Một Tết Trung thu đặc biệt

Chỉ ngày mai đã là Tết Trung thu. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tết Trung thu không rộn ràng tiếng trống ếch, không nhộn nhịp bởi đèn hoa sặc sỡ… Tuy vậy, với mỗi người, mỗi gia đình đều có cách riêng để đón Tết của trẻ em trong không khí ấm cúng, đảm bảo các điều kiện an toàn nhất.

Tặng quà trung thu cho trẻ em đang trong khu cách ly tập trung. Ảnh: Minh Quang

Tặng quà trung thu cho trẻ em đang trong khu cách ly tập trung. Ảnh: Minh Quang

Chị Phương Hà, ở phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) vốn khéo tay. Những năm trước, chị Hà vẫn tự làm bánh tại nhà vào mỗi dịp Tết Trung thu. Năm nay, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không có nhiều hoạt động vui Tết Trung thu cho con trẻ, chị Hà quyết định cho các con cùng tham gia làm bánh với mình.

"Khi làm bánh, tôi vừa có thể kể cho con nghe về những giá trị truyền thống của ngày Tết Trung thu, những thức quà không thể thiếu trong mâm cỗ trông trăng và dạy con cách làm bánh truyền thống. Cách giáo dục này đơn giản, song lại khá hấp dẫn các con. Tôi chia nhiệm vụ mỗi người một công đoạn, từ nhào bột, làm nhân bánh, đúc khuôn… rồi hồi hộp chờ đợi mẻ bánh đầu tiên ra lò, tận tay đi biếu ông bà để bày tỏ lòng hiếu nghĩa. Các con tôi rất thích thú và phấn chấn. Đây cũng là Tết Trung thu cũng vẹn tròn ý nghĩa đối với gia đình tôi rồi"- chị Hà chia sẻ.

Đối với chị Thúy Hoa, giáo viên trường THCS Gia Phương (huyện Gia Viễn), năm nay việc chuẩn bị Tết Trung thu cho gia đình cũng có nhiều điều đặc biệt. Chị Hoa cho biết, Tết Trung thu là dịp để mọi người, mọi gia đình, cơ quan, đoàn thể, cộng đồng và toàn xã hội dành cho các em thiếu nhi những tình cảm yêu thương, sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt.

Năm nào vào dịp này, tôi cũng cố gắng chuẩn bị cho con trẻ một mâm cỗ trông trăng thật tươm tất, mua cho con những đồ chơi con yêu thích, đưa con đi tham gia các chương trình vui hội đêm rằm do Đoàn xã tổ chức…

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mọi hoạt động vui chơi đã phải ngừng lại. Các bạn nhỏ hẳn sẽ có hụt hẫng, nhưng theo tôi, những bậc làm cha mẹ vẫn có thể cho con một trải nghiệm khác về Tết Trung thu.

Còn nhớ, tuổi thơ của thế hệ chúng tôi làm gì có nhiều thứ đồ chơi đẹp đẽ, lộng lẫy như bây giờ, cũng không có nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt, nhưng vẫn đẹp, vẫn vui, vẫn ngập tràn cảm xúc. Bây giờ, mỗi dịp tới Tết Trung thu, tôi lại bâng khuâng nhớ về những lần được người lớn tự tay làm cho chiếc đèn ông sao, nguyên liệu chỉ bằng tre già và các loại giấy bóng kính. Những bông hoa tự cắt tỉa, những mâm cỗ trông trăng đơn giản với các loại hoa quả đặc trưng của mùa thu có sẵn ở trong vườn nhà như: bưởi, ổi, hồng… sang hơn thì có thêm vài gói kẹo. Đơn giản lắm nhưng đầm ấm, quây quần.

Vì vậy, thiết nghĩ, để có một Tết Trung thu vẹn tròn ý nghĩa của sự đoàn viên thì không phụ thuộc vào sự đầy đủ vật chất, mà quan trọng là cách mà các thành viên chăm sóc cho nhau, tạo được một không khí ấm cúng, yêu thương trong gia đình.

Năm nay, tôi sẽ hướng dẫn các con làm những đồ chơi truyền thống, đơn giản mà hấp dẫn, ý nghĩa, như cắt giấy, làm hoa, làm đèn ông sao, đèn kéo quân....Hay cùng nhau bày biện mâm cỗ trông trăng giản dị nhưng ấm cúng, vui vẻ; bảy tỏ sự hiếu kính với ông bà, bố mẹ.

Nhiều gia đình tự tổ chức vui trung thu cho con em.

Thực tế tại tỉnh Ninh Bình hiện nay, tuy vẫn giữ được địa bàn an toàn về dịch bệnh, nhưng mỗi người dân không vì thế mà lơ là, mất cảnh giác. Tinh thần phòng dịch nghiêm túc luôn được ưu tiên hàng đầu. Các gian hàng bày bán bánh, đèn lồng hay đồ chơi trẻ em cũng lặng lẽ hơn.

Khung cảnh trầm lắng ấy khiến cả người lớn, trẻ em bâng khuâng nhớ về những hình ảnh đông vui của các năm trước. Dẫu thế, đây cũng là dịp để mỗi gia đình có khoảng thời gian "sống chậm" bên nhau, dành sự quan tâm, giúp cho trẻ hiểu về giá trị truyền thống, về sự kết nối xưa và nay.

Chị Mai Hương, một hộ kinh doanh đồ chơi trẻ em ở phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết, năm nay, lượng khách mua đồ chơi trung thu giảm nhiều so với các năm trước. Mặc dù đây là khó khăn cho những người kinh doanh, nhưng hơn lúc nào hết, sự bình yên, an toàn cho mỗi gia đình, cộng đồng là điều quan trọng nhất. Sẽ có nhiều mùa trung thu nhộn nhịp, tưng bừng khác, khi cả nước kiểm soát và chiến thắng đại dịch.

Đặc biệt, dẫu không có sự náo nhiệt như mọi năm, nhưng Tết Trung thu năm nay vẫn ấm áp tròn đầy, bởi tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, mà các gia đình có cách chăm lo cho con trẻ phù hợp. Các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm cũng đã huy động các nguồn lực trao quà tặng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em là con em những người đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch… Với những hoạt động thiết thực đó, năm nay sẽ vẫn là một mùa trăng ấm áp, vui tươi đối với các em nhỏ.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/mot-tet-trung-thu-dac-biet/d20210919154638989.htm