Một thời để nhớ
Nước Nga trong hồi ức tuổi thơ của tôi là những áng văn chương đồ sộ của nhà văn Milkhail Sholokhov, là cái tên Quảng trường Đỏ nổi tiếng trong chương trình phim tài liệu. Mãi đến sau này, khi có cơ hội được sang xứ sở bạch dương học tập, tôi mới cảm nhận sâu sắc về nước Nga vĩ đại và sự tốt bụng của người dân nơi đây.
Thầy giáo của tôi từng kể rằng, những chiến thắng oanh liệt của nhân dân Liên Xô đã trở thành nguồn động viên to lớn để lớp thanh niên như thầy sẵn sàng xông pha ra chiến trường, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Với giọng tự hào, thầy nói cho chúng tôi biết, khi trở thành người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thầy được giao cầm khẩu súng AK-47 do Liên Xô sản xuất. Khẩu súng ấy đã gắn bó với thầy trên các mặt trận. Qua đó, tôi hiểu rằng nhân dân Liên Xô đã dành sự giúp đỡ to lớn cho nhân dân Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Liên Xô trước đây, Liên bang (LB) Nga ngày nay là bạn của Việt Nam!
Và rồi tôi cũng có cơ hội được đến đất nước xa xôi ấy. Năm 2005, tôi thi đỗ vào khoa Vật lý, Đại học Sư phạm Hà Nội I. Khi đó, giữa Việt Nam và Nga có chương trình hợp tác giáo dục. Theo đó, những sinh viên đạt kết quả học tập cao tại các trường đại học sẽ được nhận các suất học bổng du học tại Nga. Tôi may mắn là một trong số các sinh viên dành được học bổng này vào năm đó. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên cái ngày mà tôi được cô phụ trách sinh viên của khoa gọi lên thông báo. Khi ấy, tôi vô cùng bất ngờ và xúc động. Trong phút chốc, tôi đã quyết định nhận lấy suất học bổng và nhanh chóng chuẩn bị hành trang sang nước bạn học tập. Đối với tôi- một cô sinh viên nhút nhát, đó là chuyến đi đầy thử thách.
Ngày 26-9-2006, tôi cùng các bạn lên chuyến bay rời Hà Nội để đến nước Nga. Dĩ nhiên, tôi sẽ không thể nào quên được hình ảnh những người thân yêu của mình khóc rưng rưng khi tiễn đứa con bé bỏng, đứa con chưa bao giờ rời xa gia đình lên đường du học. Còn tôi thì vừa nhớ nhà, vừa lo lắng về tương lai sắp tới đến nỗi không khóc nổi.
Chuyến bay kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ đưa tôi đến với Moscow, thủ đô hoa lệ, kiêu sa với hàng bạch dương nghiêng mình trong nắng sớm. Bước ra khỏi sân bay, ngay lập tức, tôi bị thu hút bởi cảnh sắc trời thu tháng 9. Bên kia đường là hàng bạch dương vàng óng ả, lấp lánh dưới ánh mặt trời yếu ớt của buổi bình minh. Tiết trời buổi sáng khá lạnh, tôi hít hà đôi bàn tay cho khỏi cóng. Những làn hơi thổi vào khí lạnh “đùa giỡn” với nhau như chính chúng cũng đang háo hức khám phá những điều mới mẻ ở xứ sở bạch dương giống như tôi vậy. Sau đó, đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đi về Đại học Tổng hợp quốc gia Belgorod ở thành phố Belgorod, cách Moscow 500 km về phía Tây Nam.
Sau 7 năm học ở thành phố Belgorod, vào năm 2013, tôi lại học nghiên cứu sinh tại trường Đại học Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga ở Moscow. Tại thủ đô của đất nước Nga xinh đẹp, vào những lúc rảnh rỗi, tôi cùng các bạn đến phố cổ Arbat ở ngay trung tâm Moscow. Arbat mang đậm dấu ấn kiến trúc và văn hóa Nga qua từng viên gạch lát, từng ngôi nhà, từng nét hoa văn uốn lượn cầu kỳ, tinh tế. Lạc vào đây rồi ai cũng có thể rũ bỏ âu lo thường nhật để hòa mình vào không khí hội hè với tiếng đàn, câu hát, điệu múa mang đậm tính cách Nga. Đến Moscow rồi mới thấy, người ta ví Arbat là tâm hồn Nga, còn Quảng trường Đỏ với Điện Kremlin là trái tim của nước Nga quả không sai.
Khi nhắc đến một đất nước nào đó, người ta sẽ nhớ đến biểu tượng của nước đó trước tiên. Ví dụ như nói về nước Pháp, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến tháp Eiffel ở “kinh đô ánh sáng” Paris. Còn khi nói về nước Nga thì mọi người hay nhắc đến “Tâm hồn Nga”. Tâm hồn ấy là sự hiền hòa, gần gũi của những người Nga đôn hậu. Tất cả những gì trong con người tôi của ngày hôm nay, ít nhiều là từ những người Nga mang đến cho tôi. Nhờ họ, tôi đã vươn lên từ những khó khăn ban đầu để trưởng thành và tự lập như hiện nay.
Còn nhớ, có hôm trời bão tuyết, tôi vội đi học nên quên không mang theo găng tay. Thấy tôi đến trường với đôi tay lạnh cóng, một bà lao công người Nga đã gọi tôi lại và đưa cho tôi chiếc găng tay len của bà. Lúc đó, tôi thấy thật ấm lòng. Ngoài ra, trong suốt quá trình học tập ở Nga, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ phía các thầy, cô giáo. Những thầy cô người Nga luôn đồng hành, định hướng học tập, và yêu thương chúng tôi như người thân của mình vậy. Khi chúng tôi ốm đau, cô chủ nhiệm Lazerkova Aleksandra Vladimirovna mua thuốc mang đến. Hay khi tôi một mình đến thành phố Novosibirsk làm thí nghiệm, biết tôi ốm, thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh Nikitin Aleksey Kostantinovich mua cho tôi từng viên thuốc, dặn tôi cách uống, chở tôi đến bệnh viện và ngồi đợi ngoài hành lang. Những lúc ấy, với tôi, họ như những người thân ruột thịt của mình.
Sau 13 năm miệt mài đèn sách ở Nga, tôi về nước với hành trang là tình yêu nước Nga, nỗi nhớ thầy cô. Tôi hiểu rằng, các thầy cô giáo người Nga đã tận tâm, tận lực truyền đạt kiến thức cho những sinh viên Việt Nam như tôi với niềm mong mỏi rằng, chúng tôi sẽ trở về giúp ích cho quê hương đất nước.
May mắn là tôi được làm việc tại Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga - cơ quan duy nhất của Bộ Quốc phòng có sự hợp tác trực tiếp giữa Việt Nam và LB Nga. Vậy là dòng suối yêu thương về đất nước Nga vĩ đại trong tôi lại tiếp tục chảy.
Tôi mong một ngày nào đó không xa sẽ được trở lại xứ sở bạch dương. Bởi nơi đó đã giúp tôi mở mang nhiều kiến thức, cho tôi biết được thế nào là nền văn hóa Nga, văn hóa của thế giới, văn minh của nhân loại. Trong mắt tôi, nước Nga đẹp tuyệt vời với khung cảnh thiên nhiên trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Và hơn thế nữa, tâm hồn người dân nơi đây thật tuyệt vời: cao thượng, rộng lượng và vô cùng nhân hậu.