Một thế hệ trí thức mới gốc Việt trẻ và tài năng đang hình thành và phát triển
Ước tính, có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức Người Việt Nam ở nước ngoài. Một thế hệ trí thức mới gốc Việt trẻ và tài năng đang hình thành và phát triển.
Hôm nay, 27/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 - CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Đây là dịp tăng cường hợp tác và phối hợp trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Một thế hệ trí thức mới gốc Việt trẻ và tài năng đang hình thành và phát triển
Cùng với sự phát triển và vị thế ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45, cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 18% trong vòng 5 năm).
Đây là nhận định được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi đưa ra khi đánh giá lại 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ trưởng Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao. Đại bộ phận bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, ngày càng có nhiều kiều bào tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ các nhau.
Ước tính, có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức Người Việt Nam ở nước ngoài, chiếm tỷ lệ 10% trong cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài. Một thế hệ trí thức mới gốc Việt trẻ và tài năng đang hình thành và phát triển, tập trung ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học.
Trong 5 năm gần đây, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD (tăng trưởng trung bình 6%/năm), góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD.
Đồng hành cùng nhân dân cả nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, kiều bào đã tổ chức các buổi triển lãm, hội thảo về Biển Đông, quyên góp tiền và hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng ủng hộ “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”, qua đó góp phần củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong mặt trận đấu tranh giữ vững hòa bình, ổn định và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đặc biệt, cộng đồng đã chung sức đồng lòng ủng hộ trong nước phòng chống đại dịch Covid-19, với khoản tiền đóng góp khoảng 35 tỷ đồng, cùng nhiều vật tư y tế. Trong đợt thiên tai lũ lụt miền Trung vừa qua, dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả những địa bàn đặc biệt khó khăn như ở Campuchia, đã tích cực quyên góp được khoảng 34 tỷ đồng, cùng nhiều hàng hóa, vật phẩm giúp đồng bào miền Trung nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam
Đánh giá về tầm quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 và Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị đều khẳng định nhất quán chủ trương: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Sự đổi mới tư duy thể hiện ở các định hướng lớn nêu tại các văn bản trên đã tạo ra bước chuyển biến căn bản cả về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và mọi người dân trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Một trong những kết quả nổi bật sau 16 năm thực hiện Nghị quyết 36 và 5 năm thực hiện Chỉ thị 45, chính là công tác hỗ trợ kiều bào được triển khai toàn diện, qua đó đã giúp kiều bào ta từng bước nâng cao địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống và hội nhập tích cực vào xã hội sở tại.
Trong các hoạt động đối ngoại, hoặc những dịp kiều bào về nước, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con; đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng người Việt ở sở tại. Ở nhiều nơi, kiều bào thực sự trở thành cầu nối để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa đất nước sở tại với Việt Nam.
Đối với những địa bàn khó khăn, hoặc khi kiều bào gặp hoạn nạn do thiên tai, dịch bệnh... Đảng, Nhà nước luôn kề vai, sát cánh cùng bà con với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mặc dù trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn quan tâm, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, cung cấp tài liệu tư vấn, khuyến cáo phòng chống dịch cho bà con, tổ chức khoảng gần 190 chuyến bay đưa hơn 53.000 công dân từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước.
Công tác xây dựng và triển khai các chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, từ quốc tịch đến sở hữu nhà ở, xuất nhập cảnh, đầu tư... đã được quan tâm thúc đẩy và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay, trên 100 văn bản, gồm luật và các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài đã được ban hành, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh , những kết quả trên cho thấy, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang đáp ứng tốt hơn những trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó, cũng như tình cảm và nguyện vọng của bà con kiều bào./.