Một tay làm đẹp cho đời
Với một cánh tay còn lại, chị tiếp tục say mê làm đẹp cho cuộc đời bằng nghề cắt tóc. Cái nghề không quá khó khăn phức tạp nhưng cũng không dễ dàng với người phụ nữ một tay như chị, dù đây là nghề gia truyền nhiều đời.
Từ vụ tai nạn giao thông, chị mất đi một cánh tay và người chồng bội bạc cũng bỏ chị cùng hai đứa con nhỏ dại. Thế nhưng, thay vì đau buồn, chị Lê Thị Kim Trâm (42 tuổi, ngụ ở phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM) lại đứng dậy mạnh mẽ. Với một cánh tay còn lại, chị tiếp tục say mê làm đẹp cho cuộc đời bằng nghề cắt tóc. Cái nghề không quá khó khăn phức tạp nhưng cũng không dễ dàng với người phụ nữ một tay như chị, dù đây là nghề gia truyền nhiều đời.
Biến cố cuộc đời
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Khánh Hòa, năm 15 tuổi chị Trâm đã theo người thân vào TP HCM sinh sống với nhiều thứ nghề khác nhau. Sau khi lấy chồng, chị mở một tiệm hớt tóc nho nhỏ vì đây là “nghề gia truyền” của gia đình chị với 4 đời đều có người làm nghề cắt tóc.
Thế nhưng, biến cố cuộc đời tới vào năm 2016, khi đang chạy xe về tỉnh Đồng Nai có công việc thì chị va chạm với một xe gắn máy khác rồi ngã ra đường. Ngay lúc đó, một chiếc xe tải phía sau chạy tới, cán lên người chị khiến cánh tay trái bị đứt lìa. Vụ tai nạn buộc chị phải nằm viện suốt nhiều tháng liền.
Nhưng khi mà vết thương trên cơ thể chưa lành hẳn, chị lại phải nhận vết thương khác cũng đau đớn không kém bởi người chồng bao năm đầu ấp tay gối đã quyết định ly hôn với chị. Mất cánh tay, mất chồng trong khi hai người con còn rất nhỏ (lúc đó 6 và 11 tuổi) đã làm chị tưởng chừng như gục ngã.
Thậm chí, chị từng nghĩ sẽ quyên sinh vì những biến cố quá lớn ấy. Nhưng rồi vì thương con, vì quyết tâm làm lại cuộc đời đã giúp chị tiếp tục sống.
Chia sẻ cùng chúng tôi, chị Kim Trâm bảo ngay cả khi chiếc xe tải cán qua người còn không giết được chị thì sao chị lại phải tự chấm dứt đời mình. Thế rồi, chị bắt đầu lại cuộc sống của mình vẫn bằng nghề cắt tóc. Ban đầu, chị thuê thêm người nữa làm thợ phụ cắt tóc cùng mình. Tuy nhiên, từ suy nghĩ, quyết tâm cho tới thực tế cuộc sống là một khoảng cách rất lớn.
“Những ngày bắt đầu lại, mọi thứ đều khó khăn vô cùng. Với 1 cánh tay còn lại, tôi gần như không thể làm được việc gì. Bởi cắt tóc không chỉ đơn giản là cầm kéo mà có nhiều công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn lại phải sử dụng một công cụ khác nhau. Như cắt thì dùng kéo, tông đơ rồi cạo thì phải dùng dao nam. Rồi còn phải tỉa, phải sửa lại tùy theo từng kiểu tóc, từng sở thích của khách hàng khác nhau nữa. Ngay cả kéo, tông đơ cũng có mấy loại, tùy từng người, từng kiểu tóc mà sử dụng. Nếu là người bình thường, công việc cũng không có gì khó khăn nhưng khi chỉ còn 1 tay như tôi, ngay cả gài cái lưỡi dao nam vào bàn cạo cũng vô cùng khó khăn. Mà cái răng cái tóc là góc con người. Mình chỉ làm sai một chút thôi là gương mặt khách như bị biến dạng ngay” - chị Trâm chia sẻ.
Khi chị mở tiệm trở lại, nhiều khách quen từ trước khi chị bị tai nạn tới cắt nhưng nhìn chị chỉ còn 1 tay, nhiều người đã từ chối. Bởi họ không tin rằng chỉ với 1 cánh tay, chị có thể cắt được một mái tóc ưng ý. Và đúng như những khách hàng đã nghĩ, khoảng vài tháng đầu tiên khi quay trở lại công việc, chị gần như cảm thấy tuyệt vọng vì bản thân mình không xử lý được những suy nghĩ trong đầu.
Và không còn cách nào khác ngoài việc chị phải tập luyện nhiều, thật nhiều hơn cả lúc mới vào nghề hồi còn trẻ. Với một cánh tay, việc cắt tóc rất khó khăn vì cứ luôn “thiếu thiếu” một cái gì đó. Nhiều người khách tới cắt tóc vì biết hoàn cảnh của chị, thương cho chị nhưng rồi họ lại phải tới tiệm tóc khác để sửa lại vì những nhát kéo, tông đơ, lưỡi cạo không đều. Chị biết và càng lấy đó làm động lực để cố gắng hơn.
Cũng trong thời gian này, vì tiệm ít khách nên những thợ phụ của chị lần lượt nghỉ việc, tới tiệm khác để làm việc cho có thêm thu nhập. Lúc này, chị đã nghĩ phải bỏ nghề, chuyển qua nghề giữ trẻ hay công việc khác để có tiền nuôi hai con ăn học. Nhưng không hiểu vì lý do gì, chị lại tiếp tục gắn bó với công việc cắt tóc.
Để có thu nhập, ngoài cắt tóc chị còn mở thêm dịch vụ gội đầu cho khách nữ và giảm giá chỉ còn một nửa nếu khách hàng không ưng ý khi chị cắt. Dần dà, chừng hơn nửa năm sau khi bắt đầu lại, chị Trâm đã quen với công việc cũ mà rất mới của mình.
Chăm chút cho đời
Hiện nay, tiệm cắt tóc của chị đồng thời là nơi thuê trọ sinh sống của ba mẹ con nằm trong con hẻm nhỏ của đường Nguyễn Cư. Rất nhiều khách trong vùng đến nay đã quen thuộc với tiệm của chị cũng như cảm thấy hoàn toàn an tâm, tin tưởng khi chị cắt tóc. Thậm chí, việc cắt tỉa, cạo mặt gội đầu hay lấy ráy tai, chị đều khá thành thạo.
Anh Thành Hoa, một người dân ngụ ở phường Thảo Điền cho biết anh là khách quen thường xuyên cắt tóc ở tiệm của chị.
“Mấy năm trước tôi lần đầu ghé đây cắt tóc, thấy chủ tiệm chỉ có một cánh tay thì hơi giật mình, băn khoăn không biết có cắt được hay không. Như hiểu ý khách, chị chủ tiệm tươi cười bảo yên tâm nên mình cắt. Không ngờ chị cắt tóc rất đẹp, chỉn chu và tỉ mỉ lắm. Bình thường các tiệm khác người ta chỉ làm chừng hơn 30 phút là xong để còn làm cho người khác thì ở tiệm của chị Kim Trâm, thời gian phải mất chừng một giờ đồng hồ” - anh Hoa cho biết thêm.
Theo chị Kim Trâm, công việc hiện nay cũng đủ cho chị trả tiền thuê nhà, đóng tiền học cho hai con và chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.
“Điều đáng mừng với mình là cả hai con đều hiểu và chia sẻ với mẹ rất nhiều. Các con đều chăm học và sau thời gian ở trường đã biết phụ giúp cho chị những công việc lặt vặt vì biết mẹ khó khăn trong xử lý công việc. Đặc biệt là mình không thể chạy xe máy nên việc đi học các con phải tự đi xe buýt tới trường cũng như không thể chở các con đi chơi đâu cả. Hiện nay, hai con cũng đã lớn nên nhiều thứ không còn quá vất vả như mấy năm trước nữa. Giờ chỉ hy vọng có sức khỏe để làm việc, chăm sóc các con mà thôi” - chị Trâm tâm sự.
Tiệm cắt tóc của chị Kim Trâm nhận cắt tóc gội đầu, lấy ráy tai cho cả khách hàng nam lẫn nữ. Thậm chí, nhiều phụ nữ tới tiệm chị nhuộm, uốn tóc luôn. Với mức giá bình dân hơn các tiệm khác trong vùng nên dù nằm khuất trong con hẻm nhỏ, tiệm của chị vẫn có lượng khách ổn định lui tới.
Nhìn chị thoăn thoắt quấn chiếc khăn choàng màu xanh quanh cổ một phụ nữ mới bước vào tiệm cắt tóc, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Rồi cũng rất nhanh, sau vài câu trao đổi, chị lấy tông đơ bắt đầu lướt nhẹ. Rồi chị lấy kéo, cũng chỉ bằng một tay tỉa đi tỉa lại những lọn tóc. Chờ cho tới khi xong việc, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi người phụ nữ tóc dài mới vào tiệm bây giờ bước ra đã là một người tóc ngắn, trẻ trung và gần như khác biệt hoàn toàn!
…Vụ tai nạn buộc chị phải nằm viện suốt nhiều tháng liền. Nhưng khi mà vết thương trên cơ thể chưa lành hẳn, chị lại phải nhận vết thương khác cũng đau đớn không kém bởi người chồng bao năm đầu ấp tay gối đã quyết định ly hôn với chị. Mất cánh tay, mất chồng trong khi hai người con còn rất nhỏ (lúc đó 6 và 11 tuổi) đã làm chị tưởng chừng như gục ngã. Thậm chí, chị từng nghĩ sẽ quyên sinh vì những biến cố quá lớn ấy. Nhưng rồi vì thương con, vì quyết tâm làm lại cuộc đời đã giúp chị tiếp tục sống.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mot-tay-lam-dep-cho-doi-548031.html