Một thời không quên
Chúng tôi đã ở tuổi xế chiều, thời gian lướt qua đời người, hun hút trôi về phía xa xăm, những nỗi buồn vui, những cung bậc thăng trầm, những vinh quang và cay đắng cũng theo năm tháng phai mờ hoặc cô đọng khắc sâu hơn trong ký ức đời người.
Tác giả và cháu nội
Đối với tôi, những tháng năm gian khổ hiểm nguy cùng cam cộng khổ với đồng đội đồng chí ở Trường Sơn; những năm tháng học tập, sinh hoạt dưới mái trường dành cho cán bộ, chiến sĩ miền Nam trên đất Bắc trong kháng chiến chống Mỹ là quãng đời luôn lắng đọng nơi tâm khảm, là một thời không thể nào quên.
Tháng 8 năm 1971, từ chiến khu Trà My, từ Ban Tuyên huấn Khu 5 tôi nhận quyết định lên đường ra miền Bắc chữa bệnh, sau 2 tháng leo núi vượt đèo lội bộ hết Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, tháng 10 năm 1971 tôi đến trạm Cự Nẫm, Quảng Bình. Đây là Trạm đầu mối, là làng xã đầu tiên để những người tham gia kháng chiến miền Nam đặt chân tới đất Bắc sau một hành trình vô cùng gian khổ. Như chúng tôi, từ chiến khu Quảng Nam đi mất 2 tháng, từ Nam bộ mất 4 tháng, thương binh cụt chân đi khiêng theo từng trạm đường dây 559 mất nửa năm mới tới trạm đầu tiên này. Từ đây chúng tôi lên xe nhà binh qua Ngã Ba Đồng Lộc ra Vinh; từ Vinh về Thủ đô Hà Nội bằng tàu hoả; từ Hà Nội tập trung về K15 Hà Đông - Nơi đón tiếp cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc.
Tại K15 Hà Đông, qua nghiên cứu hồ sơ và khám xác định tình trạng sức khoẻ, tình trạng vết thương, tùy theo mức độ bệnh tật, thương tật Cục B (Cục quản lý cán bộ miền Nam) giới thiệu chúng tôi nhập viện trong nước mà thường là bệnh viện chuyên chữa trị cho cán bộ miền Nam như E1- Thạch Thất - Sơn Tây, E2 Từ Liêm - Hà Nội... hoặc đưa đi nước ngoài, chủ yếu sang Quế Lâm, Trung Quốc; người sức khoẻ khá về thẳng các “K” an dưỡng cán bộ miền Nam. Như tôi về an dưỡng tại K75 - Kiến An - Hải Phòng.
Khi sức khoẻ phục hồi, Cục B sắp xếp chúng tôi vào các trường dành cho cán bộ miền Nam học văn hóa, trang bị kiến thức phục vụ sự nghiệp cách mạng lâu dài về sau. Người có trình độ hết cấp I trở lên đưa về Trường HT2 – Từ Hồ, người chưa hết cấp I về K20 ở Vĩnh Yên nhập học.
HT2 -Từ Hồ, nguyên thuỷ là trường Bổ túc công nông Trung ương hay là trường Phổ thông lao động Trung ương có từ những năm 1954, đóng tại Giáp Bát - Hà Nội, chuyên bồi dưỡng trình độ văn hóa cho cán bộ công tác tại miền Bắc, có thể là trường đã hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp nằm ở tận chiến khu Việt Bắc nhằm bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ kháng chiến. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cán bộ dân chính Đảng các cấp tại chiến trường miền Nam bị thương, đau ốm mất sức phải ra hậu phương miền Bắc chữa bệnh, an dưỡng, khi sức khoẻ hồi phục được Ban Thống nhất Trung ương bố trí về HT2 học tập. Trong những năm 1967 – 1968, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt, trường HT2 đóng ở Giáp Bát – Hà Nội phải sơ tán về xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây có xóm Từ Hồ, có Ngã ba Từ Hồ, có Bưu điện Từ Hồ. Xóm Từ Hồ, Bưu điện Từ Hồ, Ngã ba Từ Hồ nằm ở thôn Mễ Thượng, là vị trí Trung tâm của trường HT2, cơ quan Hiệu bộ, Bệnh xá nhà trường, các cuộc sinh hoạt văn nghệ, chiếu bóng, họp hành toàn trường đều diễn ra tại khu vực này… Đó là căn cơ để cái tên Trường HT2 – Từ Hồ xuất hiện và trở thành phổ biến, thay thế cho cái tên Trường Phổ thông lao động Trung ương ở giai đoạn sau này, thậm chí học sinh ở thế hệ chống Mỹ như chúng ta, nhiều người chỉ gọi, quen gọi trường Từ Hồ
Nói là trường, thật ra là một khu vực trường gồm các giảng đường dã chiến mái tranh vách nứa, nằm rải rác trong ba thôn Mễ Thượng, Mễ Hạ, Đông Phú. Hàng chục năm nhà trường tồn tại, phần lớn học sinh ở nhờ nhà dân, ăn bếp tập thể. Nhiều gia đình tự nguyện cho nhiều thế hệ học sinh Từ Hồ tá túc trong cả chục năm trời. Dân lúc ấy còn rất khổ, ăn sắn, ăn khoai, nhà chật nhưng vẫn dành chỗ thuận lợi nhất để chúng tôi trú ngụ. Họ đã yêu thương, giúp đỡ chúng tôi như con cháu, anh em trong nhà. Tình cảm ấy chúng tôi không bao giờ quên, một khi còn sống trên đời này.
Ban Giám hiệu có thầy Lê Tiền người Đà Nẵng, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Thành uỷ viên Đà Nẵng thời chống Pháp, nay giữ chức Hiệu trưởng kiêm Bi thư Đảng uỷ nhà trường; Hiệu Phó là thầy Cát người miền Bắc, phụ trách học tập.
HT2 - Từ Hồ có số lượng đảng viên rất đông, có thể đến cả ngàn người, đây là một Đảng bộ lớn. Nhiều học viên nguyên là Thường vụ huyện uỷ, Tỉnh uỷ viên, Bí thư xã, anh hùng lực lượng vũ trang, dũng sĩ diệt Mỹ, biệt động thành, tình báo nội thành, du kích tập trung các xã, cán bộ binh vận dân vận các cấp, cán bộ tuyên huấn, văn công giải phóng….Hầu hết “học sinh” được trưởng thành từ lò lửa chiến tranh, họ là những chiến sĩ cách mạng thực thụ kinh qua thử thách nơi tiền tuyến, trong các nhà tù đế quốc. Mỗi lớp học độ 40 người thì đã có trên dưới 30 đảng viên. Nhiều người trong họ từng được cử về Hà Nội gặp các đồng chí lãnh tụ, lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, được cử đi báo cáo thành tích chiến đấu ở nhiều nước trên thế giới….Họ rất trẻ nhưng chí lớn, họ là những chàng trai cô gái non tơ tóc chấm ngang vai nhưng đã là dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, là những anh hùng trận mạc.
Các thầy là những người dạy giỏi, thông thạo tính cách, trình độ, mức độ tiếp thu của “học sinh” lớn tuổi, nhưng gián đoạn việc học vì chiến tranh.
Tháng 1 năm 1972, cận kề tết Nhâm Tý, tôi về Từ Hồ. Sau cuộc kiểm tra kiến thức gồm 2 môn toán, văn tôi được nhà trường thu nhận vào học lớp 8, thuộc khối cấp III nằm độc lập giữa cánh đồng, cạnh một ao sâu gọi là Ao Cá. Ao sâu đến mức tôi là dân biển nhưng không thể lặn tới đáy. Nghe nói ao này có đường nước ngầm thông với sông Hồng, theo truyền thuyết thì nó được hình thành bởi một luồng nước xoáy rất mạnh trong một trận lụt lớn đã thay đổi địa hình như “một cuộc bể dâu”.
Năm tôi nhập học lớp 8, khu vực Ao Cá gồm 2 lớp 8, 2 lớp 9, 2 lớp 10. Đây là khu độc lập. không có nhà dân, học sinh ở trong các lán trại tập thể, ăn tại nhà ăn do cô Trương làm quản lý, ở thì có chú Đông người Quảng Ngãi phụ trách phần xây dựng. Nghe nói chú Đông là du kích Ba Tơ, tập kết ra Bắc được phân công về Từ Hồ quản lý, theo dõi xây dựng và sửa chữa nhà trường. Ăn ngày hai bữa có cô Trương lo; ở có chú Đông theo dõi, chúng tôi chỉ có việc học và tu dưỡng đạo đức, lập trường cách mạng, hướng về xứ sở mà nuôi chí bền.
Đã là cán bộ kháng chiến miền Nam, người nhỏ nhất cũng đến tuổi hai mươi. Ở tuổi này chỉ có cách học bổ túc văn hóa theo chương trình cấp tốc một năm 2 lớp mới đuổi kịp mốc thời gian trưởng thành của một đời người. Các môn học được tinh giản, chủ yếu học kỹ toán, lý, hóa, văn, lịch sử, địa lý, sinh vật xếp vào môn phụ. Trong từng lớp, trình độ tiếp thu không đồng đều, người trẻ tiếp thu nhanh, người lớn tuổi sức học hạn chế, ở các tiết học thầy đã giảng tỉ mỉ, nhưng lúc không lên lớp cán sự bộ môn tranh thủ phụ đạo thêm theo kiểu “Con béo kéo con gầy”, giúp đồng môn, đồng đội cùng hiểu, cùng tiến.
Ở đây người tứ xứ tụ hội, nào là người các tỉnh Khu 5, Khu 6, Khu Trị Thiên, miền Đông, miền Tây Nam bộ… Có cả người miền Bắc vào chiến trường công tác ở các cơ quan dân chính Đảng các cấp ở miền Nam. Nhưng tất cả chúng tôi đều cùng chung hoàn cảnh kháng chiến, từ chiến trường khói lửa trở về hậu phương, rất dễ hòa đồng hội nhập.
Về Từ Hồ, tôi gặp được chị ruột cùng thoát ly một lần, cùng ở chiến trường Quảng Nam, nhưng chiến tranh khói lửa mịt mù, suốt 7 năm trời chị em không thể gặp nhau. Nay trên đất Bắc chị em đoàn tụ, chao ôi mừng vui khôn tả. Nhưng rồi, tất cả chúng tôi tuy sống trên miền Bắc XHCN, ăn gạo miền Bắc, uống nước Hưng Yên, được bà con miền Bắc sẻ chia đùm bọc mà quân số vẫn thuộc miền Nam. Ai còn sức khoẻ, sẵn sàng trở lại miền Nam kháng chiến, nhiều người ở vài năm xung phong trở lại chiến trường, có người giấu vết thương để được trở lại chiến trường.
Tôi vào lớp 8, chị tôi học xong lớp 10, học thêm lớp báo chí cấp tốc, cuối năm 1972 trở lại quê hương Quảng Nam như một phóng viên chiến trường. Và, chị em tôi đã làm "một cuộc chia ly không dám hẹn ngày gặp lại". Khi ấy tôi rưng rưng nhớ hai câu thơ của Hồ Thấu "Chiến trường ai khóc chia phôi/ Khải hoàn ai nhắc tới người hôm qua" mà dõi theo bóng hình trẻ trung của chị đang nhón chân đi về phía quê hương may ít rủi nhiều. Chiến tranh mà ai ơi!
Giữa năm 1972, Mỹ lại tiến hành ném bom ác liệt miền Bắc, trường HT2 - Từ Hồ phải tiếp tục sơ tán lên phía Tân Yên, Bắc Giang. Cuối năm 1972 đầu năm 1973, sau Hiệp định Paris ký kết trường lại quay về địa điểm cũ. Giữa năm 1973 tốt nghiệp lớp 10, tôi về trường Đại học Bách khoa Hà Nội học dự bị để thi Đại học vào năm 1974.
Theo học chương trình cấp III bổ túc văn hóa một năm 2 lớp tập trung vào 4 môn toán, lý, hóa, văn, vì thế kiến thức các môn cơ bản khá chắc, qua bồi dưỡng thêm một khóa dự bị, chúng tôi có thể thi đại học cùng một đề, cùng một kỳ thi đại trà với học sinh phổ thông. Năm ấy khối 10 của chúng tôi có nhiều người trúng tuyển vào đại học trong nước, thời gian đã quá lâu tôi chỉ nhớ được một số trường hợp như: cô Lan Tin quê Duy Xuyên, cổ Kiều người Đại Lộc vào Đại học Dược - Hà Nội; Khoa người Phú Yên vào Đại học Giao thông; anh Kháng, cô Bình, cô Thúy người Nam bộ vào trường Bưu diện Vĩnh Phúc; chị Phan Thị Quyên vợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, dâu Quảng Nam vào Khoa kinh tế trường Bách Khoa Hà Nội… Một số người đạt điểm cao, đủ tiêu chuẩn theo học ở nước ngoài như: Phan Văn Tính người Bình Dương Thăng Bình, Nguyễn Thị Hà người Bình Thuận đi Nga; anh Huỳnh người Thừa Thiên đi Ba Lan; Phạm Thông, Nguyễn Công người Tam Kỳ, Lê Minh Hải người Bình Định đi Bungaria… Nhiều người sau khi tốt nghiệp cấp III, để chuẩn bị cán bộ cho sự nghiệp xây dựng miền Nam sau này, Cục cán bộ B cử họ theo học tại các trường trung cao cấp chính trị, cao đẳng, đại học thuộc các ngành công an, báo chí, văn hóa, giáo dục, y tế …. Ngay trong khi đang học tại trường HT2 - Từ Hồ, theo yêu cầu của chiến trường nhiều đồng chí được cử theo học các lớp chính trị cấp tốc để trở lại miền Nam chiến đấu.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nước nhà thống nhất, học sinh HT2- Từ Hồ trở về miền Nam công tác, phần đông trong họ được đào tạo trở thành những cán bộ có quá trình tham gia kháng chiến, có trình độ chuyên môn bài bản, góp phần xây dựng quê hương trong thời bình.
Bây giờ, sau gần nửa thế kỷ chúng tôi đã trở thành lớp người “xưa nay hiếm”, trở thành ông nội bà ngoại, nhìn lại những chặng đường đã qua, đã trải nghiệm; nhìn lại những năm tháng sống trên đất Bắc, những năm tháng học tập tại trường HT2 - Từ Hồ thì đó thật sự là một quãng đời đẹp, chứa đựng những ký ức không thể nào quên của thời tuổi trẻ. Trong công cuộc kháng chiên ở miền Nam, ở quê hương, chúng tôi đã hồn nhiên trong trắng theo tiếng gọi của Đảng, của Mặt trận dân tộc giải phóng lên đường đường tham gia cách mạng. Khi ấy, vì hoàn cảnh chiến tranh chúng tôi ít được học, ra hậu phương miền Bắc Xã hội chủ nghĩa chúng tôi được Đảng, Nhà nước xem chúng tôi như những hạt giống đỏ, cho chúng tôi ăn học nâng cao trình độ văn hóa, mở rộng kiến thức để bắt kịp tiến trình phát triển cách mạng, trở thành cán bộ phục vụ lâu dài trong những năm sau này. Đặc biệt chúng tôi được nhân dân miền Bắc, nhân dân các làng Mễ Thượng, Mễ Hạ, Bình Phú, Từ Tây, Đông Tảo kính yêu năm xưa cưu mang, đùm bọc, được các thầy cô tận tình chỉ dạy từng phép toán, câu văn. Ơn nghĩa ấy chúng tôi luôn ghi lòng tạc dạ.
Chúng tôi luôn quan niệm trường HT2 - Từ Hồ là cái nôi, một mắc xích quan trọng một thời trang bị kiến thức cơ bản, tạo động lực để chúng tôi trưởng thành. Trong số “học sinh” bổ túc văn hóa năm xưa ấy, có nhiều người đã trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, giảng viên đại học, giảng viên chính trị, tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo các cấp…Nhưng cái quý nhất là dù ở cương vị nào trong xã hội, dù cư trú nơi phố thị hay về an nghỉ tuổi già nơi làng quê, hóc núi; dù cuộc sống kinh tế- xã hội có thay đổi đến đâu, trong hoàn cảnh nào chúng tôi vẫn giữ trọn được phẩm giá con người, một lòng sắt son với sự nghiệp cách mạng; vẫn giữ được tấm lòng trong trắng, hồn nhiên yêu nước thương dân của cái thuở ban đầu: “Lên đường như đứa trẻ thơ/ Quản chi gian khổ bụi bờ chông gai”. Và hôm nay trong buổi gặp mặt này, dẫu ở tuổi xế chiều nhưng trong mỗi chúng tôi vẫn tràn đầy năng lượng, da diết tưởng về những năm tháng trẻ trung với những ký ức đẹp ở cái nôi kiến thức HT2 - Từ Hồ trên đất Mễ Thượng, Mễ Hạ, Bình Phú, Từ Tây, Đông Tảo - Hưng Yên năm xưa.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/mot-thoi-khong-quen-a18239.html