Một thoáng bình yên Cha Lo
Con đường dẫn vào Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) mở ra trước mắt như một bức tranh hùng vĩ, nơi núi rừng giao thoa giữa những tầng mây lãng đãng, nơi con suối biên thùy chảy mãi không ngừng... như tiếng vọng của bao thế hệ đã gắn bó với vùng đất này.

Vẻ đẹp bình yên của Cha Lo.
Trước những dãy núi trùng điệp ôm lấy dòng suối trong veo, lòng người bỗng cảm nhận được sự lặng lẽ, trầm tư của một vùng biên ải - nơi thiên nhiên kỳ vĩ luôn ẩn chứa những câu chuyện sâu nặng về đất, về người.

Dòng suối xanh trong, thơ mộng.
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, điểm chốt biên giới, cũng là miền thương nhớ của những trái tim luôn ở lại với núi rừng. Trên con đường mòn dẫn xuống suối, những cô bé dân tộc tay nắm tay, bước rộn ràng trên nền đất đỏ. Một em mặc chiếc váy trắng ngà, tay ôm hộp bánh bích-quy, ánh mắt sáng ngời. Cô bé còn lại khoác chiếc áo đỏ rộng quá khổ, đầu cài băng đô hồng, đôi chân trần lấm tấm bụi đường. Hai đứa trẻ, hồn nhiên như mây trời, nắm chặt tay nhau khúc khích giữa núi rừng bao la.

Nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ.
Con suối nhỏ, nước trong đến mức có thể nhìn thấy từng viên sỏi lấp ló dưới đáy. Tiếng nước chảy róc rách hòa với tiếng cười trong veo của trẻ thơ như bản hòa ca giữa núi rừng.
Ở nơi này, trẻ em không có nhiều đồ chơi, không thiết bị điện tử, nhưng bù lại, chúng có cả thiên nhiên rộng lớn để vui đùa. Dòng suối cũng là bầu bạn, những viên đá cuội là đồ chơi... ngày nào cũng thỏa thuê giữa nắng gió biên cương.

Cờ Tổ quốc tung bay ở Đồn Biên phòng Cha Lo.
Ghé thăm Đồn Biên phòng Cha Lo, nơi những người lính mang quân hàm xanh ngày đêm canh giữ biên cương, ai nấy đều cảm thấy rưng rưng trước lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nền trời trong vắt. Một niềm tự hào sâu thẳm bỗng trào dâng.

Nhịp sống bình yên, mộc mạc.
Đằng sau cánh cổng đơn sơ là khu vườn đầy hoa hồng, những chậu cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng và những mái nhà xanh lặng lẽ giữa núi đồi. Ở nơi này, người lính biên phòng vừa gánh vác nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, cũng là những người con của bản làng.

Mùa xuân, suối cạn và nước trong veo.
Bộ đội biên phòng dạy chữ cho trẻ em, giúp dân trồng cây, sửa lại mái nhà dột nát, có khi còn làm "bà đỡ" bất đắc dĩ trong những ca sinh nở giữa vùng núi xa xôi. Anh bộ đội trẻ ngồi bên bếp lửa, cắt từng miếng thịt heo bản chuẩn bị cho bữa cơm tối.

Hoa hồng ở Đồn Biên phòng Cha Lo.
Trong ánh lửa bập bùng, chúng tôi nghe anh kể chuyện về những ngày băng rừng đi tuần, những đêm ngủ giữa chốt canh biên giới, tiếng mưa rơi hòa với nhịp thở của đồng đội.

Núi rừng mang sức sống mùa xuân.
"Mỗi lần có người dân gặp khó khăn, tụi em lại thấy mình có trách nhiệm. Quân với dân, mình sống với nhau như anh em mà anh", lời nói chân thành khiến khách lặng người. Bao năm qua, những người lính đã sống giữa núi rừng, đã xem biên cương là nhà, đã đặt trái tim mình vào từng phiến đá, từng gốc cây. Giữa cái lạnh của miền biên viễn, họ sưởi ấm nhau bằng tình đồng đội, bằng nghĩa tình với bản làng.

Một góc Cha Lo nhìn từ trên cao.
Bữa cơm tối tại đồn biên phòng đơn sơ nhưng đượm tình. Gà rừng, heo bản, rau rừng và rượu ngô, những món ăn chẳng cao sang nhưng chứa đựng cả sự vất vả của núi rừng. Chúng tôi nâng chén rượu, nhìn nhau cười, như những người anh em đã quen biết từ lâu lắm rồi.

Những thửa ruộng mùa xuân chờ mùa mới.
Giữa bữa ăn, một anh bộ đội đứng dậy, cất giọng hát: "Ai lên biên giới cho ta nhắn với/ Núi rừng biên cương đẹp lắm người ơi…" Lời ca vang lên giữa đại ngàn, hòa trong gió, trong hơi thở của núi rừng. Chúng tôi chợt hiểu rằng, Tổ quốc mình đâu chỉ có những dãy núi ngút xanh, những con suối chảy trăm năm không dứt, mà nơi đây còn có những trái tim kiên trung, trụ lại với đất, với rừng, với người.

Hoa đào rực hồng nơi biên ải.
Đêm Cha Lo, bầu trời trong vắt, những vì sao lấp lánh trên cao như chứng kiến bao thế hệ người lính đã gắn bó với dải đất biên cương. Chúng tôi ngồi đó, bên những người bạn mới, bên những người lính biên phòng, cảm nhận hơi thở của quê hương đang hòa vào từng đợt gió núi hun hút.

Tuổi thơ trong trẻo ở Cha Lo.
Có những vùng đất, khi đi qua, ta chỉ ghé thăm rồi rời đi. Nhưng cũng có những nơi, khi đã đến, một phần trái tim ta sẽ mãi ở lại. Cha Lo là một nơi như thế. Và chúng tôi tin, vùng đất này luôn lưu lại dấu ấn thật lắng sâu…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mot-thoang-binh-yen-cha-lo-post860689.html