Kỳ 1: Ra đi hẹn ngày về
'Giữa Thủ đô/Cụ Hồ về/Bộ đội/Tiến vào năm cửa ô/Về đến đây rồi, Hà Nội ơi/Người đi kháng chiến tám năm trời/Hôm nay về lại đây Hà Nội/Ràn rụa vui lên ướt mắt cười'. Đó là những câu thơ trong bài thơ Lại về của cây đại thụ thi ca cách mạng Việt Nam Tố Hữu. Thi ca, báo chí đã viết nhiều về Ngày trở về khải hoàn ca 10/10/1954 nhưng có lẽ không nhiều người biết tường tận về 'đêm ra đi, đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng' của những người lính Trung đoàn Thủ đô 'người ra đi đầu không ngoảnh lại' những ngày cuối cùng năm 1946.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024): 70 năm - Khúc khải hoàn ca
LTS: Tròn 70 năm trước, đúng 16h30 ngày 9/10/1954, những lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của quân Pháp ở Thủ đô Hà Nội. Sáng 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Hà Nội trong tiếng reo hò của hàng chục vạn người dân. Nhưng để có được ngày 10/10/1954 lịch sử ấy, là cả một hành trình đầy gian nan, hiểm nguy, bao nỗ lực, cả những mất mát, hy sinh của quân dân Hà Nội. Báo Nhà báo và Công luận cùng nhìn lại hành trình để có được khúc khải hoàn ca 70 năm về trước.
Từ yêu cầu bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp được sự tiếp tay của các nước đế quốc đồng minh trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, tăng cường các hoạt động quân sự, phá hoại nền hòa bình của nhân dân ta.
Trong thời khắc Tổ quốc lâm nguy, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đêm 19/12/1946 tại làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả Hà Nội đều nhất tề đứng lên chống giặc, cứu nước. Hà Nội ngày ấy, “mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”, từ người già, thanh niên nam nữ đến các em thiếu niên đều tham gia vào các đội tự vệ thành.
Nhưng nỗ lực của riêng người dân Hà Nội thì không đủ, để thực hiện cho được nhiệm vụ được Trung ương Đảng và Bộ Tổng Chỉ huy trực tiếp chỉ là Hà Nội vừa phải chiến đấu tiêu hao sinh lực địch, vừa bảo toàn cho được lực lượng của ta, cầm giam chân giặc để Chính phủ có thời gian tổ chức và huy động lực lượng toàn dân đi vào cuộc kháng chiến làm thất bại bước đầu chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, cần thiết có một lực lượng vũ trang thống nhất, quy củ.
Từ chủ trương đó, Đảng ủy Liên khu I đã họp và đề nghị thống nhất các lực lượng vũ trang trong thành phố, thành lập một trung đoàn chính quy của Quân đội quốc gia Việt Nam lấy tên là “Trung đoàn Liên khu I”. Ngày 6/1/1947, Trung đoàn Liên khu I được thành lập trong khói lửa, các chiến sĩ trong Trung đoàn Thủ đô đa phần là người con Hà Nội, các tự vệ thành trở thành các vệ quốc quân. Ngày 16/1/1947, Hội nghị quân sự toàn quốc quyết nghị tặng Trung đoàn Liên khu I danh hiệu Trung đoàn Thủ Đô.
Lịch sử của trung đoàn ghi lại: Với tinh thần “sống chết với Thủ đô”, ngày 15/1/1947, lễ quyết tử bảo vệ Liên khu I đã được tổ chức rất nghiêm trang, theo đó, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trở thành “Quyết tử quân”, tuyên thệ chiến đấu ở nơi nào gay go nhất, đánh thì đi trước, rút thì đi sau, hễ đánh là phải thắng, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “sống chết với Thủ đô”. Nhờ thế, trong suốt 60 ngày đêm từ ngày 19/12/1945 đến ngày 17/2/1946, Trung đoàn Thủ đô cùng nhân dân Hà Nội chiến đấu giam chân địch trong thành phố, tiêu hao một bộ phận lớn sinh lực địch, đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Bác Hồ đã gửi lời khen tới cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô: “Các chú giam chân địch được một tháng đã là thắng lợi, đến nay giữ Hà Nội được 2 tháng là đại thắng lợi”.
Tuy nhiên, qua 2 tháng chiến đấu liên tục và ác liệt, trận địa của ta ở Liên khu I ngày càng bị thu hẹp; lương thực, vũ khí đạn dược đã cạn, nguồn tiếp tế từ ngoài vào rất hạn chế. Trước tình hình đó, theo chỉ đạo của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, Thành ủy và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội quyết định tổ chức cho Trung đoàn Thủ đô rời Liên khu I ra hậu phương bảo toàn và xây dựng lực lượng để kháng chiến lâu dài. Sau cùng, với sự đề xuất của Trung đoàn cùng với Quân khu XI, Bộ Tổng Chỉ huy đã đồng ý phương án rút Trung đoàn Thủ đô ra khỏi Liên khu I bằng con đường xuyên qua phía Bắc cầu Long Biên lên Nghi Tàm, vượt qua sông Hồng và sông Đuống sang khu tự do tỉnh Phúc Yên, thời cơ rút phải tranh thủ điều kiện thuận lợi nhất, có thể vào đêm 17 hoặc 18/2/1947.
Tới cuộc lui quân thần kỳ đầy quả cảm đêm 17/12/1947
Tuy nhiên, trong bối cảnh địch vây tứ bề thời điểm đó, để rút lui được một cách an toàn bí mật ra khỏi Hà Nội đã là cả một sự thần kỳ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn Thủ đô rút quân, các đơn vị bộ đội ta ở Liên khu II, III và ngoại thành được lệnh tăng cường quấy phá địch. Đội du kích Hồng Hà hoạt động ở vùng Yên Phụ, Chèm cũng được lệnh tích cực chuẩn bị tìm đường dẫn bộ đội. Được sự phân công của cấp trên, chính quyền và nhân dân Tàm Xá, huyện Đông Anh có nhiệm vụ đón và đưa Trung đoàn Thủ đô rút lui an toàn qua sông. Để đảm bảo cho cuộc rút quân của Trung đoàn qua Tàm Xá diễn ra an toàn, nhanh chóng, địa phương đã huy động nhiều thuyền bè để chở bộ đội qua sông, cùng với đó, trung đội du kích của xã được giao nhiệm vụ trực chiến, bám sát và bảo vệ Trung đoàn.
“Tôi chưa bao giờ quên cảm xúc bâng khuâng, lưu luyến của chàng học sinh ngày đó chưa đầy 18 tuổi, lần đầu tiên xa rời nơi chôn nhau cắt rốn, ra đi với niềm tự hào của người thanh niên Hà Nội được đeo trên vai biểu tượng Tháp Rùa trong khói lửa, đứng trong đội ngũ các chiến sĩ Quyết Tử Quân Thủ Đô.
Với những cảm xúc đó, bước lên đò vượt sông Hồng cùng đồng đội, tôi bất giác nhắc lại lời đã hứa với nhau trước khi rời ngõ Phất Lộc: “Chúng ta nhất định sẽ trở về!”. Một lần nữa, lời hứa đó được chúng tôi truyền miệng nhau, khắc sâu trong tim” - Hồi ức của ông Phạm Ngọc Trương - cựu chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô.
6 giờ chiều ngày 17/2, tiểu đoàn 103 đi đầu đã lên đường. Tiểu đoàn 101 bố trí yểm hộ cho toàn Trung đoàn rút, một trung đội được cử ra phục kích tại đầu cầu Long Biên. Sáng ngày 18/2, các chiến sĩ Thủ đô bắt đầu sang sông. 5 giờ sáng ngày 19/2/1947, phát hiện ta rút khỏi Liên khu phố 1, quân Pháp huy động lực lượng truy kích. Chúng điên cuồng dùng đại bác, máy bay bắn phá vào Tàm Xá, sau đó, đổ quân vào xóm Chùa để tìm diệt bộ đội ta.
Lực lượng du kích Tàm Xá phối hợp với Đội giao thông liên lạc của đồng chí Nguyễn Ngọc Nại đã chiến đấu ngoan cường, thu hút, giam chân địch, cản bước truy kích của chúng. Trong cuộc chiến đấu ác liệt này, Tàm Xá bị thiệt hại lớn về người và của (29 người dân bị chết, 5 người bị thương, 50 người bị giặc bắt; nhà cửa bị giặc đốt, gia súc, gia cầm, thóc lúa bị cướp sạch), 8 chiến sĩ trong Đội giao thông liên lạc (trong đó có Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại) và 2 dân quân du kích xã đã anh dũng hi sinh. Tất cả cho sự rút lui an toàn cho Trung đoàn Thủ đô.
Ra đi ngày hôm đó, những người lính của Trung đoàn Thủ đô lặng lẽ bí mật vượt sông Hồng rút về chiến khu phía Bắc để bắt đầu cho một cuộc chiến cam go đang ở ngay trước mặt. Còn nhớ, trước lúc rời chiến lũy, các chiến sĩ viết lên tường các dãy phố những dòng chữ thể hiện tinh thần đanh thép: “Thủ đô Hà Nội mãi mãi là của dân tộc Việt Nam”, “Quân xâm lăng, chúng ta sẽ trở lại đây một ngày mai”. Như những câu thơ của nhà thơ Chính Hữu: “Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa...”. Đêm ấy, những người lính Trung đoàn Thủ đô lui quân khỏi Hà Nội, họ ra đi nhưng hẹn ngày về, quyết tâm kiên cường chiến đấu để trở về giải phóng Thủ đô.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-1-ra-di-hen-ngay-ve-post314003.html