Một thời nón lá!

Ngày xưa khi mẹ còn sống, cứ mỗi lần về thăm quê ở Quảng Nam vào, thế nào bà cũng mang về hàng chục chiếc nón lá để làm quà cho các dì, các cô ở chung xóm.

Nón lá Quảng Nam tuy không đẹp, không mảnh mai như nón Huế nhưng được cái bền, rất được phụ nữ nông thôn ưa chuộng. Nón lá xứ Quảng chú trọng đến chất lượng, nên thường khi chằm nón xong người ta dùng nước dầu rái loại trong quét một lớp thật mỏng lên mặt nón để tạo độ bóng và bền. Dì, cô nào được tặng nón là vui lắm, đi đâu họ cũng đem khoe chiếc nón mới.

Nghệ nhân làm nón lá chăm chút từng đường kim mũi chỉ. Ảnh minh họa.

Nón lá từ lâu đã trở thành biểu tượng, nét duyên của phụ nữ Việt Nam. Trong đời sống bình dị của người nông dân, chiếc nón lá luôn đồng hành cùng họ, khi ra đồng lên rẫy, lúc xuống sông xuống bến, rồi hội hè, chợ sớm, chợ chiều, đám tiệc, cưới hỏi... Ngay cả khi gả con gái về nhà chồng, người mẹ cũng không quên đặt vào tay con chiếc nón lá, một cách gởi gắm tình thương rất mộc mạc, chân thành.

Nón giúp con người che mưa, che nắng. Hình ảnh những chiếc nón trắng nhấp nhô trên cánh đồng lúa chín vàng ươm, hay dưới rặng tre làng người nông dân ngồi phe phẩy chiếc nón giữa trưa hè oi bức... là những hình ảnh đẹp chân quê rất Việt Nam. Người nông dân họ quý chiếc nón lá vô cùng. Đi làm đồng họ chỉ đội những chiếc nón cũ mèm, vành đã bung, gọi là nón cời. Nón mới họ để dành đi chợ, đi dự cưới hỏi... Ngày xưa, mẹ đội nón, khi đã quá “cời”, mẹ lấy kéo cắt bỏ một hai vành cho chiếc nón nó “trơn tru” rồi dùng tiếp chứ ít khi nào vứt bỏ. Có lần hai anh em thấy nón mẹ rách, vành đã bung, rủ nhau rút vành nón làm khung diều, mẹ phát hiện chửi cho anh em một trận tơi bời.

Chiếc nón, với các mẹ, các chị ít khi nào rời tay, dù trời có mát rượi đi nữa, bước ra ngõ là nón kẹp theo tay. Lên xe đò cũng vậy, không bao giờ chịu rời chiếc nón, nhiều khi chủ xe phải nổi cáu.

Nón lá với người nông dân còn có nhiều tác dụng thiết thực khác: Khi hút thuốc gặp trời gió, người nông dân dùng nón lá để che gió bậc lửa, khi trời nóng dùng nón quạt cho mát, không có dụng cụ đựng nước lấy nón lá đựng, mệt, kê nón ngồi cho khỏi lấm, ngủ, lấy nón che mặt cho khỏi ruồi, ngay cả khi đi mua hàng lỡ quên túi, dùng nón để đựng những mặt hàng lặt vặt cũng tốt...

Với các cô gái, nón lá không chỉ giúp che mưa, che nắng, nó còn làm tôn vẻ đẹp, sự duyên dáng quyến rũ nhưng thật đằm thắm nên thơ. Nón lá và áo dài là hai biểu tượng đặc trưng cho vẻ đẹp Việt Nam. Với người xứ Huế, hình như cái gì họ cũng thích nhẹ, thích mong manh, với chiếc nón lá cũng vậy, nội cái tên thôi đã thấy nó mảnh mai, nhẹ nhàng rồi: “Nón bài thơ”. Ai một lần đến Huế mà không ngẩn ngơ với tà áo tím, nón bài thơ và cả cái giọng Huế ngọt ngào không nơi mô lẫn được. Gọi nón bài thơ, bởi giữa hai lớp lá mỏng tang ấy khi chằm nón người thợ đã rất khéo léo ép vào đó bài thơ, hoặc hình ảnh hoa văn, và khi ánh sáng tạt vào cái màu trắng của nón, thơ và hình ảnh sẽ hiện lên. Nón bài thơ ra đời tại làng Tây Hồ xứ Huế vào khoảng năm 1959 -1960 do một nghệ nhân chằm nón nổi tiếng tên Bùi Quang Bặc sáng kiến làm ra.

Nón lá Việt Nam trong con mắt của giới nghệ sĩ mang vẻ đẹp thuần khiết đôn hậu, ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, thấy nón lá, áo dài là thấy Việt Nam. Nón lá từ lâu đã làm say lòng rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ, đến như Tố Hữu nhà thơ “chính trị” nòi còn phải thót lên: “Cô gái thẩn thờ vê áo mỏng - Nghiêng nghiêng vành nón dáng ai chờ”. Thi sĩ Quỳnh Dao, một nhà thơ tiền chiến Việt Nam đã có một tứ thơ để đời với Huế: “Một hàng Tôn Nữ cười trong nón/Sông mở lòng ra đón bóng yêu”. Giữa mênh mông sông nước Hậu Giang, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết lên những lời nhạc say đắm lòng người “Nón lá đội nghiêng tóc dài em gái xõa...”. Đỗ Trung Quân lại rất ngọt ngào trong tình quê, tình mẹ: “Quê hương là cầu tre nhỏ/ Mẹ về nón lá nghiêng che...” và vân vân... rất nhiều, rất nhiều hình tượng nón lá qua thơ, nhạc Việt Nam.

Hình ảnh nón lá bây giờ vẫn còn nguyên giá trị ấy, có điều người đội nón lá, nhất là đối với các cô gái trẻ, những người sống ở đô thành đã dần dần thưa thớt. Một lẽ, bây giờ đi đâu cũng có sẵn phương tiện, lên xe gắn máy lại phải đội nón bảo hiểm nên nón lá không còn tác dụng mấy. Lẽ khác do ô nhiễm môi trường, các cô, các chị bước chân ra đường là bịt kín toàn thân, mà đã bịt kín toàn thân thì phải xài nón vải rộng vành, nón lá trong trường hợp này cũng không cần lắm. Đối với các cô gái chuộng thời trang, nón lá không nằm trong sự chọn lựa của họ.

Nón lá bây giờ chủ yếu tồn tại ở các vùng nông thôn, tồn tại với các mẹ, các chị. Tồn tại trong những buổi biểu diễn thời trang, thi hoa hậu, hoa khôi, một số điểm du lịch, chụp ảnh cho các sao để quảng bá. Có điều nghịch lý, người nước ngoài đến Việt Nam hầu như ai cũng thích nón lá. Đến các khu du lịch thấy người nước ngoài đội nón lá nhiều gấp mấy lần người Việt. Với một hiện thực như vậy, trong mai hậu không biết nón lá Việt Nam sẽ về đâu?!

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/mot-thoi-non-la-119541.html