Một thoáng văn học Đan Mạch [Kỳ 3]
Vào ba thập kỷ cuối thế kỷ XIX, văn học hiện đại Đan Mạch và tất cả văn học hiện đại Bắc Âu ra đời do vai trò của nhà phê bình văn học G. Brandes.
Giai đoạn văn học hiện đại (1)
Văn học hiện đại ra đời:
Vào ba thập kỷ cuối thế kỷ XIX, văn học hiện đại Đan Mạch và tất cả văn học hiện đại Bắc Âu ra đời do vai trò của nhà phê bình văn học G. Brandes (1842-1927).
Ông phê phán chủ nghĩa lãng mạn lỗi thời, phù phiếm, xa thực tế. Chịu ảnh hưởng triết học Hegel (Đức), trường phái phê bình khách quan của Sainte - Beuve (Pháp) và nghiên cứu văn học thực luận của Taine (Pháp), ông theo chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên, đòi hỏi văn học phải đi sát hiện thực, khoa học, tiến bộ, chống lại chính trị phản động.
Năm 1871 là năm bản lề cho cả văn học Bắc Âu: những bài giảng của Brandes ở Trường đại học Copenhagen về Những trào lưu chính trị trong văn học châu Âu thế kỷ XIX mở đột phá khẩu vào thành trì lãng mạn.
Về sau, tư tưởng của Brandes ngả dần sang quan niệm cấp tiến quý tộc của triết gia Đức Nietzsche.
J.P. Jacobsen (1847-1885) phổ biến tư tưởng Darwin. Ông viết tiểu thuyết vô thần, chống đạo Thiên chúa (về cuối ông có thay đổi ý kiến). Sáng tác của ông có giọng bi thương, nặng về vô vọng và bất lực.
H. Bang (1837-1912) viết tiểu thuyết, truyện ngắn và phê bình, thơ ấn tượng chủ nghĩa. Cuốn tiểu thuyết Thế hệ vô vọng vạch rõ đạo lý tư sản suy đồi, viết theo thuyết di truyền học, bị truy tố trước tòa án. Ông thông cảm với những người sống âm thầm, đấu tranh vô vọng, bút pháp tự nhiên chủ nghĩa, đi đến bi quan.
H. Drachman (1846-1908) ngả nghiêng giữa hai khuynh hướng cấp tiến tư sản và bảo thủ. Tập Thơ nói lên cảm tình với Công xã Paris. Nhưng sau ông cắt đứt quan hệ với nhóm cấp tiến Brandes, viết tiểu thuyết và làm thơ lãng mạn bồng bột.
Tiểu thuyết hiện thực của H. Pontoppidan (1857-1943, Giải thưởng Nobel 1917), chuẩn bị cho tiểu thuyết hiện đại. Đại diện xuất sắc cho nền văn học hiện thực phê phán Đan Mạch, ông đi sâu vào tâm lý xã hội. Ông đối lập con người hiện đại đánh dấu bởi diễn biến kinh tế, kỹ thuật, xã hội, với con người truyền thống bắt rễ sâu vào ruộng đất. Cuốn tiểu thuyết Per số đỏ chứng minh là trong xã hội tư bản, cần cù và tài năng vô hiệu, muốn thành công phải dựa vào tiền tài, thế lực và nhẫn tâm; các nhân vật chính đều tìm lối thoát bằng cách xa lánh xã hội hoặc làm điều thiện bằng tài sản của mình.
Phản ứng lại chủ nghĩa tự nhiên đến bi quan, một số nhà văn trẻ tìm một lý tưởng mới, thẩm mỹ nội tâm, trữ tình, tượng trưng hay tân lãng mạn thần bí như J. Jorgensen, H. Rode, L. Holstein, S. Clausen, G. Wied và Vigo Stuckenberg.
Đến đầu thế kỷ XIX, từ 1890 đến Thế chiến I, văn học Bắc Âu diễn biến khá phức tạp, nhưng cũng nằm trong khuynh hướng chung của văn học châu Âu thời đó: những nhà thơ trẻ phản ứng với sự ngự trị của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa tân lãng mạn của thập kỷ 90 thế kỷ XIX. Mặc dù truyền thống tượng trưng vẫn tồn tại cho đến nay, ở Bắc Âu họ chống lại cái “tôi” tuyệt đối, mở ra những chân trời mới (đề tài công nghiệp, thành phố lớn, thể nghiệm ngôn ngữ). Hiện thực tâm lý thể hiện trong tiểu thuyết và sân khấu, đề cập đến những vấn đề xã hội chủ nghĩa. Văn học địa phương và văn học do chính nông dân và công nhân sáng tác cũng phát triển.
Ở Đan Mạch lại nổi lên một đợt văn học duy vật, tân hiện thực, nhuộm màu xã hội chủ nghĩa. Gương mặt tiêu biểu nhất là J.V. Jensen (1873-1950). Chịu ảnh hưởng nhà thơ Anh ca ngợi chủ nghĩa đế quốc đi khai hóa là Kipling, ông xây dựng những nhân vật hành động, thực tiễn, đề cao thời đại kỹ thuật và cách mạng công nghiệp. Ông làm thơ và viết tiểu thuyết, truyện ngắn ca ngợi quê hương Jutland, miêu tả đời sống người nông dân cuối thế kỷ XIX. Ông được giải thưởng Nobel năm 1944.
J.V. Jensen đại diện cho khuynh hướng văn học địa phương bao gồm nhiều nhà văn miền Nam Jutland. Đáng kể có nhà viết tiểu thuyết J. Knudsen (1858-1915). Jensen tìm con đường tương lai trong kỹ thuật hiện đại và những con người thượng đẳng, còn Knudsen lại tìm thấy ở đức tin Kito giáo. Theo khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa, ông miêu tả các tâm hồn để nêu vấn đề thiện ác. Tác phẩm quan trọng của ông là Mục sư giả.
Một khuynh hướng khác của văn học thời ấy là văn học gây men đấu tranh xã hội. M. Andersen - Nexoe (1869-1954) là nhà văn có uy tín đầu tiên đại diện cho phong trào công nhân Đan Mạch, đưa chất liệu mới vào, đặt người vô sản vào trung tâm sáng tác.
Cuốn tiểu thuyết Pelê, người chinh phục nổi tiếng thế giới (ca ngợi sự giác ngộ giai cấp, sự đoàn kết giữa những người bị bóc lột, phản ánh lòng tin vào sự công bằng xã hội). Sau Cách mạng tháng Mười Nga, ông vào Đảng Cộng sản Đan Mạch và viết cuốn tiểu thuyết Đittê, con gái của người (ca ngợi lòng tốt của người phụ nữ vô sản). Năm 82 tuổi, ông sang ở hẳn nước CHDC Đức cho đến khi chết.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-thoang-van-hoc-dan-mach-ky-3-246833.html