNCLOS thừa nhận, khi xuất hiện những hành vi vi phạm về quyền khai thác tài nguyên sinh vật nói chung trong đặc quyền kinh tế, các quốc gia ven biển đã từng sử dụng các biện pháp có tính cứng rắn hơn như tịch thu tàu thuyền, thậm chí là sử dụng vũ lực.
Việt Nam là quốc gia có trên 1 triệu km² đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, giống như hầu hết các quốc gia có biển khác, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với vấn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp. Mặc dù chưa đến mức bị đánh giá là “thiếu tích cực trong phòng chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp”, tuy nhiên, hiện tượng ngư dân nước ngoài đến đánh bắt trái phép trong các vùng biển của Việt Nam và việc các tàu cá của Việt Nam tiến hành đánh bắt trái phép tại các vùng biển của các quốc gia khác đang có chiều hướng gia tăng.
Pháp luật về đánh bắt thủy sản của Việt Nam được quy định trong nhiều văn bản như: Luật Thủy sản năm 2017; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản..., trong đó, Điều 60, Luật Thủy sản đã liệt kê 14 hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp như: Khai thác thủy sản không có giấy phép; khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; khai thác thủy sản trái phép loài thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm...
Về các biện pháp xử lý vi phạm, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định: “...Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định trong vùng biển Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng”. Đồng thời, tùy vào mức độ vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả. Trong trường hợp hành vi vi phạm cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý theo các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017...
Để nâng cao ý thức pháp luật của ngư dân trong đánh bắt thủy hải sản tiến tới không còn hành vi đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp trên các vùng biển, thời gian tới, với chức năng, nhiệm vụ của mình lực lượng BĐBB, Kiểm ngư, Cảnh sát biển cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong việc đánh bắt cá trên các vùng biển. Kiểm soát chặt chẽ và kiên quyết xử lý đối với các tàu thuyền vi phạm.
Với xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay, việc thực thi tích cực các quy định pháp lý quốc tế sẽ góp phần nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Đặc biệt, với ngành thủy sản nước ta hiện nay đang trong quá trình nỗ lực gỡ "thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) thì hơn bao giờ hết, hoạt động đánh bắt cá của ngư dân cần được thực hiện một cách nghiêm túc trên cơ sở pháp luật.
Thượng úy Nguyễn Văn Tài (Viện Kiểm sát quân sự khu vực 2 BĐBP)