Một số xu hướng đáng chú ý của thị trường lao động Mỹ trong năm 2024

Năm nay, thị trường lao động Mỹ có xu hướng 'hạ nhiệt' trong bối cảnh chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang khiến chi phí vay đắt hơn, theo đó một số hoạt động kinh tế bị chững lại.

Người tìm việc tại một hội chợ việc làm ở Sunrise, bang Florida (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người tìm việc tại một hội chợ việc làm ở Sunrise, bang Florida (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường lao động Mỹ trong năm 2024 được dự báo sẽ có một số xu hướng đáng chú ý với tốc độ tăng trưởng việc làm sẽ chậm lại.

Theo các chuyên gia, đầu tiên là xu hướng "hạ nhiệt" của thị trường lao động Mỹ dưới tác động của chính sách lãi suất. Chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến chi phí vay đắt hơn, theo đó một số hoạt động kinh tế bị chững lại.

Nhiều ngành công nghiệp từng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động thời kỳ đại dịch COVID-19 thì nay đã đảm bảo có đủ nguồn nhân lực, khiến việc tuyển dụng không còn là vấn đề cấp bách nữa.

Trong khi đó, người nhập cư gia tăng cũng bổ sung thêm vào nguồn lao động sẵn có. Cuối năm 2023, nhiều người lao động đã ngừng "nhảy việc" trong khi người sử dụng lao động thuê ít lao động hơn nhưng tỷ lệ sa thải vẫn ở mức thấp. Do vậy, các chuyên gia nhận định thị trường lao động Mỹ trong năm 2024 sẽ bớt sôi động hơn.

Thứ hai là tăng trưởng việc làm sẽ tập trung nhiều hơn ở một số ít ngành nghề như chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội (gồm nhân viên chăm sóc trẻ em, hỗ trợ chăm sóc tại nhà và nhân viên xã hội), giải trí và khách sạn, những vị trí việc làm tại chính quyền bang và địa phương.

Ngoài những lĩnh vực này, hoạt động tuyển dụng sẽ chậm lại đáng kể và bị thu hẹp ở một số khu vực. Ngoài ra, mức tăng lương hiện tại vẫn chưa phù hợp với mục tiêu lạm phát 2% mà Fed đặt ra. Điều đó có nghĩa tăng trưởng việc làm sẽ phải chậm hơn nữa để đưa thị trường lao động về trạng thái cân bằng tốt hơn.

Một trong những điểm đáng chú ý nữa của thị trường lao động Mỹ là việc tuyển dụng những vị trí làm việc tạm thời đã có xu hướng đi xuống trong hơn một năm qua. Nhìn chung, các công ty đều do dự về việc sa thải nhân viên do khó tìm và giữ chân người lao động.

Theo bà Ellen Zentner, nhà kinh tế trưởng tại Morgan Stanley, tình trạng thất nghiệp khó có thể tăng đáng kể do các công ty dè dặt trong việc sa thải người lao động.

Tình trạng thiếu lao động và chi phí cao trong việc luân chuyển lao động trong nhiều năm qua khiến các công ty thận trọng trong việc sa thải công nhân ngay cả khi tăng trưởng kinh tế chậm lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/mot-so-xu-huong-dang-chu-y-cua-thi-truong-lao-dong-my-trong-nam-2024-post920217.vnp