Một thoáng Bratislava

Rời Viên, thủ đô nước Áo, chúng tôi lên xe đi Bratislava - thủ đô của nước Slovakia - cách đó không đến 70km theo cao tốc A6. Cộng hòa Slovakia là một nước nằm kín trong lục địa tại Trung Âu, diện tích nhỏ chỉ 49.000km2, dân số hơn 5,4 triệu người. Slovakia giáp Séc và Áo ở phía Tây, giáp Ba Lan ở phía Bắc, Ukraina ở phía Đông và Hungary ở phía Nam.

Tác giả chụp ảnh bên lâu đài Bratislava có kiến trúc kiểu baroque. Ảnh: CTV

Tác giả chụp ảnh bên lâu đài Bratislava có kiến trúc kiểu baroque. Ảnh: CTV

Từ khi độc lập khỏi Tiệp Khắc, Slovakia nhanh chóng chuyển sang kinh tế thị trường, sử dụng đồng tiền Euro chung châu Âu, có những chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ, thu hút nhân lực chất lượng cao, nên kinh tế tăng trưởng nhanh, có những năm tăng 7-8%/năm. GDP đầu người là 16.500 USD, nhưng GDP (PPP) đạt hơn 33.000 USD. Nền kinh tế chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ, riêng công nghiệp ô tô sản xuất 1,1 triệu chiếc/năm, chiếm 43% tổng sản lượng công nghiệp.

Thủ đô duy nhất ở châu Âu có biên giới giáp với 2 nước

Bratislava là thủ đô duy nhất ở châu Âu có biên giới giáp với 2 nước khác (Áo, Hung), nằm ở 2 bên bờ sông Danube, phía Tây Nam nước Slovakia. Bratislava có diện tích 367km2, dân số 583.000 người nếu kể vùng đô thị lân cận là gần 660.000 người. Đây là một nơi có dân cư cổ xưa từ 5.000 năm trước Công nguyên, thế kỷ I-IV chịu ảnh hưởng của La Mã, vào thế kỷ V, VI thì người Slav di cư lớn đến đây.

Bratislava từng là trung tâm tôn giáo, chính trị, quân sự của nước Moravia vĩ đại (833-907), từ đầu thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIX thuộc Hungary dưới vương triều Habsburg, là nơi có 11 vua và nữ hoàng Hungary lên ngôi tại nhà thờ Thánh Martin ở đây. Từ năm 1804-1918, TP Bratislava thuộc đế quốc Áo, rồi đế quốc Áo - Hung, từ năm 1919-1992 thuộc Tiệp Khắc (trong đó có 6 năm thuộc Cộng hòa Slovakia đầu tiên 1939-1945). Đến 1993, Slovakia được thành lập tách khỏi Tiệp Khắc thì Bratislava là thủ đô nước này.

Cầu UFO bắc qua sông Danube tại Bratislava. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Cầu UFO bắc qua sông Danube tại Bratislava. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Chúng tôi đến Bratislava lúc 16 giờ chiều được đưa đến thăm lâu đài Bratislava, một kiến trúc theo phong cách baroque, từng là trung tâm cai trị của Moravia vĩ đại, đến thế kỷ thứ X xây dựng thành lâu đài đá và từ năm 1430 trở thành một pháo đài của triều đình Habsburg. Lâu đài này nằm ở độ cao 85m so mặt sông Danube bên dưới, hiện bên trong có bảo tàng quốc gia Slovakia. Gần phía cổng đường lên lâu đài có tòa nhà Trụ sở Hội đồng quốc gia Slovak (Quốc hội) cao 3-4 tầng, gọn nhẹ.

Từ lâu đài nhìn xuống là sông Danube chảy qua giữa thành phố, phía tay trái thấy cầu SNP (còn gọi là cầu UFO, vì trên đỉnh trụ cầu chính có một kiến trúc hình đĩa bay, khách có thể lên tham quan) bắc qua sông đến khu phố mới có nhiều tòa nhà cao 12-15 tầng, nhiều trung tâm thương mại. Trong khuôn viên lâu đài, có những tượng đài bằng đồng đen, có cả những di chỉ nền móng của thành lũy từ thời Moravia vĩ đại.

Đi bộ theo những bậc đá và những con đường dốc xuống bờ sông rồi vòng dưới chân đường dẫn vào cầu UFO, chúng tôi đi đến thăm khu phố cổ của Bratislava. Tại bậc đá lên xuống cao khoảng 10m, tôi thấy chính quyền có lắp những thanh sắt như đường ray xe lửa để người dân dắt xe đạp lên xuống thuận tiện, việc làm này đơn giản nhưng hiệu quả.

Tác giả (phải) chụp ảnh bên tượng người thợ cống Cumil bằng đồng trên đường phố Bratislava. Ảnh: CTV

Tác giả (phải) chụp ảnh bên tượng người thợ cống Cumil bằng đồng trên đường phố Bratislava. Ảnh: CTV

Từ lúc bắt đầu vào phố cổ, có thể thấy Nhà thờ Thánh Martin kiến trúc kiểu Gothic, có 1 tháp chuông cao, nơi đây, nhiều đời vua Hungary đã làm lễ đăng quang giai đoạn 1536-1830. Dọc theo bên hông nhà thờ có tượng đài kỷ niệm Thế chiến II và nhiều tượng danh nhân trong vườn hoa. Đường trong phố cổ hẹp, lát đá, hai bên là các kiến trúc cổ, phần lớn là cửa hàng buôn bán, tôi phát hiện có cả những cơ quan ngoại giao thuê tầng trên các tòa nhà, treo cờ Nhật, Pháp, Hy Lạp… ở khu quảng trường chính của phố cổ.

Tại quảng trường này, có Tòa Thị Chính cũ nay được dùng làm Bảo tàng TP Bratislava và nhiều công trình đậm nét kiến trúc phục hưng. Nhiều quán bia bày bàn ghế ra bên hông quảng trường để phục vụ khách. Theo những con đường lát đá uốn lượn trong phố cổ, có thể thấy những tác phẩm nghệ thuật, có tượng hoặc phù điêu danh nhân văn hóa. Tôi được giới thiệu một ngôi nhà mà Nhà soạn nhạc thiên tài Frank Liszt, người Hungary từng ở, bên ngoài có gắn một phù điêu bằng đồng kỷ niệm.

Trên đường đến khu có Cổng Michael - một di tích từ thời trung cổ, tôi thấy có tác phẩm của nhà điêu khắc Oto Bachorik là một tảng đá màu xám đen đặt trên bệ xi măng cao khoảng 0,5m, ghi năm sáng tác là 2003, không hiểu ý nghĩa thế nào. Chúng tôi có đến thăm tượng đồng người thợ cống Cumil trên một góc phố với nửa người nhoái lên trên một hố cống thoát nước.

Về mặt văn hóa nghệ thuật, Bratislava có nhiều công trình văn hóa nghệ thuật phát triển khá mạnh dưới thời Nữ hoàng Maria Theresia triều đại Habsburg. Thiên tài Mozart từng có buổi hòa nhạc năm 1762, Haydn có biểu diễn năm 1784, Beetthoven cũng đến vào năm 1796, rồi Frank Liszt có thời gian ở đây.

Quảng trường chính trên Phố cổ Bratislava, có Tòa thị chính cổ nay là Bảo tàng thành phố. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Quảng trường chính trên Phố cổ Bratislava, có Tòa thị chính cổ nay là Bảo tàng thành phố. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Thành phố đáng sống

Bratislava hiện được đánh giá là thành phố đáng sống thứ 8 của châu Âu. GDP tính theo PPP đứng thứ 3 châu Âu, có lẽ nhờ mạng internet nhanh, thuế suất thấp nên nhiều doanh nghiệp lớn về dịch vụ đặt trụ sở ở đây kinh doanh các lĩnh vực: ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, du lịch, thương mại… thu hút 75% lao động ở Bratislava làm trong các lĩnh vực dịch vụ này.

Bratislava có sân bay quốc tế Stephanik là nơi đóng quân của nhiều hãng hàng không giá rẻ, và là trung tâm đường sắt kết nối với nhiều nước Trung và Đông Âu, có gần 80 khách sạn với trên 1 vạn phòng lưu trú… thuận tiện cho khách du lịch và thu hút lao động trình độ cao đến làm việc. Nhờ thế, kinh tế ở Bratislava phát triển hơn nhiều thành phố Đông Âu khác.

Trên đường về khách sạn nghỉ, chúng tôi có vào thăm Nhà thờ Thánh Martin và bất ngờ khi đi ăn tối lại đến một cửa hàng ăn đối diện với Nhà thờ Thánh Stephen cũng là một ngôi nhà thờ khá đẹp. Nghỉ đêm tại khách sạn cũng có tên là Bratislava giữa một khu có nhiều chung cư 4-6 tầng, với nhiều cây cối, hoa ở ngoài trung tâm thành phố. Sáng hôm sau thức dậy sớm đi dạo mấy con đường xung quanh khách sạn, đường vắng hai bên trồng nhiều cây phong, ngân hạnh, nến…, hưởng không khí buổi sáng trong lành, yên tĩnh.

Tác giả chụp ảnh bên tác phẩm của nhà điêu khắc Oto Bachorik tại lối vào Cổng St Micheal ở Phố cổ Bratislava. Ảnh: CTV

Tác giả chụp ảnh bên tác phẩm của nhà điêu khắc Oto Bachorik tại lối vào Cổng St Micheal ở Phố cổ Bratislava. Ảnh: CTV

Chúng tôi có ghé thăm một nhà thờ Tin Lành xây trên một đồi thấp, sáng chủ nhật có lác đác người đi lễ, hỏi ra mới biết là có 8% dân số ở Slovakia theo đạo Tin Lành. Về lại khách sạn ăn sáng xong lên xe đến khu thương mại Outlet Parndorf nằm trên đất Áo, nhưng cách Bratislava chỉ 30km. Đây là một nơi mua bán hàng hiệu danh tiếng, lại đặt ở biên giới 3 nước Áo, Slovakia, Hungary nên khách mua rất đông. Chúng tôi ở đây 3 giờ, mọi người tham quan và mua hàng hiệu với giá rẻ hơn bên ngoài 25-30%, rồi đi ăn trưa ở quán Steak House gần khu Outlet, có món ăn beefsteak khoai tây khá ngon và uống bia tươi, sau đó lên xe đi về Budapest cách đó hơn 200km.

* * *

Mặc dù thời gian ở Bratislava rất ngắn, nhưng tôi có cảm nhận rất tốt về một thành phố năng động nhưng yên bình giống như cả đất nước Slovakia xinh đẹp. Bratislava không lớn nhưng có bề dày lịch sử văn hóa, lại biết cách tạo ra môi trường tốt trong thu hút đầu tư và nhân lực, nên có thu nhập bình quân đầu người cao và cuộc sống an toàn. Tương lai Bratislava sẽ còn đi lên một tầm cao mới đem lại ngày càng nhiều hạnh phúc cho cư dân thành phố và góp phần cho cả đất nước Slovakia phát triển mạnh mẽ hơn.

ĐÀO TẤN LỘC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/89/318500/mot-thoang-bratislava.html