Một tháng kinh tế trở lại 'đường đua', doanh nghiệp vẫn cần 'tiền tươi, thóc thật'
Sau 1 tháng bước vào giai đoạn 'bình thường mới', nền kinh tế Việt Nam đã đón nhận những tín hiệu khởi sắc mới. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn than phiền về công tác chống dịch tại một số địa phương chưa có sự thống nhất, gây ra một số khó khăn nhất định cho quá trình hồi phục.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước, Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, 10 tháng năm 2021 đạt 539 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng mạnh so với tháng trước do các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười tăng 18,1% so với tháng trước.
Dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, một số doanh nghiệp vẫn than phiền về công tác chống dịch tại một số địa phương chưa có sự thống nhất, gây ra một số khó khăn nhất định cho quá trình hồi phục.
Vẫn thiếu sự nhất quán trong triển khai phòng chống dịch
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp sản xuất chế biến ngành Gỗ đã bắt đầu hoạt động và sản xuất trở lại. Hiệp hội và các địa phương thường xuyên có các hoạt động đối thoại để đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất cho các doanh nghiệp.
Đến nay, có khoảng 70 – 75% lao động của doanh nghiệp ngành Gỗ đã đi làm trở lại, công suất cũng đạt tới 70 - 80% so với trước dịch. Các chỉ số xuất khẩu cũng đã tăng dần từ đầu tháng 10 vừa qua.
Theo ông Lập, mục tiêu 14,5 tỷ USD xuất khẩu Chính phủ giao cho ngành Gỗ vẫn có thể đạt được, nhưng để ngành Gỗ hồi phục như trước đại dịch thì còn nhiều việc cần phải làm.
“Công nhân ở các Khu công nghiệp được tiêm vắc-xin, nhưng công nhân ở các tỉnh lên thì tỷ lệ được tiêm rất thấp nên khả năng nhiễm bệnh cao. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến người lao động chậm trở lại làm việc là do độ phủ vắc-xin, trong khi ở một số địa phương đang có dấu hiệu gia tăng ca nhiễm”, ông Lập nhận định.
Việc các địa phương có nguy cơ tăng ca nhiễm dẫn đến việc các tỉnh có chính sách khác nhau đối với người nhiễm COVID-19 và F1, F2, gây nguy cơ tụt giảm lao động nếu có phát sinh ca nhiễm, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, tình hình lao động của các doanh nghiệp có thể phải đến cuối quý 1 năm 2022 mới phục hồi được.
“Lúc đó, phủ vắc-xin cho 100% người lao động, các giải pháp chủ động về phòng chống dịch và mở cửa, phục hồi sản xuất sẽ đồng bộ hơn. Các doanh nghiệp ngành Gỗ kiến nghị, căn cứ Nghị quyết 128, cần có sự thống nhất cơ bản giữa Trung ương và địa phương để các doanh nghiệp vừa có thể lo chống dịch vừa chủ động tổ chức sản xuất”, ông Lập nói.
Ông Phùng Anh Tuấn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định: Chính sách giữa các địa phương đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn hạn chế và không phù hợp với Nghị Quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, khiến cho nỗ lực mở cửa lại kinh tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài trở lại vẫn chưa thể thực hiện.
Theo ông Tuấn, Chính phủ kêu gọi và trấn an đầu tư nước ngoài nhưng các chuyến bay quốc tế chưa được khôi phục, nhà đầu tư, chuyên gia, khách du lịch hay thậm chí cả người Việt Nam ở nước ngoài cũng không thể nhập cảnh Việt Nam được trừ khi có suất bay và thị thực dạng “giải cứu”. Như vậy, việc khôi phục đầu tư rất khó.
“Vào được đến nơi thì hàng hóa và con người cũng chưa thể lưu thông liên tỉnh hiệu quả. Lãnh đạo các địa phương đi kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài nhưng nhà đầu tư đến cổng nhiều tỉnh thì lại bị bắt đứng ngoài bằng các quy định kiểm soát và cách ly kiểu cát cứ”, ông Tuấn nói.
Cũng theo đại diện VAFI: Nếu muốn thu hút đầu tư nước ngoài thì phải có cách mở cửa chính sách một cách nhịp nhàng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, không thể tiếp tục tình trạng “trên bảo dưới chưa nghe” hay chỉ nghe một nửa, lấy lý do “đặc thù” và “chống dịch” ở địa phương mình như hiện nay.
Ông Phùng Tuấn Anh nhấn mạnh, Việt Nam cần phải có một “lực lượng đặc nhiệm” của Bộ Tư Pháp & Ban Chỉ đạo Quốc gia chuyên rà soát và đồng bộ chính sách.
Đơn vị này vừa loại bỏ những hạn chế không đáng có và quy định chống dịch trái Nghị quyết 128 của địa phương vừa đảm bảo chống dịch và đảm bảo khôi phục kinh tế, tái cất cánh FDI và tối đa hóa lợi thế kêu gọi đầu tư nước ngoài bằng sự thực là Việt Nam được coi là điểm đến đầu tư hàng đầu do đã và đang tham gia nhiều hiệp định kinh tế đa phương và song phương và nằm trong top những nước kinh tế mở nhất thế giới.
Nhiều khoản “tiền tươi, thóc thật” sẽ được dành hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Trần Đức Nghĩa - Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho hay, mặc dù các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, logistics không gặp vấn đề về biến động lao động, nhưng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp kém xa so với trước đây.
Ông Nghĩa phân tích: Doanh nghiệp logistics đã đồng hành cùng chính quyền chống dịch trong suốt thời gian vừa qua. Nhưng với chi phí chống dịch khá cao, nên nhiều đơn vị đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Để giúp doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, bên cạnh những kiến nghị về độ phủ vắc-xin và nhất quán trong phòng chống dịch, TS. Võ Trí Thành kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cụ thể là chính sách về tiền tệ để hỗ trợ dòng tiền.
“Bằng cách đó mới cứu được các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, mà các khó khăn đó là do dịch bệnh chứ không phải do chủ quan của doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Ông Trần Đức Nghĩa cũng đề nghị, các chính sách hỗ trợ hiện có của Chính phủ, như hỗ trợ cho người lao động có đóng bảo hiểm thất nghiệp, phải thuận lợi và được tiến hành nhanh chóng.
Đồng tình với các doanh nghiệp, Tiến sĩ Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cho rằng, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, có nhiều khoản “tiền tươi thóc thật”, hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục. Tuy nhiên, quá trình phục hồi cần tập trung vào 4 “lát cắt” cơ bản.
Thứ nhất, phòng chống dịch và nâng cao năng lực y tế, bao gồm cơ sở, trang thiết bị,...
Thứ hai, bên cạnh những chính sách hỗ trợ chung, cũng cần xem xét những gói hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực dựa trên các tiêu chí lựa chọn: các ngành ấy có mức độ thiệt hại giai đoạn vừa qua như thế nào, mức độ đóng góp của ngành, lĩnh vực ấy, sức lan tỏa của ngành, lĩnh vực ấy khi phục hồi?...
Thứ ba, về lao động, liên quan tới các vấn đề an sinh xã hội; nhà ở xã hội; nhà ở tư nhân, đào tạo lao động.
Thứ tư, về hạ tầng, kế hoạch 5 năm đã trình Quốc hội và được thông qua, mỗi năm 500 - 600 nghìn tỷ, đầu tư đường nối các khu công nghiệp với các trục đường chính; hạ tầng giáo dục, y tế; hạ tầng số; công nghiệp, công nghệ số…
“Chương trình bao gồm những đánh giá tác động đối với tăng trưởng, việc làm, cũng như cân đối những rủi ro vĩ mô có thể phát sinh để giảm thiểu. Tinh thần là tránh vết xe đổ của các gói trước. Tôi cho rằng chúng ta cần chương trình đủ lớn, đủ quyết liệt, đủ nhanh, đủ hiệu lực để mang lại kết quả”, ông Thành nói.
Việt Vũ