Một tấm gương nhân sĩ lớn

Trong bài diễn văn kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định cụ là một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo mẫn cán của Chính phủ, người cộng sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ Việt Nam với tinh thần vì nước vì dân, xả thân vì nghĩa lớn.

Sự nghiệp vẻ vang

Trong tâm thức người dân Việt Nam, cụ Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương quan thanh liêm, được kính trọng, biết ơn bởi những đóng góp lớn lao cho dân tộc và sự nghiệp cách mạng. Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ, được Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc và UBND thành phố Hà Nội đồng tổ chức với sự có mặt của hơn 1.000 đại biểu các ban ngành tham dự đã diễn ra long trọng. Phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội) Bùi Bằng Đoàn là người có tri thức uyên bác, 17 tuổi đã đỗ Cử nhân, sau đó tốt nghiệp thủ khoa Trường Hậu Bổ. Làm quan trong triều đình Huế, từ Tri huyện tập sự ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, đến Án sát tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bố chính tỉnh Phúc Yên, rồi Tuần phủ tỉnh Cao Bằng, tỉnh Ninh Bình... cụ nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực.

Chương trình văn nghệ Lễ kỷ niệm

Chương trình văn nghệ Lễ kỷ niệm

Ngay trên công đường, cụ cho treo bảng thông báo công khai “không nhận quà biếu” và yêu cầu người nhà không nhận quà biếu. Khi làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), cụ là người đã đề xuất và tổ chức đắp con đê Bạch Long để ngăn nước mặn, tạo ra một vùng đất đai rộng lớn, màu mỡ cho nhân dân trồng lúa, trồng dâu. Ghi nhận công đức to lớn của cụ, nhân dân địa phương đã tổ chức lễ tế sống vị “Phụ mẫu chi dân” ngay tại nơi cụ về nhậm chức và làm việc

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta phải luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của nhân dân và của Đảng lên trên hết; tăng cường sự đoàn kết thống nhất để giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Noi gương cụ, chúng ta nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn đã lựa chọn, ra sức xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng tiên liệt vì sự trường tồn, phát triển của quốc gia và dân tộc.

Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 19/9/1889 trong một gia đình nhà nho tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là thành phố Hà Nội) - làng quê có truyền thống văn hiến, với những danh nhân khoa bảng được ghi trong sử sách.

Ông nội cụ là tiến sĩ Bùi Tuấn, hàm Thái tử Thiếu bảo, từng là giám khảo các kỳ thi Hương, giữ chức Tả Tham tri Bộ Binh kiêm Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh. Cha là Bùi Tập, từng giữ chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa (một tỉnh cũ dưới thời Pháp thuộc). Do cha mẹ đều mất sớm, ngay từ nhỏ, Bùi Bằng Đoàn được người chú dượng là Dương Lâm (tức cụ Thiếu bảo Vân Đình lúc đó làm Tham tri Nha Kinh lược Bắc Kỳ) đưa về nuôi dưỡng và dạy học chữ Hán. Năm Bính Ngọ (1906), dưới triều Vua Thành Thái, tại khoa thi Hương trường Hà Nam, Bùi Bằng Đoàn đỗ cử nhân. Cùng năm ấy, phong trào Tây học rộ lên, được tuyển sinh vào trường Hậu Bổ - trường chuyên dạy và học bằng tiếng Pháp.

Năm 1911, Bùi Bằng Đoàn tốt nghiệp trường Hậu Bổ, Hà Nội, được bổ làm Tri huyện, sau đó làm Tri phủ Xuân Trường (tỉnh Nam Định), Án sát tỉnh Bắc Ninh; Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. Năm 1933, cụ được nhà Nguyễn tuyên triệu vào Triều đình Huế làm việc và được giữ chức Thượng thư Ngự Tiền, Văn phòng Nam Triều (1934), rồi làm Thượng thư bộ Hình (Bộ Tư pháp); sung Cơ mật viện Đại thần, hàm Chánh nhị phẩm và được thăng Hiệp tá Đại học sĩ hàm Tùng nhất phẩm, sau đó ít lâu được phong hàm Chánh phẩm.

Năm 1944, Bùi Bằng Đoàn được nhà Vua ban tặng hàm Thái tử Thiếu bảo và tham gia Viện Cơ mật của Triều đình Huế. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập Chính phủ, Trần Trọng Kim được đưa lên làm Thủ tướng Chính phủ. Thượng thư bộ Hình Bùi Bằng Đoàn đã từ chối tham gia chính phủ bù nhìn, cáo quan về sống ở Hà Đông, nhưng Chính phủ Nam Triều đã mời ở lại và giao giữ chức Chánh nhất Tòa Thượng thẩm ở Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 17/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia Ban Cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đất nước. Theo Sắc lệnh số 80/SL số 31/12/1945, cụ được cử làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Khơi dậy tinh thần cống hiến

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam luôn noi gương các bậc cha ông, nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập, rèn luyện, tích cực cống hiến để chung tay vào sự phát triển của đất nước. Hàng triệu sinh viên, học sinh, sĩ quan trẻ, công nhân, đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên… đã và đang hăng say học tập, dựng xây các công trình, mang tấm lòng thiện nguyện đến giúp đỡ vùng dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu vùng xa, đồng bào bị thiên tai.

Đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu tại buổi lễ, bạn Nguyễn Mai Anh, cán bộ Ban Tuyên giáo Thành Đoàn Hà Nội chia sẻ: “Với những gì được học, được tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của cụ Bùi Bằng Đoàn, chúng tôi rất tự hào và ngưỡng mộ về một người con ưu tú của Hà Nội, một con người vươn lên bằng con đường học vấn, một vị quan thanh liêm, chính trực, yêu nước thương dân. Tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của cụ Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương sáng để mỗi người dân Việt Nam và tuổi trẻ Việt Nam kính trọng và noi theo”. Bạn Mai Anh nhấn mạnh: “Bản thân tôi nhiều năm qua đã nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, bước đầu có được những thành tích nhất định, được Đảng bộ Trung ương Đoàn chứng nhận là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017; là thủ khoa xuất sắc của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam năm 2018; tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, hoạt động tình nguyện, hội nhập quốc tế. Những thành tích tuy còn khiêm tốn nhưng tôi cũng thấy tự hào khi mình được đóng góp một phần nhỏ cùng với thanh niên cả nước làm giàu thành tích của tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập”.

Ở bất cứ cương vị nào, cụ Bùi Bằng Đoàn cũng thể hiện là một tấm gương sáng, trọn đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ghi nhận những cống hiến và công lao, đóng góp to lớn của cụ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã truy tặng cụ Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương độc lập hạng Nhất.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn là dịp để chúng ta ôn lại chặng đường lịch sử đất nước và thêm lần nữa khẳng định tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tầng lớp nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước cùng nhau dốc lòng cống hiến cho đất nước trong giai đoạn sắp tới.

Thụy Oanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/mot-tam-guong-nhan-si-lon-92363.html