Một thời đi chơi chợ tết

Khi cuộc sống thay đổi với những dịch vụ tận nhà, thì khái niệm 'đi chợ tết' đã vợi đi rất nhiều. Nhưng với nhiều người, những phiên chợ tết một thời khó khăn vẫn là ký ức vô cùng đẹp đẽ.

(Ảnh minh họa)

Chợ tết xưa rộ nhất là sau ngày 23 tháng Chạp. Với nhiều nhà, khái niệm đi chợ tết có thể bắt đầu sớm hơn. Chợ họp theo phiên, có nhiều chợ tự phát họp trên đường liên xã vào những ngày giáp tết. Hồi ấy việc mua bán tập trung chủ yếu ở chợ, không nhiều người mua bán ở nhà như bây giờ.

Đi chợ tết vì thế là phần rất được quan tâm vào dịp cuối năm, thường được các bà, các mẹ tính toán xem nên bán và mua cái gì trước, còn thứ nào thì phải để đến phiên chợ cuối cùng mới đem về nhà, vì hồi ấy không có vật dụng để bảo quản.

Và đương nhiên là lũ trẻ cũng rất háo hức với phiên chợ này, vì thường được mua quần, áo tết. Dù chỉ là chiếc áo vải phin, quần xanh chéo hay xa tanh, nhưng sướng rơn, khoe khắp làng. Sau này cuộc sống khá hơn, được mua quần ka ki, áo phin pha lon, nhưng đó phải là khi những vụ rau, đậu không bị sâu bệnh, lúa tháng mười bời bời mọc lên trên cánh đồng làng.

(Ảnh minh họa)

Mẹ tôi là một cô giáo làng, nhưng bằng uy tín của mình, bà được Chủ nhiệm hợp tác xã cho làm hai sào lúa ở cánh đồng phèn chua cuối xã. Đó là một sự may mắn lắm, vì nếu chỉ ăn cơm tem, phiếu xếp hàng ở cửa hàng lương thực mỗi tháng thì lấy đâu ra lúa để cuối năm bán cho hàng xáo lấy tiền mua quần, áo tết cho con.

Cực nhọc, nhưng những người mẹ thời bao cấp thường đôn đáo đủ cách để có đồng tiền trang trải chợ tết, con cái không buồn.

Để có những món hàng tết, nhiều người phải đi qua những hành trình vất vả và vô cùng cực nhọc như phải đi đốn củi về tập kết trong sân nhà từ cuối tháng 9 âm lịch, chờ đến gần tết đem bán. Có nhà phải bán tới một hai cây rơm hoa.

Thông thường các gia đình đem đến chợ bán những nông sản dành dụm được từ nhiều tháng trước và dùng tiền bán được để mua hàng tết. Mỗi phiên chợ bán đi một vài thứ hoặc một phần hàng hóa có trong nhà, bởi nhiều người mua tiêu dùng không sẵn tiền để có thể mua cả, trừ những lái buôn.

Nếu bán một con lợn người bán phải hẹn với người mua trước mấy ngày để hai bên cùng chuẩn bị. Tiền bán lợn sau đó phải dành mua lợn giống, phân bón cho vụ đậu, lạc vào tháng giêng năm sau, chỉ có phần rất nhỏ dành cho việc mua hàng tết.

Chính vì không sẵn đồng tiền nên việc mua thứ gì cho phù hợp cũng cần phải tính toán, mỗi ngày mua một ít, nhiều khi mua xong phải dấu vào đáy bồ lúa hoặc treo lên nóc nhà để tránh việc vì thòm thèm mà dùng mất, nhất là với lũ trẻ.

(Ảnh minh họa)

Phải nói là, chợ tết một thời gắn với nhiều vùng quê nghèo, nhưng vui. Chợ là trung tâm văn hóa của xã hoặc liên xã. Đi chợ tết tìm được niềm vui mua sắm, cũng có cả niềm vui gặp gỡ, trao đổi chuyện mùa màng, hỏi thăm người quen biết.

Riêng với lũ trẻ, sau khi được nghỉ học thường tụ tập hoặc tiện thể sà vào những đám đáo. Lũ trẻ rải những đồng xu xuống đất phân ra mặt bông, mặt xu rồi dùng hòn cái đúc bằng chì đánh cho những đồng xu tách rời nhau hoặc lật ngược mặt là thắng. Những hội đáo, hội bài tam cúc ngày tết khiến nhiều đứa trẻ mất tiền, đáng lên án, nhưng vẫn là phần không thể thiếu ở những phiên chợ quê ngày tết. Nó làm cho không gian chợ tết thêm huyên náo, tạo ra âm sắc rất đặc biệt thu hút nhiều người đến với chợ, dù rằng chẳng để bán gì, mua gì, mà đơn giản chỉ là đi ngắm chợ tết, chơi chợ tết.

(Ảnh minh họa)

Đặc biệt, chợ tết xưa còn gắn với hình ảnh những người bán tranh khắc gỗ hay cho chữ, thường ngồi ở đầu hoặc cuối chợ. Sau khi mua, bán xong nhiều người thường đến với những ông đồ. Có người đã mua tranh, mua chữ từ phiên chợ trước, phiên sau vẫn qua những nơi ấy, cốt để được ngắm, bàn tán với nhau. Một thói quen, nhưng hơn thế là sự trọng thị ông đồ.

Khi mà các dịch vụ văn hóa còn thiếu thốn, thì tranh tường và chữ của ông đồ treo trong nhà là một cách để nhiều gia đình thể hiện sự khác biệt. Nhiều nhà dán trên tường nhiều bức tranh. Khá giả thì tranh đúc khuôn Đông Hồ, tranh thờ Hàng Trống hay những bức thư pháp uốn lượn trên giấy hồng điều được đóng khung cẩn thận. Nhà nghèo cũng cố để mua một bức tranh tết, thường là tranh in bức cuốn thư hay mâm ngũ quả để treo trên bàn thờ. Cố hơn thì mua thêm bức tranh em bé ôm cá, ôm tôm để treo hai bên cột nhà hoặc dán lên cửa. Những bức tranh làm sang hơn không gian căn nhà ngày tết, chưa cần biết trong bếp có thịt treo hay không.

Nhà không mua tranh thì mua giấy màu cắt dán trang trí diềm hoa, cây đào giả và chơi đến tận khi giấy bạc màu. Những loại giấy này cũng chỉ bán ở chợ, sau này thì có một số người cắt gấp sẵn, chỉ việc mua về trang trí.

(Ảnh minh họa)

Điều đáng nói hơn cả với những phiên chợ tết đó là thực phẩm bán phục vụ cho nhu cầu ẩm thực. Bây giờ rượu sẵn nên nhiều người mua cùng lúc vài chục lít hoặc nhiều hơn trữ trong nhà chờ cho rượu đằm vị, chứ trước kia phải giáp tết nhiều nhà mới mua rượu, thường chỉ vài gù, nhà khó khăn thì mua vài cút để cúng ông bà.

Còn với thực phẩm, ngoài cá mè hoa được chia theo khẩu sau khi tát ao làng đem nướng rơm rồi gác bếp hay kho mặn tích trữ, thì thịt lợn cũng không có nhiều. Sau này nhiều nhà có điều kiện thì chung nhau mổ lợn, còn phần đa vẫn phải trông vào phiên chợ cuối cùng của năm, sớm hơn cũng 28 tháng chạp.

Thịt mua về, nhà có điều kiện thì làm nem thính, gói giò, nhưng không nhiều nhà nấu thịt đông. Những năm gặp thời tiết nắng nóng phải bó giò vào túi ni lông thả xuống đáy giếng để tránh bị thiu. Ở vùng chiêm trũng có năm việc đi cấy có thể kéo dài đến tận 29 tháng Chạp, sáng 30 mới bắt đầu cho tết.

Ở những vùng quê này tết đến chậm và cũng đơn giản, thường chỉ có cá kho mặn dưới đáy nồi đất lót lá gừng hoặc riềng để có thể dành ra Giêng tiếp tục phục vụ cơm cấy, cơm cày. Ngoài ra còn một ít thịt lợn, nhưng không có mấy nhà gói giò. Thịt luộc rồi xâu nan treo lên gác bếp, mỗi bữa cơm cúng cắt một ít, vừa mức để ăn dè sau đó. Nhưng bù lại, ở nhiều vùng chiêm trũng có món bánh răng bừa rất ngon do người dân ở đây có bí quyết riêng trong công đoạn giáo bột. Bánh ít nhân, nhưng dẻo, ăn ngon, nhớ lâu.

Những phiên chợ tết được nhiều người xem như ngày hội ở những vùng quê có nhiều cư dân nông nghiệp. Không ồn ã, tấp nập và sắc màu như chợ ở vùng thương thị hay nơi có làng nghề truyền thống, nhưng có cảm giác ấm cúng, người bán, mua cũng thật, nói thách, nhưng bán không điêu toa.

(Ảnh minh họa)

Trong phiên chợ tết, người đi chợ có thể sẽ cho mình quyền ăn một bát bún, chiếc bánh rán hoặc món nào đó mà có thể cả năm họ chưa được ăn. Hàng quán chỉ là những chiếc cọc tre trên căng tấm áo mưa hoặc lợp tạm bợ bằng cành phi lao, bó lá mía, đôi khi mưa xuân lất phất ướt cả hàng quan, nhưng người bán và người ăn đều không để ý.

Nhịp sống chợ quê cứ như thế, lặng lẽ đến phiên lại họp cùng những khách chợ của mình, góp phần tạo nên một nét văn hóa giao thương mộc mạc. Nhiều phiên chợ tết quê đã đi vào văn học, như những câu thơ: “Thúng mủng, rổ rá giăng bày/ Chợ quê ngày tết kín đầy đường quan/ Nhấp nhô khiêng, đội, vác, mang/ Trộn vào dòng chảy sạp hàng đón xuân”…

Bây giờ chợ quê cơ bản đã được quy hoạch, nhiều chợ xây dựng hiện đại, hàng hóa phong phú chủng loại. Hình ảnh phiên chợ tết xưa với những ông đồ già, người bán tranh Đông Hồ gầy guộc và cả những người đi chơi chợ dù đã lùi vào quá vãng, nhưng với thế hệ chúng tôi về trước, vẫn vẹn nguyên trong ký ức những phiên chợ quê ngày tết không chỉ đi sắm, mà còn là đi chơi chợ tết.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/mot-thoi-di-choi-cho-tet/131053.htm