Một tháng Chạp khác
Mỗi khi cuốn lịch mỏng dần đến những tờ cuối, lòng tôi lại bồn chồn, khắc khoải khó tả. Vậy là sắp vào tháng Chạp.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Lao động)
Đó là tháng đặc biệt không chỉ với người lớn mà cả con trẻ. Có nhiều thứ lẽ ra có thể chuẩn bị từ trước, nhưng ai cũng chờ đến cuối tháng Chạp mới mua sắm, phần vì yếu tố tài chính, phần vì chờ đến dịp này cho có không khí tết. Còn lũ trẻ cứ đến tháng Chạp lại xốn xang đếm, hỏi từng ngày.
Với nhiều gia đình, cuộc sống hiện đại chẳng còn thiếu thứ gì cả. Dù ngồi một chỗ thì vẫn có thể mua sắm và hàng hóa được chuyển đến tận nhà, song nhiều người vẫn thích đi mua sắm hoặc chí ít là ra đường đi ngắm và cảm nhận không khí tết. Mấy năm nay đào, quất, cây cảnh, phụ kiện trang trí tết bày bán từ cuối tháng 11 âm lịch, vì vậy người ra phố cũng sớm hơn. Đường phố đông như nêm, ai cũng kêu tắc đường, nhưng chả mấy ai chịu ở nhà, vì tháng Chạp là tháng tết. Mà tết thì rất đặc biệt, cả ở góc độ vật chất lẫn giá trị tinh thần. Nó khiến ai cũng cảm thấy phải đi nhanh hơn, làm nhiều hơn, gấp gáp vội vã hơn.
Dịp này cũng sẽ có nhiều người mượn lý do để đánh đụng, ăn mừng đón người xa về, nhất là ở nông thôn. Nhiều nhà chung nhau thịt lợn liên hoan kết thúc mùa màng. Nhiều họ tụ tập con cháu tế tổ, ăn uống, còn đóng rạp, thuê âm thanh. Ở phố mấy năm gần đây nổi lên hình thức tổ liên gia, tổ sinh hoạt hưu trí, tổ đảng viên giữ mối quan hệ với nơi cư trú liên hoan cuối năm... Nhìn chung là có nhiều lý do để tiệc tùng, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.
Nhưng có lẽ tháng Chạp năm nay sẽ phải khác. Dịch bệnh khiến mọi thói quen đều phải thay đổi. Không đi chơi phố, không la cà trên đường, không liên hoan tụ tập đông người cũng là để góp phần vào cuộc chiến chống lại “giặc dịch” sớm thành công.
Mà hơn thế, dịch bệnh diễn biến phức tạp suốt cả năm khiến cho túi tiền của nhiều người đã bị bào mòn. Vậy nên tháng Chạp, khi tết đang về, thay cho những việc quá ồn ào mua sắm, tụ tập, rong chơi trên phố hay tổ chức liên hoan, đánh đụng, thì hãy tập trung vào khôi phục kinh tế và dành nguồn lực để hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn.
Tết cho người nghèo năm nào cũng diễn ra, nhưng năm nay phải chú trọng hơn, chăm lo tốt hơn, để người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bớt cô quạnh. Giảm các hoạt động mua sắm ồn ào, hoạt động gây lãng phí vật chất, tốn thời gian, phô trương không cần thiết cũng là góp phần để làm dịu bớt nỗi buồn ở những người yếu thế.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cau-chuyen/mot-thang-chap-khac/22430.htm