Một thập kỷ xây dựng niềm tự hào Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Đây được coi là vùng có nhiều đá nhất cả nước, thiếu đất canh tác nhất cả nước, thiếu nước sinh hoạt và khó khăn nhất cả nước. Khó khăn là vậy, nhưng nơi đây được thiên nhiên ban tặng thiên nhiên hùng vỹ, với rất nhiều giá trị di sản địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và cộng đồng 17 dân tộc sinh sống.
Từ ý tưởng của các nhà khoa học, của tỉnh Hà Giang trong việc “Biến khó khăn thành cơ hội phát triển”, tháng 9.2009, tại huyện Đồng Văn, tỉnh ta phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về xây dựng công viên địa chất (CVĐC) Cao nguyên đá Đồng Văn với các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Hội thảo khẳng định khoa học về giá trị địa chất, địa mạo, cổ sinh địa tầng, đa dạng sinh học và di sản văn hóa khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn mang tầm quốc gia và quốc tế, và đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là CVĐC Quốc gia và CVĐC toàn cầu.
Do yêu cầu đặt ra, một Ban quản lý (BQL) thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, triển khai các nhiệm vụ xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là CVĐC Quốc gia được tỉnh thành lập từ ngày 9.9.2009. Đến ngày 19.11.2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4846/QĐ-UBND về thành lập BQL CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, trực thuộc Sở VHTT&DL kể từ ngày 9.9.2009, với 3 phòng gồm: Hành chính tổ chức, Quản lý Di sản văn hóa, Quản lý địa chất, khoáng sản và 4 đội quản lý trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Sau khi ra đời từ ngày 9.9.2009, BQL đã tham mưu cho ngành Văn hóa trình tỉnh ban hành Quyết định số 4844/QĐ-UBND ngày 19.11.2009 về công nhận CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn và tham mưu để HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 10.12.2009 về việc xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn thành CVĐC toàn cầu.
Tiếp đó, BQL tham mưu tỉnh phối hợp Ủy ban UNESCO Việt Nam và Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam xây dựng hồ sơ trình Mạng lưới CVĐC toàn cầu (viết tắt là GGN) đề nghị công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành thành viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu. Trên cơ sở đó, tháng 10.2010, Mạng lưới CVĐC toàn cầu tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về CVĐC tại Lesvos, Hy Lạp đã chính thức công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của GGN. Thời điểm đó Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên thứ 77 của Mạng lưới, và CVĐC thứ 2 của Đông Nam Á và đầu tiên của Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của Công viên đá, ngày 27.6.2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1320/QĐ-UBND về việc thành lập BQL CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trực thuộc UBND tỉnh. Ngày 14.11.2012, UBND tỉnh ban hành quyết định số 2461/QĐ-UBND về việc thành lập 4 trung tâm thông tin khu vực trực thuộc BQL. BQL lúc này có trên 40 cán bộ, nhân viên...
Trong thời kỳ này, với nhiệm vụ vừa phải kiện toàn công tác tổ chức vừa phải tham mưu và thực hiện các tiêu chí đã cam kết với GGN, BQL đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều nội dung như: Phối hợp với các bộ, ngành T.Ư trình Chính phủ ban hành Quyết định số 310/QĐ-TTg, ngày 7.2.2012 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2030; tham mưu tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14 - NQ/TU/2013 của BCH Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2013 đến 2020. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng để triển khai các bước tiếp theo theo tiêu chí cam kết với GGN.
Theo quy định của GGN, 4 năm phải thẩm định lại để kiểm tra đánh giá thực hiện các tiêu chí. Với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của T.Ư và sự nỗ lực của BQL, CVĐC của chúng ta đã xuất sắc vượt qua kỳ thẩm định lần thứ nhất năm 2014 và giữ vững danh hiệu thành viên Mạng lưới GGN.
Từ năm 2015, với định hướng xây dựng và phát triển Công viên đá “Chuyển từ nhận thức sang hành động”, BQL đã phối hợp tham mưu cho tỉnh xây dựng và triển khai Chương trình giáo dục cộng đồng; khoanh vùng cắm mốc 30 cụm di sản địa chất để bàn giao cho cộng đồng địa phương quản lý, bảo vệ; đề xuất bảo tồn các làng văn hóa và lễ hội truyền thống của các dân tộc, đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di sản cấp Quốc gia và tỉnh; phối hợp, tham mưu cho tỉnh trình Chính phủ ban hành Quyết định số 2057/QĐ-TTG/2017 về Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Cao nguyên Đồng Văn...
Có thể nói, từ 2010 - 2016 việc xây dựng Công viên đá là một nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Cao nguyên đá có xuất phát điểm thấp, là các huyện nghèo... Thế nhưng, BQL CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã đoàn kết thống nhất, vượt qua nhiều khó khăn, tích cực thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng thương hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành một sản phẩm du lịch mới hấp dẫn trong nước và quốc tế, qua đó tạo sinh kế mới cho người dân địa phương.
Tháng 8.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định chuyển giao, sáp nhập BQL CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn vào Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch trực thuộc Sở VHTT&DL. Tháng 2.2018, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định thành lập Ban quản lý CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trực thuộc Sở VHTT&DL. Mặc dù có nhiều thay đổi về tổ chức bộ máy, nhưng BQL tiếp tục tham mưu, phối hợp triển khai nhiệm vụ tái đánh giá CVĐC lần 2, năm 2018 và đã hoàn thành nhiệm vụ tái đánh giá tư cách thành viên Mạng lưới GGN, bảo vệ thành công danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
Kể từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu đến nay, người dân đã từng bước làm chủ di sản và học tập cách thức tạo ra thu nhập từ di sản một cách hiệu quả, như thông qua làm dịch vụ, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa để cung cấp cho thị trường. Qua đó đã tạo ra những sinh kế mới cho người dân nơi đây, hình ảnh Công viên đá được bạn bè thế giới và người dân trong nước biết đến có tác động tích cực đến cuộc sống của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH bền vững. Đặc biệt, với vai trò là Công viên đá, nơi đây đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm, đầu tư các dự án, chương trình phát triển KT – XH của T.Ư, của các tổ chức quốc tế, của các tấm lòng chung tay xây dựng và phát triển vùng đất địa đầu của Tổ quốc này.
Phó Trưởng BQL CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Nguyễn Thanh Giang khẳng định, trải qua một thập kỷ xây dựng niềm tự hào CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, để đạt được những kết quả như ngày hôm nay có sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, của Mạng lưới GGN, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng sự hưởng ứng của người dân, sự đóng góp tích cực công sức và trí tuệ của các thế hệ cán bộ BQL CVĐC toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của Công viên, ngoài vai trò của BQL, cần tiếp tục có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân trong việc tham gia tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh về Côn viên đá của chúng ta ngày càng vươn xa trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.