Một số vấn đề rút kinh nghiệm về kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại
Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm, VKSND TP Đà Nẵng nhận thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về 'Tranh chấp hợp đồng thỏa thuận bảo hiểm' giữa nguyên đơn là Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (gọi tắt là Công ty BSH) và bị đơn là Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm Petrolimex (gọi tắt Công ty PJICO) có một số vấn đề cần nêu lên để rút kinh nghiệm chung.
Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm, VKSND TP Đà Nẵng thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng thỏa thuận bảo hiểm” giữa nguyên đơn là Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (gọi tắt là Công ty BSH) và bị đơn là Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm Petrolimex (gọi tắt Công ty PJICO) có một số vấn đề cần nêu lên để rút kinh nghiệm chung.
Theo nội dung vụ án, công trình Trạm biến áp 220kV – Sông Tranh 2 (Thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) do Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc Gia (gọi tắt EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án các Công trình điện Miền Trung (gọi tắt CPMB) thay mặt cho EVNNPT điều hành quản lý dự án. Ngày 28/3/2014, Công ty BSH - đại diện bởi BSH Đà Nẵng và Công ty cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu (gọi tắt là Công ty GIC) - đại diện bởi GIC Đà Nẵng và EVNNPT – đại diện bởi CPMB ký kết hợp đồng số 015-02/14/03.LB/HD/00001 bảo hiểm mọi rủi ro trong quá trình xây dựng và lắp đặt công trình này. Liên danh bảo hiểm BSH-GIC do Công ty BSH đứng đầu với tỉ lệ 70%, GIC là nhà đồng bảo hiểm với tỉ lệ 30%.
Hợp đồng bảo hiểm gốc với số tiền bảo hiểm là 146.948.969.968 đồng. Trong phần trách nhiệm 70% của BSH tại hợp đồng bảo hiểm chính, BSH Đà Nẵng ký thỏa thuận đồng bảo hiểm cùng ngày 28/3/2014 với Công ty (PJICO) đại diện bởi PJICO Đà Nẵng. Theo đó BSH Đà Nẵng là nhà bảo hiểm đứng đầu với tỉ lệ 50% và PJICO Đà Nẵng là nhà đồng bảo hiểm với tỉ lệ 20% hợp đồng bảo hiểm gốc.
Ngày 5/11/2015, xảy ra sự cố bảo hiểm và phát sinh tổn thất đối với dự án nêu trên. CPMB đã thông báo đến Công ty BSH và đề nghị thực hiện việc bồi thường thiệt hại do sự cố gây ra. Liên danh bảo hiểm BSH - GIC thống nhất với CPMB về việc lựa chọn Công ty TNHH Vietnam International Adjuster (gọi tắt là VIA) để giám định tổn thất của sự cố.
Trên cơ sở khiếu nại của CPMB, chứng từ bảo hiểm và báo cáo giám định của VIA, BSH với tư cách là nhà bảo hiểm đứng đầu chịu trách nhiệm chính khi có tổn thất xảy ra đã thay mặt các nhà đồng bảo hiểm chi trả bồi thường tổn thất sự cố nêu trên cho CPMB với tổng số tiền là 17.948.448.804 đồng và phí giám định cho VIA là 707.814.860 đồng.
Căn cứ hợp đồng, số tiền bồi thường và chi phí giám định tổn thất nêu trên mỗi nhà đồng bảo hiểm được tính toán theo tỉ lệ như sau: Công ty BSH (50%) là 8.974.224.402 đồng và 353.907.430 đồng chi phí giám định; Công ty GIC (30%) là 5.384.534.641 đồng và 212.334.458 đồng chi phí giám định, Công ty PJICO là 3.589.689.761 đồng và 141.562.972 đồng chi phí giám định.
Tuy nhiên, chỉ có Công ty GIC thanh toán phần trách nhiệm đồng bảo hiểm cho Công ty BSH vào ngày 3/7/2019 với số tiền là 5.596.879.099 đồng. Công ty PJICO từ chối trách nhiệm phần đồng bảo hiểm theo thỏa thuận đồng bảo hiểm ngày 28/3/2014 với lý do thời hạn bảo hiểm xây dựng và lắp đặt đã kết thúc vào ngày 20/7/2015, trong khi tổn thất xảy ra vào ngày 5/11/2015 là ngoài thời hạn bảo hiểm xây dựng và lắp đặt là thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường tổn thất theo quy định của hợp đồng bảo hiểm gốc.
Do đó, BSH khởi kiện PIJICO, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc PJICO thanh toán cho BSH số tiền tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm (21/4/2022) là 4.913.116.000 đồng.
Bản án sơ thẩm ngày 21/4/2022 của TAND quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã quyết định áp dụng khoản 1 Điều 10, Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm; Điều 26 của Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về việc "Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, sử dụng án phí lệ phí Tòa án" của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của BSH về việc yêu cầu PJICO thanh toán lại tiền bồi thường tổn thất Trạm biến áp 220kV Sông Tranh 2 với tổng số tiền là 4.913.116.000 đồng. Buộc Công ty BSH phải chịu án 112.913.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Ngoài ra, bản án còn tuyên quyền kháng cáo của các bên đương sự.
Ngày 4/5/2022, Công ty BSH kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Ngày 6/6, VKSND TP Đà Nẵng kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và nội dung giải quyết vụ án, dẫn đến việc giải quyết vụ án thiếu căn cứ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Tại phiên tòa phúc thẩm, VKSND TP Đà Nẵng rút kháng nghị về phần tố tụng và thay đổi hướng kháng nghị từ hủy bản án sang sửa bản án.
Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 28/2022/KDTM-PT ngày 8/9/2022 của TAND TP Đà Nẵng đã chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và quan điểm đề nghị của VKSND TP Đà Nẵng. Theo đó, HĐXX tuyên sửa toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 09/2022/KDTM-ST ngày 21/4/2022 của TAND quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty BSH.
Buộc Công ty PJICO có nghĩa vụ thanh toán lại cho Công ty BSH số tiền 4.913.116.000 đồng. Trong đó, số tiền Công ty BSH đã bồi thường cho CPMB và chi phí giám định là 3.731.252.733 đồng, tiền lãi chậm trả tính đến ngày 15/4/2022 là 1.181.863.365 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn lại phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của BLDS, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về nghĩa vụ án phí sơ thẩm, án phí phúc thẩm.
Qua công tác kiểm sát, VKSND TP Đà Nẵng thấy việc giải quyết vụ án có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Căn cứ thỏa thuận của các bên tại hợp đồng số 015-02/14/03.LB/HD00001 ngày 28/3/2014 và thỏa thuận đồng bảo hiểm cùng ngày 28/3/2014 thì đối tượng bảo hiểm là Trạm biến áp 220KV Sông Tranh 2. Người được bảo hiểm là chủ đầu tư Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, đại diện cho chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung.
Theo quy định tại Điều 5 của hợp đồng, thời hạn bảo hiểm xây dựng và lắp đặt là từ khi công trình được khởi công đến ngày hoàn thành bàn giao công trình và đưa vào sử dụng (dự kiến 18 tháng, từ ngày 20/1/2014 đến ngày 20/7/2015). Giai đoạn bảo hiểm xây dựng và lắp đặt chỉ kết thúc khi các bên ký biên bản hoàn thành giai đoạn bảo hiểm xây dựng và lắp đặt. Nếu sau ngày hoàn thành dự kiến, công trình vẫn chưa hoàn thành và hai bên chưa ký biên bản hoàn thành giai đoạn bảo hiểm xây dựng và lắp đặt thì công trình mặc nhiên vẫn chưa chuyển sang giai đoạn bảo hiểm bảo hành.
Tại Điều 7 Hợp đồng quy định bảo hiểm mọi rủi ro thiệt hại vật chất và bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ 3 trong quá trình thực hiện công trình Trạm biến áp 220KV Sông Tranh 2.
Sự kiện bảo hiểm xảy ra tại Trạm biến áp 220KV Sông Tranh 2 vào ngày 5/11/2015 có thuộc thời hạn và trách nhiệm bồi thường tổn thất của người bảo hiểm hay thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Công trình Trạm biến áp 220KV Sông Tranh 2 gồm nhiều hạng mục thi công, xây dựng như: Trạm biến áp 220KV, hệ thống bảo vệ trạm biến áp như mái taluy dương,… Theo biên bản đóng điện ngày 20/7/2015 thì phía Trạm biến áp 220KV vẫn chưa được vận hành mang tải..
Sau ngày 20/7/2015 đến 5/11/2015 ngày xảy ra sự cố thì hạng mục mái taluy dương vẫn đang tiếp tục thi công với khối lượng thực hiện được khoảng 200m3 rọ đá, còn lại gần 200m3 rọ đá chưa thi công. Ngoài việc tiếp tục thi công mái taluy dương, từ ngày ký biên bản đóng điện ngày 20/7/2015 đến ngày 5/11/2015 đơn vị thi công vẫn tiếp tục hoàn thiện các hạng mục của Trạm biến áp 220KV. Đại diện Công ty CPMB cũng xác định biên bản đóng điện ngày 20/7/2015 không phải là căn cứ xác định công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Đến thời điểm xảy ra sự cố ngày 11/5/2015, giữa CPMB và BSH không có bất kỳ biên bản, tài liệu nào xác định Trạm biến áp 220 Sông Tranh 2 đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt và bàn giao đưa vào sử dụng.
Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, năm 2018) thì thiệt hại xảy ra tại bộ phận mái taluy thuộc công trình Trạm biến áp Sông Tranh 2 là thuộc hệ thống bảo vệ công trình điện lực, là đối tượng bảo hiểm theo thỏa thuận tại mục 3.1 của hợp đồng bảo hiểm số 015-02/14/03.LB/HD/00001. Tổn thất xảy ra trong thời gian thi công và hoàn thiện mái taluy.
Ngày 5/11/2015, xảy ra sự cố bảo hiểm là sau ngày hoàn thành dự kiến 20/7/2015 tuy nhiên công trình vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng nên BSH và CPMB chưa ký biên bản hoàn thành việc xây dựng và lắp đặt theo quy định tại Điều 123, Điều 124 Luật xây dựng. Thực tế, ngày 20/11/2020 CPMB và BSH mới ký Biên bản hoàn thành giai đoạn bảo hiểm xây dựng và lắp đặt. Theo đó, các bên thống nhất công trình Trạm biến áp 220KV Sông Tranh 2 đã hoàn thành giai đoạn bảo hiểm xây dựng, lắp đặt kể từ ngày 18/11/2020 và chuyển sang giai đoạn bảo hiểm bảo hành kể từ ngày 18/11/2020 đến hết ngày 18/11/2022. Do đó, ngày 5/11/2015 xảy ra sự cố tại công trình Trạm biến áp 220KV Sông Tranh 2 là nằm trong giai đoạn bảo hiểm xây dựng và lắp đặt theo thỏa thuận tại Điều 5 Hợp đồng bảo hiểm. Tại thời điểm đóng điện ngày 20/7/2015, chưa có việc nghiệm thu và bàn giao công trình nên sự cố sạt lở taluy là nằm trong thời hạn và trách nhiệm bảo hiểm của liên danh bảo hiểm.
Từ những phân tích trên, có đủ căn cứ xác định tổn thất xảy ra tại công trình Trạm biến áp Sông Tranh 2 thuộc trách nhiệm bảo hiểm của BSH nên PIJICO phải hoàn trả theo tỉ lệ đồng bảo hiểm số tiền bảo hiểm mà BSH đã chi trả, tiền chi phí giám định và tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Tòa án sơ thẩm chấp nhận ý kiến trình bày của bị đơn Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội là không có căn cứ. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo, kháng nghị sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội; buộc Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex phải thanh toán cho Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội số tiền 4.913.116.000 đồng và chịu án phí theo quy định pháp luật.
Khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án Kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”, Kiểm sát viên cần phải lưu ý và kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng pháp luật và đánh giá chứng cứ của Tòa án. Đồng thời, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hợp đồng và các thỏa thuận trong hợp đồng, nhất là thời hạn và trách nhiệm bảo hiểm; có thể sự kiện bảo hiểm xảy ra khi thời hạn bảo hiểm đã hết, nhưng cần đánh giá chính xác các giai đoạn bảo hiểm kết thúc khi nào? Có hay không có thỏa thuận việc ký biên bản hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao để từ đó xác định chính xác thời hạn và trách nhiệm bảo hiểm.
Trên đây là một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng thỏa thuận bảo hiểm" mà VKSND TP Đà Nẵng thấy cần nêu lên để rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ.