Một thế hệ lạc lối ở Berlin
Tự nhận mình là 'cái máy ảnh với màn trập mở, hết sức thụ động, ghi hình, chứ không suy tư', Isherwood đưa người đọc đến những năm tháng không thể vãn hồi trong 'Từ biệt Berlin'.
Berlin trong sáng tác của Christopher Isherwood hiện lên như một bức ảnh chụp vội vã, sắc màu đậm nhạt thoạt nhìn như không hề có chủ đích, nhưng lại đặc biệt cuốn hút.
Trong cơn đau vì giá lạnh, Berlin run rẩy cùng sự chắp vá: Chắp vá những biến động lớn nhỏ, chắp vá những gương mặt gần xa, chắp vá những ký ức thương đau không một ai muốn quay về.
Bức ảnh buồn thương về đô thị cũ
Cùng những chuyến phiêu lưu của “tôi”, người đọc được đi qua khắp những ngõ ngách Berlin, lang bạt về cả những miền quê hẻo lánh, từ trung tâm của thị thành với những sự kiện trọng đại đến những khu nhà xập xệ nơi cái đói, cái nghèo trở thành mối bận tâm duy nhất của con người.
Thế là, tất cả những gương mặt quen thuộc ở Berlin cũng lần lượt xuất hiện: Là những bà cô già quẩn quanh trong phố trọ, những thanh niên bất cần, say khướt vùi mình vào màn đêm nơi quán rượu nghèo nàn, những cô nàng kiêu hãnh cùng đủ thứ mánh khóe để trở thành một quý bà sang giàu, giới thượng lưu thừa tiền thiếu đầu óc và những lần tiêu xài ngớ ngẩn... Tất cả đã làm nên một vở hài kịch đầy bi thương trên sân khấu lớn của nước Đức.
Không thể phủ nhận Từ biệt Berlin chính là bức ảnh chụp tình cờ nhuốm màu buồn thương về một Berlin lụi tàn trong xã hội cũ.
Thế nhưng, đây cũng lại là một bức ảnh chụp đầy sức sống - một sức sống chân thật được làm nên bằng những chuyển động không ngừng.
Không liên kết với nhau bằng một cốt truyện, nhưng 6 truyện trong Từ biệt Berlin đã nối tiếp nhau thật tuần tự để làm nên một chuỗi vận động cho tổng thể câu chuyện của Isherwood.
Sự vận động trong bức ảnh chụp Berlin đã hiện lên vô cùng rõ ràng, đó là sự vận động của sự đi xuống, bó hẹp, đầy eo hẹp và túng quẫn. Bị bó buộc trong hoàn cảnh sống như thế, con người cũng bất lực mà trượt dài, suy sụp và chìm dần vào những vô nghĩa lý không lối thoát giữa một cuộc đời đầy biến thiên mà hễ nó xảy ra lại vùi nhấn con người ta đến tận cùng của sự tuyệt vọng.
Những kẻ chạy trốn quá khứ
Viết về đủ mọi hạng người ở Berlin, tình cờ thay, dù là giai tầng, địa vị nào thì hết thảy họ đều là những kẻ chạy trốn quá khứ, lạc lối giữa hiện tại và vô định về tương lai. Là một trạm dừng chân hào nhoáng, Berlin đón chào rất nhiều người, từ khắp nơi, ai nấy đều đã đến đây với niềm hy vọng về một khởi đầu mới.
Để rồi, khi giấc mộng ban đầu đổ vỡ, người ta chật vật để xoay xở với những tiền ở trọ, tiền chữa lành những căn bệnh không tên, tiền cho những buổi tối say sưa trong quán rượu tồi tàn... hay cho cả những phi vụ lừa đảo thì mọi thứ đã trở thành một cơn ác mộng.
Con người ở Berlin, họ đã vùi chôn mất đi những ước mơ ngày đầu, Berlin trong họ từ một miền đất hứa giờ chẳng khác nào một ngôi mồ chôn của tương lai. Chạy đua với sự sinh tồn khắc nghiệt ở Berlin để rồi con người ta mang vào mình những chiếc mặt nạ, sừng sỏ bảo vệ mình bằng những chiếc gai nhọn hoắt giữa cuộc đời cay nghiệt, họ giấu mình vào trong và chối từ việc tìm lại chính nó.
Cứ như vậy, người ta phó mặc mình cho những biến đổi hối hả của một xã hội chứa đầy rạn nứt, mặc kệ những vết nứt ấy làm cho thân xác, tâm hồn mình mang đầy tổn thương.
Kể lại cuộc đời của một thế hệ lạc lối ở châu Âu trong chặng cuối của Thời đại nhạc Jazz, Từ biệt Berlin còn là câu chuyện của những mất mát. Đó là sự đánh rơi những ước mơ, khát vọng của những người tìm đến Berlin, ngây thơ tin rằng đây sẽ là nơi chứng kiến thời khắc nở rộ của cuộc đời mình.
Đó là những lần con người ta bỏ lỡ lẫn nhau, bỏ lỡ những tình yêu chưa kịp cất lời, bỏ lỡ một tình bạn vô vụ lợi vốn là hiếm hoi trong một xã hội nhiễu nhương đầy lọc lừa, là bỏ lỡ một lần để được nhìn thấy ai đó mà ta xem là món quà tuyệt vời mà Thượng đế ban cho.
Đó còn là nỗi mặc cảm đánh mất quê hương của những kẻ lưu vong tứ xứ và của cả những người dân Berlin dành cả đời ở tại mảnh đất quê hương nhưng bất lực ngước nhìn những đổi thay không sao chống đỡ của thời cuộc.
Và hơn hết, là sự mất mát không sao bù đắp được trong cả một đời người - mất chính bản thân mình. Bằng những lần nhân nhượng và thỏa hiệp, con người ta lặng lẽ trở thành một sự đối nghịch với chính bản ngã mà mình đã cùng sinh ra.
Đánh mất tất cả để rồi thứ duy nhất còn lại với con người chính là nỗi cô đơn vô cùng tận. Con người ta cứ thế mà quanh đi quẩn lại với một cái tôi trống rỗng, một cuộc đời vô nghĩa lý mà bi kịch lớn nhất chính là họ thậm chí còn không ý thức được nỗi cô đơn của chính mình.
Để rồi, người ta vô thức vẫy vùng để vượt thoát khỏi sự cô đơn của mình - bằng tiếng nhạc ồn ã trong những hộp đêm, bằng men rượu nồng nặc đến choáng ngợp toàn bộ lý trí, bằng những cuộc tình chớp nhoáng với những người tình không tên và bằng cả những mộng mơ hão huyền về một tương lai phù phiếm.
Cứ như vậy, họ nỗ lực để thoát ra nhưng lại càng lún sâu hơn vào nội tâm cô độc, cánh cửa tâm hồn như mãi mãi đã đánh rơi đi chiếc chìa thích hợp để lại một lần được mở toang. Đó cũng là kết thúc của Từ biệt Berlin, một kết thúc chóng vánh không điềm báo, một kết thúc dở dang chẳng mang lấy hứa hẹn, một kết thúc không chứa đựng bất kỳ kỳ vọng nào cho sự tái sinh cũng như chính cái thời đại mà nó ra đời: Một đi không trở lại trong hiện tại hay tương lai!
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-the-he-lac-loi-o-berlin-post1202613.html