Một thoáng Marocco

Sau gần 20 giờ vượt Đại Tây Dương, chuyến bay của hãng hàng không Nga Aeroflot đáp xuống sân bay quốc tế Rabat Salle ở thủ đô Rabat khi trời vừa sáng. Anh bạn đồng nghiệp làm việc ở cơ quan thường trú của hãng Thông tấn xã Prensa Latina (Cuba) ra đón, thông báo đại ý: Chúng ta có 3 ngày dừng chân ở Rabat để tham quan, tìm hiểu kiểu 'cưỡi ngựa xem hoa' đất nước Marocco.

Phụ nữ Marocco (ảnh tư liệu)

Phụ nữ Marocco (ảnh tư liệu)

Trên đường về khách sạn Hoàng gia Hatsan, gặp nhiều đoàn người có dáng vẻ là công nhân xây dựng đang đi làm công việc nặng nhọc. Hỏi ra, được biết Nhà Vua đương nhiệm đang trùng tu khu mộ của Vua cha. Quốc gia Bắc Phi này theo chế độ Quân chủ lập hiến. Nhà Vua là biểu tượng cao nhất – nguyên thủ quốc gia. Thủ tướng đứng đầu chính phủ, nắm quyền điều hành đất nước.

Marocco nằm ở Tây Bắc châu Phi, có biên giới giáp với Algerie, Mauritanie, đối diện với Tây Ban Nha qua eo biển Gibralta. Phía bắc giáp Địa Trung Hải; phía đông giáp Đại Tây Dương. Với diện tích 446,550 km2 (lớn thứ 57 thế giới), dân số 36,1 triệu người (đứng đầu châu Phi) – chủ yếu là người Ả-rập và Berber theo Đạo Hồi. Là thành viên của Liên minh châu Phi, chính trị ổn định, có nền kinh tế (nông nghiệp, đánh cá, du lịch, khai khoáng) khá phát triển, Marocco được đánh giá là quốc gia giầu có nhất châu Phi.

Việt Nam và Marocco đã có 60 năm quan hệ ngoại giao (1961 – 2021). Hai nước mở Đại sứ quán ở thủ đô mỗi nước vào năm 2006. Có hoàn cảnh lịch sử nhiều nét tương đồng – đều bị thực dân Pháp đô hộ suốt thời kỳ dài, nên nhân dân hai nước sớm cảm thông, ủng hộ lẫn nhau. Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống ách đô hộ của thực dân Pháp, nhiều lính viễn chinh đến từ châu Phi (nhất là Marocco) đã chạy sang hàng ngũ Việt Minh để cùng chống quân xâm lược. Nông trường Việt – Phi (thuộc địa phận huyện Ba Vì ngày nay) đã tồn tại trong khoảng thời gian 1956 – 1960. Cổng Marocco được xây dựng bởi những “người Việt Nam mới” từ buổi ấy. Đây là công trình kiến trúc độc đáo mang đậm chất văn hóa Hồi Giáo và Marocco duy nhất có ở châu Á. Từ năm 1960, được sự đồng ý của 2 chính phủ, những “người Việt Nam mới” cùng gia đình của họ đã trở về Tổ quốc của mình. Ngày nay, khách du lịch Việt Nam tới xứ sở “Nghìn lẻ một đêm” hay còn gọi là “Sa mạc và mê cung của những giấc mơ”, đến thăm Làng Việt Nam sẽ được đón tiếp như người thân đi xa lâu ngày trở về.

Những ngày ở Marocco, chúng tôi được nghe kể về một nhà doanh nghiệp người Việt Nam thành đạt, có uy tín lớn ở Thủ đô Rabat. Ông có vợ là người gốc Do Thái. Hai người con một gái một trai. Cô con gái đầu lòng có tên Việt Nam là Tâm. Cậu em trai tên là Việt. Ông bà đã gửi cả hai người con của mình sang Cuba học đại học với mong muốn sau này các con trở về Việt Nam phục vụ. Vào những ngày lễ lớn của Việt Nam như Tết Nguyên Đán cổ truyền, Quốc khánh 2.9, ông bà thường tổ chức tiệc chiêu đãi lớn để mời khách. Người tới dự bao giờ cũng đông, gồm chính khách là các nhà ngoại giao, quan chức chính phủ Marocco, chính quyền Thủ đô Rabát, giới doanh nhân, trí thức, nhân sĩ… những người bạn có cảm tình với Việt Nam. Mỗi dịp như thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam lại được giới thiệu: Lịch sử dựng nước và giữ nước; phong cảnh đẹp; các món ăn dân tộc hấp dẫn; người dân thân thiện, cần cù lao động…

TS. Chu Huy Sơn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202107/mot-thoang-marocco-778399/