Một thập niên thực hiện khâu đột phá phát triển du lịch

PTĐT - Hiện thực hóa việc gìn giữ, bảo tồn và biến những di sản văn hóa, thiên nhiên thành giá trị kinh tế phục vụ quá trình phát triển, trong 2 nhiệm kỳ vừa qua (2010 -2015 và 2015 - 2020), phát triển du lịch...

Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cùng các công ty lữ hành khảo sát du lịch tại tỉnh Phú Thọ.

Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cùng các công ty lữ hành khảo sát du lịch tại tỉnh Phú Thọ.

PTĐT - Hiện thực hóa việc gìn giữ, bảo tồn và biến những di sản văn hóa, thiên nhiên thành giá trị kinh tế phục vụ quá trình phát triển, trong 2 nhiệm kỳ vừa qua (2010 -2015 và 2015 - 2020), phát triển du lịch được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dưới sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, du lịch Phú Thọ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Kỳ I: “Yếu tố vàng” để thực hiện khâu đột phá

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định phát triển du lịch là một trong ba khâu đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ. Để cụ thể hóa việc phát triển du lịch, ngày 19/10/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2015, từ đó đã có Quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 để thực hiện khâu đột phá nhằm khai thác, sử dụng, bảo vệ, bảo tồn có hiệu quả các tài nguyên tự nhiên, nhân văn vùng Đất Tổ; góp phần thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân các địa phương, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, tỉnh Phú Thọ có hai di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, gồm: Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, tạo “điểm tựa” vững chắc cho khâu đột phá về phát triển du lịch. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư phát triển du lịch tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2005-2010, đã cơ bản hình thành các khu, điểm du lịch trọng điểm (Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, Khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn)... Doanh thu du lịch tăng trưởng với tốc độ bình quân 15,4%/năm, gấp 2,25 lần so với năm 2010; công tác quản lý Nhà nước về du lịch và công tác tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nguồn nhân lực du lịch của tỉnh được tăng cường…

Trên tiền đề những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, tỉnh tiếp tục xác định du lịch là khâu đột phá, thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020. Để thực hiện thắng lợi tinh thần nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 về phát triển du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU ngày 15/7/2016 về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020, trong đó đưa ra những mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu xây dựng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trở thành Khu du lịch Quốc gia; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy trở thành khu du lịch địa phương, Khu Di tích đền Mẫu Âu Cơ - Hạ Hòa trở thành điểm du lịch địa phương… Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ - HĐND ngày 19/7/2016 về việc thực hiện 4 khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt, phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch và cải cách hành chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4772/KH-UBND ngày 20/10/2016 về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020; Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 04/4/2017 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã tạo hành lang pháp lý để “đánh thức” tiềm năng; việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch có những bước phát triển vượt bậc, tạo điều kiện cho du lịch Phú Thọ càng thêm khởi sắc. Trong giai đoạn 2015-2020, tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển du lịch của tỉnh đạt trên 4.300 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm trên 1.000 tỷ đồng, vốn xã hội hóa và các nguồn vốn huy động khác đạt trên 3.300 tỷ đồng. Nguồn vốn tập trung chủ yếu vào các dự án nâng cấp hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thương mại, du lịch, dịch vụ của thành phố Việt Trì, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển.

Trước khi xác định phát triển du lịch là khâu đột phá trong 10 năm, từ 2010 - 2020, để hướng tới việc quản lý, khai thác và phát huy có hiệu quả những giá trị văn hóa, thiên nhiên của tỉnh, năm 2006 UBND tỉnh đã phê duyệt “Quy hoạch điều chỉnh phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2020” làm cơ sở cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và ngành du lịch nói riêng. Nội dung quy hoạch đã có những định hướng quan trọng để quản lý phát triển du lịch tỉnh thời gian qua. Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, ngành du lịch Phú Thọ đã có đóng góp nhất định vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng, an ninh. Sở dĩ trong 10 năm, với 2 nhiệm kỳ liên tiếp, du lịch được xác định là một trong những khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh bởi vùng Đất Tổ là nơi hội tụ nhiều “yếu tố vàng”, cho phép “ngành công nghiệp không khói” phát triển lớn mạnh và thúc đẩy kinh tế- xã hội tỉnh tăng trưởng theo hướng bền vững.Nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng núi Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và vùng núi Tây Bắc, vị trí địa lý mang ý nghĩa trung tâm của tiểu vùng Tây-Đông-Bắc, đem lại lợi thế trong mối liên kết vùng. Đất Tổ - cái nôi của nền văn minh lúa nước lâu đời đã để lại hệ thống gần 1.400 di tích văn hóa, lịch sử và các địa điểm liên quan đến di tích, trong đó có một di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt; 73 di tích cấp Quốc gia; 244 di tích cấp tỉnh; 260 lễ hội mang nét văn hóa đặc trưng vùng Đất Tổ… Phú Thọ được đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn cho phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng và hai Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” đã tạo điểm nhấn để Phú Thọ xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Cùng với các điều kiện tự nhiên đa dạng tạo cho Phú Thọ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và hấp dẫn để khai thác các loại hình du lịch tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chữa bệnh, thể thao, sinh thái… hệ thống giao thông phát triển gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy đã và đang trở thành cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế trong nước, quốc tế… Việc lựa chọn phát triển đa dạng các loại hình du lịch: Tâm linh, cộng đồng, sinh thái là phương án tối ưu, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế; gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, thiên nhiên; tạo nguồn lực kinh tế đóng góp vào quá trình phát triển chung của tỉnh.Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Cùng với những điều kiện văn hóa, tự nhiên, nguồn nhân lực dồi dào đã trở thành điều kiện đủ để tạo nên “cú hích” cho “ngành công nghiệp không khói” phát triển thành mũi nhọn. Thêm vào đó, trên địa bàn có 2 trường đại học, hơn 34 trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề và trung tâm đào tạo nghề, đáp ứng đủ yêu cầu đào tạo nguồn lao động phục vụ, thúc đẩy ngành du lịch phát triển lớn mạnh. Đồng thời, nhờ làm tốt công tác xúc tiến quảng bá, môi trường đầu tư được cải thiện từng ngày, chỉ số năng lực cạnh tranh của Phú Thọ liên tục tăng qua từng năm đã thu hút các dự án đầu tư bên ngoài, những chương trình đầu tư quan trọng cho du lịch phát triển. Có thể khẳng định, việc nắm bắt xu thế tất yếu, tận dụng thời cơ, cụ thể hóa những ưu đãi thiên nhiên và giá trị văn hóa lịch sử theo tinh thần, nội dung tại hai kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, thực hiện khâu đột phá phát triển du lịch đã thể hiện tầm nhìn và tư duy chiến lược, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; trở thành bước đệm quan trọng để chính quyền và nhân dân toàn tỉnh “đánh thức” phát triển tiềm năng du lịch.Kỳ II: Tối ưu nguồn lực, đa dạng lĩnh vực

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202011/mot-thap-nien-thuc-hien-khau-dot-pha-phat-trien-du-lich-173714